Diễn đàn VNF

Chính quyền thân thiện, bắt đầu từ lời cảm ơn, xin lỗi

Nói đến chính quyền thân thiện, có lẽ chương trình "Nụ cười Hạ Long" do tỉnh Quảng Ninh phát động từ năm 2014 là chương trình ấn tượng nhất với người dân, khi toàn bộ các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh truyền đi thông điệp về tỉnh Quảng Ninh theo một cách rất khác biệt, họ xuất hiện trực tiếp tại các điểm địa danh nổi tiếng tại Hạ Long, vòng tay làm hình trái tim, kết hợp với ánh mắt, nụ cười và lời nói.

Chính quyền thân thiện, bắt đầu từ lời cảm ơn, xin lỗi

Ảnh minh họa.

Thời điểm đó, người dân khá ngỡ ngàng vì lạ, lạ vì chưa bao giờ thấy lãnh đạo chính quyền làm lại những hành động rất thanh niên như thế.

Thông điệp của tỉnh rất đơn giản, dễ hiểu và đa dạng từ mỗi lãnh đạo tỉnh, đơn cử như của ông Nguyễn Đức Long, thời đó là Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh nói về ý nghĩa của nụ cười đã chạm vào trái tim triệu con người:

"Mỗi người dân Quảng Ninh, hãy nở nụ cười ngay bây giờ và hàng ngày, hãy cười nhiều hơn với nụ cười rạng rỡ. Hãy tạo cho mình nụ cười bằng những việc làm có ý nghĩa, bạn sẽ thấy cuộc đời này tuyệt diệu biết chừng nào! Bạn có thể làm cho bản thân mình trở thành một con người mới: buổi sáng thức dậy mỉm cười, mỉm cười bước ra khỏi nhà, mỉm cười khi gặp gỡ người khác, khi làm việc mỉm cười, khi nghỉ ngơi cũng mỉm cười - tất cả điều này là một thói quen tốt. Mỉm cười là một niềm vui mà tự bạn có thể thực hiện được. Khi bạn tặng nụ cười cho người khác, bạn có thể sẽ cảm nhận được niềm vui chân chính, người khác có được sự cổ vũ khích lệ của bạn, tâm tình của họ cũng có thể vì thế mà phấn chấn. Bạn hãy nhanh chóng mang niềm vui đến cho người khác vì một thế giới thêm tươi đẹp, vì một trái tim muốn biểu lộ niềm vui, chúng ta mỉm cười! Bởi đó là nụ cười đến từ trái tim, đến từ đáy lòng mình, vì chính mình, vì tỉnh Quảng Ninh và vì mọi người. Quảng Ninh tự hào với truyền thống mến khách. Hãy nở nụ cười rạng rỡ với những hành động thân thiện để chào đón du khách tới với Quảng Ninh và hẹn ngày trở lại. Mỗi khách sạn, nhà hàng du thuyền và điểm đến đều trở thành một đại sứ đại diện cho thương hiệu du lịch Quảng Ninh. Hãy chào đón du khách bằng nụ cười và trái tim".

Các bạn trẻ Quảng Ninh tham gia quảng bá chương trình Nụ cười Hạ Long năm 2014

Và cũng mới đây, tỉnh Quảng Ninh lại gây xôn xao dư luận khi là tỉnh đầu tiên công bố chính thức Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp địa phương đánh giá riêng cho Quảng Ninh, chấp nhận cho doanh nghiệp đánh giá chính quyền địa phương và từng huyện thị. Hay như cách đây 3 năm, khi công bố thành lập Trung tâm hành chính công được dư luận coi là bước đột phá trong cải cách hành chính của tỉnh, với quy trình tiếp nhận, xử lý và tra cứu hồ sơ tại Trung tâm gồm 4 bước, theo phương châm: công khai, minh bạch và chính xác.

Và hiện nay, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 đối với 70% thủ tục hành chính từ tỉnh đến xã đã được cung cấp, chứng thư số giải quyết công việc và luân chuyển tài liệu giữa các đơn vị với trên 90% văn bản hành chính trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị thực hiện qua mạng Internet, trên 95% văn bản có sử dụng chữ ký số đã được sử dụng.

Và kết quả rất rõ ràng, hiện 95% thủ tục hành chính thực hiện tại Trung tâm hành chính công và một nửa các sở, ngành đưa 100% thủ tục hành chính vào giải quyết tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Qua khảo sát trực tuyến trên cổng thông tin, phiếu góp ý và hòm thư, đánh giá trực tiếp của người dân tại hệ thống bình chọn, trên 98,3% người dân và doanh nghiệp hài lòng với trung tâm. 

Câu chuyện của một trong số ít các địa phương được coi là điểm sáng trong tiến trình cải cách hành chính,thực sự lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hoạt động thông qua xây dựng thái độ, văn hoá ứng xử văn minh, thân thiện.

Hơn nữa, không chỉ xây dựng một chính quyền thân thiện mà còn cho thấy sự chuyển đổi tư duy từ "mệnh lệnh hành chính" sang "phục vụ, hướng dẫn", thay đổi phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước ở tỉnh và các địa phương, tạo sự chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa các cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, công dân, làm tăng hiệu quả làm việc trong quá trình hoạt động, giảm phiền hà, chi phí, thời gian, công sức cho tổ chức, công dân. 

Đây là minh chứng rõ nét cho kết quả của ý tưởng cải cách hành chính của Bộ Chính trị là tạo ra những thay đổi trong các yếu tố cấu thành và cơ chế vận hành của nền hành chính nhằm làm cho bộ máy hành chính nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội tốt hơn. 

Bản thân cải cách hành chính (CCHC) là một khái niệm rộng, có thể được diễn giải dưới nhiều hình thức khác nhau: cải cách địa giới hành chính, cải cách chức năng, cải cách tổ chức, cải cách nhân sự và pháp luật công vụ, cải cách tài chính hay cải cách nội bộ công sở. Và CCHC cũng với khái niệm cải cách khu vực công (Public Sector Reform) và khái niệm quản trị công mới (New Public Mangement), theo đó CCHC nhà nước chỉ đề cập tới các yếu tố cấu thành của nền hành chính, mà chủ yếu là cải cách các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công, không bao hàm cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách các cơ quan ở lĩnh vực lập pháp, tư pháp ... 

Trong lịch sử CCHC ở Việt Nam có thể nói Nghị quyết TW8 khóa VII là tiền đề quan trọng xây dựng và thực hiện thể chế mới về công chức, công vụ khi lần đầu tiên 3 nội dung chủ yếu của CCHC Nhà nước được trình bày một cách hệ thống, đó là cải cách thể chế của nền hành chính, chấn chỉnh tổ chức bộ máy cùng quy chế hoạt động của hệ thống hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính. Việc thực hiện Nghị quyết TW 8 Khoá VII đã mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn chuyển biến thật sự trong CCHC ở Việt Nam. Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định CCHC là một trong 3 khâu đột phá chiến lược.

Từ đó, CCHC được triển khai trên tất cả các cấp hành chính theo hướng đơn giản hóa, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho sự phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của nhân dân. Tập trung rà soát, loại bỏ những quy định, những thủ tục không phù hợp, không cần thiết, gây phiền hà, sách nhiễu, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời sửa đổi, bổ sung những quy định và cơ chế chính sách, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của Doanh - Dân, cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng, cấp các loại giấy phép, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản, giải quyết nhanh và có kết quả các yêu cầu chính đáng của người dân, qua đó cải thiện mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhân dân, lấy lại niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. 

Trên nền tảng trên, khác với Chương trình 2001- 2010, Chương trình tổng thể CCHCNN giai đoạn 2011- 2020 xác định rõ 3 trọng của cải cách hành chính là: (i) Cải cách thể chế; (ii) Xây dựng và nâng cao chất lượng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; (iii) Nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công. 

Mặc dù đường hướng chiến lược đã rõ ràng nhưng các thách thức rào cản trên tiến trình đó cũng lộ rõ. 

Thứ nhất, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, thậm chí nhũng nhiễu, tiêu cực, thiếu trách nhiệm và vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân điển hình là vụ án Xin chào để lại điều tiếng, gây mất lòng tin với dân, thậm chí gây cản trở cho quá trình cải cách hành chính. 

Thứ hai, hệ thống theo dõi, đánh giá dựa trên kết quả trong nền hành chính hiện chưa hiệu quả. Mặc dù Chính phủ hiện đang sử dụng công cụ là Chỉ số cải cách hành chính trong theo dõi đánh giá, và sử dụng phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, tuy nhiên việc đánh giá hiệu quả thực thi công vụ của công chức vẫn là khâu yếu nhất hiện nay, đánh giá yếu nên bố trí cán bộ không đúng, nổi cộm là chuỗi các vụ việc trong năm 2016 bổ nhiệm người nhà vào chính quyền tại một số các địa phương do truyền thông phát giác.

UNDP đã từng đánh giá rằng "công tác đánh giá hiện tại đã thất bại trong việc giúp Chính phủ biết được năng lực của từng người để có thể bố trí đúng người, đúng việc". Tại các diễn đàn lớn về tiền lương, biên chế… các chuyên gia thường đưa ra con số 30% cán bộ, công chức, viên chức chỉ "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về, không đem lại bất cứ hiệu quả công việc nào" hay "Chỉ có 1/3 cán bộ công chức ‘làm hùng hục’ không hết việc, 1/3 chỉ cản trở những người khác và 1/3 công chức còn lại ‘ngồi chơi xơi nước".

Và số lượng 30% cán bộ, công chức, viên chức này không làm được việc, tương đương khoảng 700.000 người, tiêu tốn 17.000 tỉ đồng ngân sách nhà nước hàng năm. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Nội Vụ thì khoảng 0,5 đến 0,6% công chức bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ (?). 

Thứ ba, Việt Nam hiện đang cùng một lúc tiến hành một loạt các cải cách: cải cách lập pháp, cải cách tư pháp, cải cách kinh tế, cải cách giáo dục v.v... Mỗi cuộc cải cách theo đuổi các mục tiêu, kết quả riêng, tuy nhiên có rất nhiều vấn đề đan xen giữa các cuộc cải cách, thậm chí có vấn đề không thể nói chỉ thuộc một cuộc cải cách riêng biệt.

Chính vì vậy, tính đồng bộ giữa các cuộc cải cách này có ý nghĩa quan trọng, nó tạo ra sự thống nhất ở tầm vĩ mô như hoạch định thể chế, chính sách, pháp luật để bảo đảm các cuộc cải cách có thể tốt hơn, không gặp trở ngại. 

Vấn đề đặt ra là liệu cần có một nhóm tư vấn độc lập như nhiều nước khác đang làm, để xem xét, đánh giá lại nền hành chính và xây dựng một kế hoạch cải cách công vụ, bảo đảm tính đồng bộ của cải cách hành chính với các cuộc cải cách khác trong hệ thống chính trị. Hệ thống hành chính nhà nước luôn trong quá trình động, vừa bảo đảm sự quản lý nhà nước trên các lĩnh vực xã hội, vừa tìm cách thức ứng với những thay đổi của xã hội, của nền kinh tế. Đến một lúc nào đó, các yếu tố của nền hành chính nếu kích vào mà không tạo ra thay đổi, cải cách sẽ trở thành lực cản. 

Cải cách, thực chất là xóa bỏ các rào cản. 

Tin mới lên