Diễn đàn VNF

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: 'Chuyển nợ xấu sang VAMC chỉ là tạm thời'

(VNF) - Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nói cần phải nhìn thẳng sự thật là việc chuyển nợ xấu sang VAMC chỉ là giải pháp tạm thời và đã đến lúc "cần có giải pháp thực chất".

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: 'Chuyển nợ xấu sang VAMC chỉ là tạm thời'

Báo cáo về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 vừa được Chính phủ trình Quốc hội, trong đó có đề cập đến vấn đề tái cơ cấu các tổ chức tính dụng.

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, đại biểu đoàn TP. Hồ Chí Minh nêu quan điểm cần có giải pháp để xử lý nợ xấu một cách dài hạn, bền vững.

Ông nói:

"Tôi chia sẻ với Chính phủ là chúng ta phải đánh giá quá trình tái cơ cấu thời gian qua để có thêm bài học kinh nghiệm. Như việc chúng ta xử lý nợ xấu vừa qua, đề án tái cơ cấu tổ chức tín dụng triển khai từ năm 2012 đến nay, việc thành lập VAMC để xử lý nợ xấu và thời điểm đó việc chuyển nợ xấu sang VAMC là hợp lý.

Giải pháp tạm thời lúc đó đã có hiệu quả, giúp đưa dư nợ tín dụng từ 2012 là 9% đã lên 18% vào năm 2015. Việc đưa nợ xấu sang VAMC đã khơi thông tín dụng, giúp kinh tế tăng trưởng từ 6,2% lên 6,68% năm 2015.

Nhưng đến nay, phải nhìn thẳng sự thật là việc chuyển nợ xấu sang VAMC chỉ là giải pháp tạm thời, theo tôi đến thời điểm này cần có giải pháp thực chất.

Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã giảm nhưng nợ xấu của nền kinh tế vẫn còn, nó mới chỉ chuyển tạm thời từ hệ thống ngân hàng sang VAMC. Giờ phải giải quyết thiết thực, bền vững thì mới đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng, tăng trưởng kinh tế bền vững.

Chúng ta đã dùng giải pháp chuyển sang VAMC để tạm thời quản lý nên nói nợ xấu hệ thống ngân hàng giảm là đúng, nhưng nợ xấu của nền kinh tế chưa giảm vì nằm ở VAMC.

Chính vì vậy, giờ phải tính đến việc xử lý nợ xấu mà VAMC đang tạm giữ hộ cho ngân hàng thương mại. Ngân hàng đã trích dự phòng, nhưng họ trích bao nhiêu chúng ta chưa có báo cáo. Do vậy theo tôi cần phải có báo cáo chi tiết để xem mỗi năm trích 20% dự phòng cho nợ xấu ở VAMC thì ngân hàng có trích nổi hay không, từ đó mới nhìn nhận được bản chất của việc xử lý nợ xấu.

Còn hiện tại, ngân hàng cũng rất quyết tâm xử lý, nhưng xử lý nợ xấu đòi hỏi phải có cơ chế, pháp lý... nếu theo trình tự thông thường, thì quá trình xử lý rất chậm, nên cần có cơ chế liên bộ.

Nghị quyết liên bộ để giúp ngân hàng thương mại xử lý nợ xấu nhanh nhất, bỏ bớt trình tự trong phát mại, xử lý tài sản, có như vậy mới giải quyết nhanh được nợ xấu. Chứ không thể nào dùng ngân sách bù vào nợ xấu, mà phải tạo cơ chế, Nghị quyết, hỗ trợ nguồn lực về con người, về bộ máy".

Tin mới lên