Diễn đàn VNF

Chưa xử lý triệt để tình trạng thao túng ngân hàng

(VNF) - Chuyên gia tài chính nêu quan điểm "các cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về hoạt động NH bị cấm vĩnh viễn không được là người quản lý, điều hành tổ chức tín dụng..."

Chưa xử lý triệt để tình trạng thao túng ngân hàng

Ngay trong những ngày đầu năm mới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã hé lộ về động thái mạnh tay của NHNN trong hoạt động xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống. Lãnh đạo ngành NH cũng cho biết đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng luật tạm gọi là Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các NH và xử lý nợ xấu.

Xung quanh vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng nêu quan điểm:

"NHNN vừa đưa ra dự thảo lần 1 báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Bản dự thảo nhận định hiện nay tình trạng sở hữu, sở hữu chéo, nhóm cổ đông chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình trạng chi phối, thao túng hoạt động NH chưa được xử lý triệt để.

Cũng theo dự thảo, các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo mặc dù đã dần được xử lý nhưng một số tổ chức tín dụng vẫn đang có sở hữu cổ phần lẫn nhau hoặc sở hữu qua lại với doanh nghiệp…

Từ đó, NHNN đề nghị bổ sung vào trong luật các tổ chức tín dụng: Nguồn vốn có được do các tổ chức tín dụng cấp tín dụng không được sử dụng để góp vốn mua cổ phần của bất kỳ tổ chức tín dụng nào.

Ngoài ra, NHNN cũng nhận thấy một trong các nguyên nhân chính để xảy ra việc các tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng yếu kém trong thời gian qua là do năng lực của người quản trị, điều hành tại một số tổ chức tín dụng còn nhiều bất cập hoặc do các hành vi sai phạm từ người quản lý, điều hành dẫn tới thất thoát tài sản của tổ chức tín dụng.

Do đó đặt ra yêu cầu cần phải có các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ hơn đối với người giữ chức danh quản lý, điều hành tại các tổ chức tín dụng. Ví dụ, các cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về hoạt động NH bị cấm vĩnh viễn không được là người quản lý, điều hành tổ chức tín dụng...

Ở Việt Nam, cá nhân được sở hữu cổ phần ít hơn doanh nghiệp. Cụ thể, cá nhân chỉ được giới hạn tỉ lệ sở hữu cổ phần là không quá 5%, đối với tổ chức là không vượt quá 15% vốn điều lệ của một NH. Nhưng ở Mỹ thì ngược lại, cá nhân được sở hữu nhiều hơn doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ được mua 5% vốn điều lệ, còn cá nhân là 10%.

Lý do là các chuyên gia kinh tế của Mỹ nhận thấy rằng khả năng tài chính của cá nhân thường sẽ giới hạn hơn so với một doanh nghiệp. Do đó, một cổ đông là tổ chức muốn thao túng, lũng đoạn NH dễ dàng hơn so với cổ đông là một cá nhân".

Tin mới lên