Diễn đàn VNF

Đầu tư của Mỹ tại Việt Nam: Bằng cách nào để đạt được kỳ vọng?

(VNF) - GS TSKH Nguyễn Mại nêu quan điểm về việc làm thế nào để khắc phục tình trạng "thương mại nhanh, đầu tư chậm" trong hợp tác kinh tế Việt - Mỹ hiện nay.

Đầu tư của Mỹ tại Việt Nam: Bằng cách nào để đạt được kỳ vọng?

Intel đã không thể tạo cú hích đầu tư từ Mỹ như kỳ vọng.

Thương mại nhanh, đầu tư chậm

Quan hệ kinh tế Việt Nam với Mỹ đã bước sang giai đoạn mới khi Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vấn đối với Việt Nam vào ngày 3/2/1994 và hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 7/1995. Việt Nam đã ký với Mỹ ba hiệp định gồm Hiệp định thương mại song phương Việt Nam- Hoa Kỳ (BTA) ký ngày 13/7/2000 và có hiệu lực từ tháng 12/2001; Thỏa thuận chính thức kết thúc đàm phán song phương Việt Nam- Hoa Kỳ về việc Việt Nam gia nhập WTO ký ngày 31/5/2006 và Hiệp định khung về thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (TIFA) ký ngày 21/6/2007. Ba văn kiện đó đã tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp hai nước thực hiện có hiệu quả trao đổi thương mại hàng hoá, dịch vụ và đầu tư. 

Tuy nhiên, 22 năm kể từ khi hai nước lập lại quan hệ ngoại giao, gần 16 năm kể từ khi BTA có hiệu lực, điểm sáng nhất là thương mại hai chiều, đặc biệt là xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Năm 2001 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước là 1,51 tỷ USD thì năm 2016 là 47,15 tỷ USD, bằng 31,2 lần, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 38,5 tỷ USD. Năm 2016 Mỹ là thị trường xuất khẩu số 1 về hàng hóa của Việt Nam, chiếm 21,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. 

So với thương mại thì đầu tư của Mỹ vào Việt Nam còn khá khiêm tốn, mặc dù Mỹ là nước đứng đầu thế giới về FDI, đứng số 1 về đầu tư  tại Singapore, Thái Lan, Malaysia. Trước khi Mỹ bỏ cấm vận đối với nước ta, một số doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư tại Việt Nam thông qua nước thứ ba. Từ 1996 đến 2001 FDI của Mỹ trung bình 248 triệu USD/năm, sau BTA, 2002- 2005 là 479 triệu USD/năm.

Năm 2006, Tập đoàn chế tạo vi mạch hàng đầu thế giới - Intel được cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại Khu công nghệ cao TP. HCM dự án 1,2 tỷ USD với hy vọng sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới của Mỹ tại Việt Nam, nhưng điều đó đã không xảy ra. Tính đến cuối tháng 5/2017, Mỹ có 818 dự án với 10,2 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 3,3% tổng vốn đăng ký FDI của Việt Nam.

Vì sao đầu tư của Mỹ vào Việt Nam trong tình trạng như vậy? Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ nhất là các Tập đoàn kinh tế lớn trong khi thừa nhận môi trường đầu tư và tiềm năng của Việt Nam đã trở nên hấp dẫn, vẫn quan ngại về ba vấn đề quan trọng: (i) tính ổn định, công khai, minh bạch của luật pháp chưa bảo đảm, một số luật như thuế hay thay đổi; (ii) tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhái, hàng giả còn khá phổ biến và (iii) tệ nạn tham nhũng, sách nhiễu của đội ngũ công chức, thủ tục hành chính còn phiền hà. 

Một yếu tố mới đáng quan tâm là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), áp đặt các biện pháp đơn phương để bảo hộ mậu dịch đối với từng nước, đòi hỏi các doanh nghiệp Mỹ chuyển nhà máy về nước để tạo ra việc làm trong nước. Đằng sau những quyết định đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Mỹ và đây là vấn đề có liên quan với Việt Nam nhất là thương mại và đầu tư.

Cần lưu ý rằng, trong khi đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước châu Á tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng thì FDI từ Mỹ, Anh, Đức và Pháp ít thay đổi, mặc dù quan hệ hai chiều giữa nước ta với Mỹ và EU đã được nâng cấp. Không nên coi đó là trạng thái bình thường mà cần nghiên cứu từ nhiều khía cạnh để tìm ra nguyên nhân và có giải pháp hữu hiệu.

Để FDI của Mỹ tăng nhanh

FDI phụ thuộc vào quy luật lực đẩy và lực hút. Từ nay đến năm 2020, trung bình hàng năm Việt Nam cần 17- 18 tỷ USD vốn FDI thực hiện, trong khi mỗi năm Mỹ đầu tư ra nước ngoài trên 110 tỷ USD. Việt Nam cần thu hút FDI vào một số ngành công nghệ cao, năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo, điện gió, dịch vụ hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, nghiên cứu khoa học, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng kỹ thuật là những ngành và lĩnh vực Mỹ có thế mạnh.

Trên thực tế những doanh nghiệp Mỹ đang kinh doanh tại Việt Nam đã khẳng định sự lựa chọn đúng đắn của họ, nhiều doanh nghiệp đã tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất và thương mại.

Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ vào cuối tháng 5/2017 đã khẳng định "tầm quan trọng của việc thúc đẩy quan hệ song phương và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hai bên, đặc biệt thông qua việc triển khai có hiệu quả Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư để xử lý các vấn đề trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trên tinh thần xây dựng".

Nhằm gia tăng nhanh chóng FDI của Mỹ tại Việt Nam cơ quan ngoại giao, đầu tư và doanh nghiệp nước ta cần có những cuộc trao đổi thẳng thắn, cởi mở trên tinh thần hợp tác, cùng có lợi với các đối tác tương ứng của Mỹ để đề ra hệ thống giải pháp thích ứng với đòi hỏi của nhà đầu tư Mỹ. 

Trước hết cần bổ sung, hoàn thiện thể chế, luật pháp theo hướng ổn định, công khai, minh bạch, được thực hiện nghiêm chỉnh và thống nhất trong cả nước, tiếp tục cuộc đấu tranh chống tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà của đội ngũ công chức, chống làm hàng giả, hàng nhái, vi phạm bản quyền, thương hiệu đáp ứng đòi hỏi của nhà đầu tư các nước OECD, trong đó có Mỹ, hoàn thiên khung pháp lý về mua lại và sát nhập (M&A) tạo điều kiện để các tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) của Mỹ có thể tham gia thị trường nhanh hơn, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam mua lại các doanh nghiệp FDI.

Cùng với việc giảm thiểu thủ tục hành chính mà Chính phủ đang điều hành quyết liệt và bước đầu thu được những kết quả khả quan là việc xây dựng nền hành chính quốc gia theo chuẩn mực quốc tế với cấu trúc hợp lý, được vận hành bằng cơ chế có hiệu năng cao và đội năng công chức có đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn giỏi theo hướng nhà nước "của dân, do dân và vì dân".

Trong năm 2017 tiến hành tổng kết 30 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài cần đề ra định hướng mới theo hướng nâng cấp thu hút FDI lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và chất lượng dự án đầu tư làm tiêu chí hàng đầu, đồng thời xây dựng chính sách khuyến khích mối liên kết giữa TNCs với doanh nghiệp Việt Nam, hình thành các chuỗi cung ứng toán cầu, trong đó doanh nghiệp Việt Nam tham gia một số khâu với giá trị gia tăng ngày càng cao. 

Hoạt động xúc tiến đầu tư cần được đổi mới theo hướng tiếp cận chiến lược toàn cầu của TNCs Mỹ, cung cấp thông tin cập nhật theo yêu cầu của nhà đầu tư để họ đưa ra quyết định về dự án và địa điểm thực hiện, không mất nhiều thời gian và chi phí. Sau khi đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cần quan tâm giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính để triển khai dự án để đưa vào hoạt động đúng hạn.

Tiền đề để thu hút nhiều hơn đầu tư của Mỹ vào Việt Nam đã được tạo ra; các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp nước ta cần chủ động hơn trong việc thiết lập quan hệ  hợp tác với các đối tác Mỹ để có bước tiến rõ rệt trong những năm sắp đến.

Tin mới lên