Diễn đàn VNF

Cách mạng Công nghệ 4.0 và cơ hội của Việt Nam

Diễn đàn Kinh tế thế giới diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ) mới đây đã cho thấy cuộc Cách mạng Công nghệ thế hệ bốn đã, đang và sẽ chi phối mạnh mẽ tới sự phát triển của các quốc gia.

Cách mạng Công nghệ 4.0 và cơ hội của Việt Nam

Người máy Minion và R2D2 được giới thiệu tại Hội chợ điện tử tiêu dùng (CES) ở Las Vegas, Nevada, Mỹ ngày 8/1/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Có mặt tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, trước những thách thức mới, Việt Nam đang tập trung cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng để tranh thủ cơ hội của cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0.

Để đem lại cái nhìn toàn diện về thực trạng kinh tế thế giới và Việt Nam, cũng như triển vọng trong năm 2017 và những năm tiếp theo, trân trọng giới thiệu bài viết của chuyên gia tài chính-ngân hàng, cựu Giám đốc Ngân hàng bang Vaud, Liên bang Thụy Sĩ, Phạm Nam Kim.

Nhìn về dài hạn, kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng bắt đầu từ khủng hoảng tài chính 2008. Nếu nhìn rộng hơn nữa, kinh tế những nước phát triển vẫn chưa tìm được lối thoát thực sự cho những nghịch lý về cơ cấu kinh tế phát sinh sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại phiên toàn thể với chủ đề "Bản sắc ngành chế tạo: ASEAN đã trở thành một cộng đồng hay chưa?". Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Hệ lụy từ nền kinh tế "ảo"

Từ 20 năm trở lại đây, kinh tế các nước phát triển đã rời nền tảng công nghiệp. Tuy nhiên, hướng thay thế bằng kinh tế dịch vụ cũng không thành, vì đã theo con đường đầu cơ, kinh tế "ảo." Nhưng con đường này cũng đã bị các chính quyền ngăn chặn từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Vấn đề cơ bản là các quốc gia này vẫn chưa tìm được hướng đi mới cho nền kinh tế của họ.

Thêm vào đó tình trạng di cư tới những quốc gia có mức sống cao đang diễn ra ồ ạt tại các nước phát triển và ảnh hưởng không nhỏ đến chính trị-xã hội của các quốc gia đó.

Trong năm 2016, ảnh hưởng chính trị của cuộc khủng hoảng di cư trở nền trầm trọng hơn với sự trỗi dậy mạnh mẽ của phong trào dân túy. Người dân đã thể hiện quan điểm của mình qua việc bỏ phiếu "đồng ý" với Brexit tại Anh, cũng như qua kết quả bầu cử Tổng thống ở Mỹ và bầu cử ở các quốc gia châu Âu khác.

Năm 2016, cũng là năm các quốc gia mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc phát hiện ra là mô hình phát triển dựa trên gia công giá rẻ và thả lỏng quy định về bảo vệ môi trường cũng có giới hạn và không thể kéo dài hơn nữa. Tuy nhiên họ vẫn chưa kiếm ra được một mô hình phát triển có thể đáp ứng cho cuộc chạy đua về tốc độ tăng trưởng do những áp lực chính trị - xã hội.

Trong thời gian qua, như những nước mới nổi khác, Việt Nam đã được hưởng lợi nhờ sự chuyển dịch công xưởng sản xuất từ những nước phát triển sang vì giá nhân công rẻ, cũng như sự dễ dãi tương đối trong những quy định về môi trường.

Dây chuyền lắp ráp tại Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (THACO) (Nguồn: TTXVN)

Công nghiệp hóa đất nước cũng được phát triển từ trong theo mô hình những tập đoàn Chaebol của Hàn Quốc. Tuy nhiên, sự hạn chế trong quản lý đã làm cho các tập đoàn này không thành những đầu tầu cho công nghiệp hóa.

Theo sau những gì đã xảy ra tại những nước phát triển, Việt Nam cũng không tránh được làn sóng ồ ạt đầu tư vào những thị trường đầu cơ và từ đó tạo ra một nền kinh tế "ảo."

Kinh tế "ảo" được cấu tạo từ những thị trường chứng khoán, vàng, đồng USD nhưng hiện tại cơ bản là trên lĩnh vực bất động sản.

Bất động sản đã thu hút phần lớn nguồn lực quốc gia. Một số doanh nghiệp chểnh mảng lĩnh vực chính để đổ tiền vào bất động sản. Nhiều tập đoàn nhà đầu tư ngoài ngành vào địa ốc và người dân bỏ tiền mua nhà, đất không phải chỉ vì lợi nhuận đầu cơ mà con coi nó là kênh hữu hiệu nhất để tích lũy tài sản. Hệ thống ngân hàng khi huy động vốn tiết kiệm dân cư, phần lớn, trực tiếp hay gián tiếp cũng tài trợ những dự án bất động sản.

"Bong bóng" đầu cơ bất động sản "xì hơi" đã kéo theo suy thoái kinh tế từ hơn 8 năm nay.

Bắt đầu từ 2014, lĩnh vực bất động sản từ từ được vực dậy, có lẽ phần lớn do sự tài trợ trở lại của ngân hàng, đồng thời các công xưởng của các doanh nghiệp nước ngoài thiết lập tại đây thực sự đi vào hoạt động. Đó là hai yếu tố chính mang lại những thành quả phát triển của năm 2015.

Năm 2016, hai yếu tố trên tiếp tục tác động tích cực trên nền kinh tế mặc dù những khó khăn do thiên tai, môi trường, thị trường nhập khẩu hàng hóa trên thế giới giảm, giá dầu thô và nguyên vật liệu ở mức thấp nhất.

Với hai năm tăng trưởng tốt, có thể nói, kinh tế đã đươc vực trở lại. Tuy nhiên, sự trở lại này lại là sự trở lại của bất động sản và cũng là sự trở lại của đầu cơ và của nền kinh tế "ảo."

Thực tế thì Chính phủ đã nhìn thấy rõ hướng phát triển kinh tế dựa trên gia công không khả quan về dài hạn, nước ta phải tìm ra một mô hình phát triển mới trong môi trường kinh tế thế giới rất phức tạp và đầy thách thức hiện nay.

Robot sẽ làm thay đổi cục diện kinh tế thế giới?

Cuộc Cách mạng Công nghệ thế hệ 4.0 sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cục diện kinh tế thế giới, từ sự phân chia sản xuất đến địa kinh tế thế giới.

Xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0 bao gồm tất cả những phát triển liên quan đến công nghiệp, đặc biệt công xưởng gắn liền với kỹ thuật số và sự xuất hiện của những người máy robot trên những dây chuyền sản xuất.

Hiện tại, giá một robot là 20.000 USD một con, trong tương lai gần khi dây chuyền rôbốt tự sản xuất robot hình thành, giá thành sẽ giảm rất nhiều. Với tiến bộ khoa học robot hiện nay và mức lương bình quân đối với một lao động ở châu Á là 5.300 USD/năm, vấn đề đặt ra là các nước phát triển liệu còn cần rời công xưởng của họ sang những quốc gia có nhân công rẻ?

Nếu họ rút công xưởng sản xuất về nước, thì cái lợi trước mắt là họ chiếm lại vị thế của nước công nghệ và số lượng lao động cho những công xưởng này lại rất phù hợp với tốc độ tăng trưởng dân số tại nước họ.

Hơn thế nữa, dịch chuyển công xưởng về nước là rất hợp với đường lối của Chủ nghĩa Dân túy đang thắng thế trên chính trường tại một số nước châu Âu, hoặc đã nắm quyến như ở Mỹ.

Câu chuyện công xưởng robot không phải là một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, mà đã có những công xưởng rời bỏ Trung Quốc, trở về châu Âu hay Mỹ. Trào lưu này trong những năm sắp tới có thể sẽ còn tiến nhanh hơn vì áp lực chính trị, như những kêu gọi của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Như thế, năm 2017 có thể là một bước ngoặt quan trọng.

Ngược lại, những quốc gia mới nổi trong đó có Việt Nam sẽ phải đối phó với tình huống rất khó khăn. Những điều kiện và tiềm năng cho công nghiệp hóa sẽ mất đi. Số lượng việc suy giảm do xu hướng rời công xưởng về cố quốc nhờ vào tiến bộ của công nghệ robot, cũng như sự cổ súy cho Chủ nghĩa Dân túy khởi xướng từ Mỹ.

Vấn đề là các quốc gia mới nổi phải phản ứng ra sao? Thời gian còn lại để chuẩn bị cho những thay đổi này là rất ngắn. Trước mắt, phong trào thiết lập công xưởng ở các quốc gia lao động rẻ sẽ chững lại, chỉ còn những ngành nghề khó sử dụng robot. Trong khi đó, dân số vẫn phát triển đều đặn và nếu nền kinh tế quốc nội không tạo được công ăn việc làm tương xứng thì nạn thất nghiệp sẽ hoành hành.

Hiện tại, chỉ có Trung Quốc là có phản ứng trước xu hướng robot hóa lực lượng lao động. Trong số trên 230.000 robot được bán trên thế giới trong năm 2014 thì có tới 60.000 robot được bán cho Trung Quốc. Doanh nghiệp Trung Quốc đã nhận thấy, với robot, sản phẩm công nghệ, điện tử sẽ có chất lượng hơn và có sức cạnh tranh tốt hơn. Đó là phản ứng của một quốc gia tự cho mình là một nước công nghệ, không còn theo mô hình gia công như thuở ban đầu.

Như vậy là trong tương lai, địa kinh tế sẽ lại thay đổi một lần nữa. Nếu các quốc gia phương Tây biết nắm cơ hội, trọng tâm kinh tế sẽ trở lại Bắc Đại Tây Dương, Châu Á Thái Bình Dương sẽ mất đi tầm quan trọng hiện tại.

Trong năm 2017, thế giới sẽ phải đối mặt với hai thay đổi lớn. Thứ nhất, những quyết định chính trị của Chủ nghĩa Dân túy ở Mỹ với chương trình hành động của Tổng thống D. Trump sau khi nhậm chức. Ở châu Âu, sau sự ra đi của Vương quốc Anh (Brexit) thì tại EU sẽ có 2 cuộc bầu cử lớn là bầu cử Thủ tướng Đức và bầu cử Tổng thống Pháp.

Thứ hai là những diễn biến của kinh tế Trung Quốc trước những khó khăn hiện tại. Viễn cảnh của những thay đổi trên sẽ có tác động lớn cho kinh thế thế giới vẫn đang ở đà suy thoái.

Kinh tế Việt Nam năm 2017: Đổi mới như thế nào?

Như vậy, cục diện kinh tế thế giới trong những năm tới sẽ có thay đổi lớn, trước viễn cảnh như vậy, Việt Nam phải xét lại mục tiêu và đường lối phát triển của mình.

Mục tiêu của Đảng và nhà nước là đến 2050, Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp phát triển. Đến năm đó, theo dự báo của Liên Hợp Quốc, dân số Việt Nam sẽ là 140 triệu người, do vậy Việt Nam phải giữ vững mục tiêu công nghiệp hóa nền kinh tế để tạo công ăn việc làm cho người dân.

Tuy nhiên, với xu thế thay thế lao động bằng robot, chúng ta phải hướng nền công nghiệp vào những ngành nghề đòi hỏi kỹ xảo của người lao động là chính và công việc này không thể thay thế bằng bằng máy mọc tự động hay robot. Khả năng cạnh tranh của những ngành nghề này sẽ hoàn toàn dựa trên sự khéo léo và tay nghề cao của người lao động.

Ta có thể rút kinh nghiệm từ kỹ nghệ sản xuất đồng hồ của Thụy Sỹ. Xuất phát từ hơn 3 thế kỷ, trải qua bao nhiêu tiến bộ khoa học, kỹ thuật nhưng nay lại trở về với phương thức sản xuất đồng hồ cơ, bằng tay. Những sản phẩm này được bán khắp thế giới dựa trên chất lượng và sự tin tưởng của khách hàng. Nói như vậy không có nghĩa là ta sẽ loại bỏ hoàn toàn hệ thống robot trong dây chuyền sản xuất, bởi nó sẽ giúp sức trong những công đoạn nhất định, để đảm bảo chất lượng của đầu ra.

Với xu thế robot hóa trong sản xuất công nghiệp, phát triển kinh tế Việt Nam sẽ phải hướng thêm vào ngành nghề dịch vụ. Trong lĩnh vực này, ngành tiềm năng nhất là du lịch, và trong du lịch phải tính cả ngành du lịch điều dưỡng cho người cao tuổi (nhu cầu này đang rất cao ở những nước phát triển), đó là sự liên kết giữa du lịch và y tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm khu trồng rau công nghệ cao của Nông trường VinEco. (Ảnh: Thống Nhất-TTXVN)

Ngành dịch vụ thứ hai, là dịch vụ chuyên chở, phân phối và logistic nói chung. Với sự phát triển vượt bậc của kỹ thuật số, của mạng thông tin toàn cầu, phân phối hàng hóa đã và đang biển đổi hoàn toàn và cốt lõi của thương mại qua mạng sẽ là cách giao hàng đến tận nhà, mặc dù nhà cung cấp ở bên kia trái đất.Trong lĩnh vực này Việt Nam có một vị trí địa lý rất thuận lợi và đầy tiềm năng. 

Lĩnh vực thứ ba mà ta nên phát triển là ngành tài chính, bảo hiểm. Ngành này cũng đang và sẽ thay đổi rất nhanh. Với toàn cầu hóa của nền kinh tế, một ngân hàng, một sàn chứng khoán hay một công ty bảo hiểm chỉ có thể hoạt động hiệu quả nếu tạo được một hệ thống toàn thế giới, nhất là khi hoạt động trên lĩnh vực bán lẻ và hệ thống kinh tế chia sẻ phát triển mạnh.

Về nông nghiệp, xu hướng công nghệ hóa, hiện được áp dụng toàn cầu, năng suất lên rất cao với sự sử dụng đại trà phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu, ứng dụng sinh học. Những thiếu hụt nguồn cung chỉ có tính nhất thời vì thiên tai và những năm vừa qua giá nông sản đang trên đà đi xuống.

Xu hướng của người tiêu dùng hiện tại là tìm kiếm và chỉ mua nông sản chất lượng. Mà chất lượng ở đây là nông sản sạch, có nghĩa là không dùng mọi hình thức vô cơ, thuốc kháng sinh, hạt giống biến đổi gene. Đó là cách tốt nhất để tạo giá trị gia tăng cho nông sản và là xu hướng Việt Nam nên theo. Nông sản cũng như mọi sản phẩm phải theo sát nhu cầu thị trường.

Tất cả những hướng đi trên đều có chủ trương chung phát triển kinh tế dựa trên nhân tố chính là con người. Con người ở đây là người lao động có tay nghề, không thể thay thế họ bằng máy móc hay robot. Do đó việc trước tiên phải làm ngay từ bây giờ là cải tổ hệ thống giáo dục, đưa giáo dục vào quỹ đạo của một nền giáo dục ưu tiên phục vụ nền kinh tế.

Trong đào tạo nghề, nên đi theo mô hình đào tạo kép của Thụy Sỹ, vừa học nghề ở nhà máy, vừa học ở trường. Ở trình độ cao học, nên theo mô hình của những đại học danh tiếng của Mỹ, học cũng đi đôi với hành, với những khóa thực tập tại doanh nghiệp hay tại những trung tâm nghiên cứu.

Chuẩn bị cho tương lai là ngay bây giờ, trong năm 2017, phải chỉnh sửa lại cơ cấu của nền kinh tế, sửa lại thể chế thị trường và hệ thống tài chính. Như đã phân tích ở phần đầu, lịch sử đã lập lại, đầu cơ địa ốc đã lấy lại vị thế của nó trước thời kỳ suy thoái và kinh tế "ảo" không những trở thành động cơ chính của hoạt động kinh doanh mà nó còn thu hút toàn bộ những nguồn vốn của thị trường, trực tiếp hay gián tiếp qua những hoạt động tài trợ của ngân hàng. Một khi tiết kiệm quốc gia đổ vào kinh tế "ảo" thì không còn vốn để xây dựng nền kinh tế thực.

Qua các kỳ Đại hội Đảng, Đảng và nhà nước đã khẳng định quyết tâm xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa. Qua những hiệp định thương mại tự do FTA, chúng ta khẳng định với bên ngoài sẽ xây dựng và bảo vệ kinh tế thị trường. Căn bản của kinh tế thị trường là tất cả đều phải đặt trên luật chơi của thị trường, ngay sự cấu kết, thỏa thuận giữa các doanh nghiệp để chia nhau thị trường, định giá, cúng bị cấm ngặt. Do đó, chính phủ nên tư nhân hóa toàn bộ những doanh nghiệp nhà nước, ngoại trừ những doanh nghiệp công ích xã hội và trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

Trong năm 2016, chính phủ mở chiến dịch hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thiểu thủ tục hành chính. Đó là tín hiệu tích cực, song cái mà doanh nghiệp cần nhất là tiếp cận nguồn vốn và hệ thống tài chính ngân hàng, vốn trải qua giai đoạn suy thoái kinh tế đã hoàn hoàn bị tê liệt.

Với khối nợ xấu lớn, ngân hàng không còn khả năng đảm trách nhiệm vụ trung gian giữa huy động tiết kiệm quốc gia và tài trợ nền kinh tế. Do vậy nợ xấu hiện là cái nút thắt của nền kinh tế.

Trong tương lai gần, phát triển kinh tế quốc gia cần rất nhiều vốn và một phần sẽ nhờ vào một hệ thống ngân hàng vững mạnh. Bước tái cơ cấu ngành ngân hàng, để từ đó có một hệ thống ngân hàng quy mô, có khả năng đảm nhiệm những rủi ro phát sinh từ một nền kinh tế mới nổi là điều kiện tiên quyết để đảm bảo mức phát triển đã đề ra.

Bước vào năm 2017, Việt Nam gia nhập khối Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã được một năm, và cũng ngỡ ngàng nhận thấy ta đã không nắm bắt cơ hội để phát triển thương mại qua những nước trong khối. Ta phải rút kinh nghiệm từ đó, bởi thị trường EU sẽ mở rộng cửa vào năm 2018. Cụ thể, Việt Nam phải có một chiến lược canh tranh rõ ràng và phải có một chương trình tiếp thị hẳn hoi để khai thác thị trường này cũng như để thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Chủ tịch tập đoàn Alibaba tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, tháng 1/2017 (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tin mới lên