Diễn đàn VNF

Đầu Xuân, bàn về thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế

Tốc độ tăng trưởng kinh tế là chỉ tiêu quan trọng trong phát triển bền vững và xây dựng nền kinh tế xanh, quyết định thời gian hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Đầu Xuân, bàn về thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế

Ảnh minh họa.

Bài viết này khảo sát tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta trong 1/4 thế kỷ (1991- 2015), đối chiếu với một số nước châu Á trong thời kỳ đầu công nghiệp hóa, để kiến nghị về tốc độ tăng trưởng kinh tế cần và có thể đạt được trong trung hạn và dài hạn.

Khảo sát tốc độ tăng trưởng giai đoạn 1991- 2015

Trong 10 năm 1991- 2000, tốc độ tăng GDP của nước ta có 4 năm đạt trên 8% là 1992 (8,7%), 1993 (8,08%), 1994 (8,83%) và 1997 (8,15%), có 2 năm đạt trên 9% là 1995 (9,54%) và 1996 (9,34%); năm thấp nhất là 1999 (4,17%). 

Trong thập niên 2001- 2010 tốc độ tăng GDP nhìn chung giảm so với 10 năm trước đó, có 3 năm trên 7% là 2002 (7,08%), 2003 (7,34%), 2004 (7,79%); có 3 năm trên 8% là 2005 (8,44%), năm 2006 (8,23%) và 2007 (8,46%); năm thấp nhất là 2009 (5,32%.)

Trong 5 năm 2011-2015 tốc độ tăng GDP dưới 7%: 2011 (6,24%), 2012 (5,25%), năm 2013 (5,42%), 2014 (5,98%) và 2015 (6,68%).

Như vậy, giai đoạn 1991 - 2015 có 12 năm nước ta đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, trong đó có 3 năm trên 7%, 7 năm trên 8% và 2 năm trên 9%; có hai giai đoạn 6 năm liên tiếp 1992 - 1997 và 2002 - 2007 đạt được tốc độ tăng trưởng trên 7%. Tuy vậy, trong một thập kỷ gần đây từ 2006 đến 2016 tốc độ tăng GDP hàng năm chỉ bằng 2/3 của 17 năm trước đó.

Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trong 5 kế hoạch 5 năm như sau: giai đoạn 1991 - 1995: 8,2%; giai đoạn 1996 - 2000: 7,0%; giai đoạn 2001- 2005: 7,5%; giai đoạn 2006- 2010: 7,0% và giai đoạn 2011- 2015: 5,8%.

Những số liệu thống kê trên đây cho thấy rằng, nước ta có đủ tiềm năng đạt được tốc độ tăng GDP trên 7%/năm, nếu từ thực tiễn 1/4 thế kỷ phát triển kinh tế thị trường rút ra những bài học trong điều hành kinh tế vĩ mô có liên quan đến đầu tư và tăng trưởng.

Việc kéo dài tình trạng giảm sút tốc độ tăng trưởng gần một thập niên của nền kinh tế nước ta đã gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng như thu nhập thực tế của dân cư tăng chậm, cuộc sống của tầng lớp dân cư thu nhập thấp rất khó khăn, thu ngân sách không đủ bù chi, bội chi ngân sách ở mức 5% kéo dài nhiều năm làm cho nợ công gần đụng trần, ngân sách hàng năm dành để trả nợ nước ngoài tăng nhanh, tỷ trọng đầu tư công trong chi ngân sách giảm.

Đối chiếu với một số nước Châu Á

Giáo sư Trần Văn Thọ, Việt kiều tại Nhật Bản, người có nhiều năm nghiên cứu kinh tế Việt Nam vừa xuất bản cuốn "Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam" viết "Ở cấp quốc gia, yếu tố thời gian còn quan trọng hơn nữa. Lãnh đạo đất nước nếu quyết tâm tiến hành cải cách nhanh chóng để phá bỏ rào cản phát triển, tận dụng cơ hội của thời đại thì trong một thời gian ngắn có thể đưa đất nước lên hàng một quốc gia tầm cỡ, được thế giới nể trọng". 

Nhật Bản là nước thua trận trong thế chiến thứ hai, xây dựng lại đất nước từ đống tro tàn, chỉ cần 15 năm đã đạt mức thu nhập trung bình cao và thêm 13 năm sau đó trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới do gần ba thập niên Nhật Bản có tốc dộ tăng trưởng GDP bình quân trên 9%/năm.

Hàn Quốc bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh Triều Tiên (1950- 1953), với khởi điểm ban đầu không hơn nhiều so với Việt Nam lúc đó, đã đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 7,8%/năm trong thời gian 20 năm 1961- 1980, ngày nay đã trở thành cường quốc công nghiệp, dẫn đầu thế giới nhiều sản phẩm công nghệ thông tin.

Đài Loan là hòn đảo với đội quân Quốc Dân Đảng thất trận phải chạy khỏi đại lục, rất khó khăn khi đối đầu với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đã đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 9,7%/năm trong hai thập niên 1961- 1980, trở thành "một con rồng Châu Á".

Thái Lan mặc dù tình hình chính trị và xã hội không thật ổn định, đã xảy ra một số cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính thể dân sự, nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP 8,1%/năm từ 1980 đến 1995.

Cũng có một số quốc gia thất bại, từ một nước có trình độ phát triển cao trong khu vực dần tụt hậu, bị các nước đi sau vượt qua, trở thành nước chậm phát triển. Đó là trường hợp Philippines, giữa năm 50 của thế kỷ trước GDP/ người cao hơn Hàn Quốc, đến năm 1976 mới đạt mức thu nhập trung bình thấp và duy trì cho đến nay, trong khi Hàn Quốc đã vượt lên khá xa.

Những yếu tố chính của các quốc gia thành công là ý chí và tài năng của các nhà lãnh đạo đất nước, một chính phủ có chiến lược phát triển thích ứng với thời đại, biết khai thác tài năng của dân tộc, với bộ máy nhà nước và đội ngũ công chức có hiệu năng. 

Nhật Bản không thể không ghi nhớ công lao của ông Ikeda Hayato, vị Thủ tướng đã biến giấc mơ của mình thành giấc mơ của dân tộc. Người Hàn Quốc trân trọng di sản của Tổng thống Park Chung Hee, người đã đặt nền móng cho việc biến một nước nghèo trở thành một cường quốc công nghiệp. Trong khi đó, người Singapore coi Ông Lý Quang Diệu là kiến trúc sư đã biến một hòn đảo lạc hậu thành quốc đảo phát triển với thu nhập tính theo đầu người vào loại cao nhất thế giới, đang xây dựng quốc gia thông minh nhờ vào "Bí quyết hóa rồng", như chính tên của cuốn nhật ký của nhà lãnh đạo này.

Cần và có thể gia tăng tốc độ tăng trưởng

Tác giả quyển "Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam" giả định, trong 25 năm vừa qua nếu kinh tế Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng hàng năm cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan thì hiện nay đã có thể đã gia nhập nhóm nước thu nhập cao.

Tất nhiên lịch sử không quay trở lại, nhưng nhìn lại lịch sử và đối chiếu với các dân tộc khác sẽ cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc khôi phục tốc độ tăng trưởng, để rút ngắn thời gian thực hiện mục tiêu đuổi kịp và san bằng khoảng cách về trình độ phát triển của các nước tiên tiến trong khu vực.

Vậy có khả năng đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể nếu trong điều hành kinh tế vĩ mô coi trọng hơn nữa và áp dụng đồng bộ hệ thống giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của quốc gia.

Theo Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tỷ lệ vốn đầu tư/GDP cao như của Việt Nam, nếu hiệu quả kinh tế đạt được như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan trong hai thập niên đầu của công nghiệp hóa thì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm của nước ta đạt trên 10%. Trong khi tỷ lệ vốn đầu tư/GDP của các "Con rồng Châu Á" dưới 30%, trong đó Hàn Quốc là 23,3%, Đài Loan 26,2% thì Việt Nam có nhiều năm trên 40%, nhưng do hiệu quả sử dụng vốn thấp nên tốc độ tăng trưởng kinh tế không cao.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, mặc dù Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức lớn, nhưng so với một số nước ASEAN thì có lợi thế lớn: ở vào giai đoạn dân số vàng, đội ngũ lao động khéo tay, cần cù và thích nghi với công nghệ hiện đại, công nghệ thông tin, có ý chí làm giàu nhất là giới trẻ trong trào lưu khởi nghiệp, ổn định chính trị, an ninh kinh tế, hội nhập sâu với thế giới. Không có lý do gì để không tin rằng, khi công cuộc cải cách được tiến hành nhanh hơn, đồng bộ và hiệu quả hơn, khi sự phân bố nguồn lực hợp lý hơn, việc sử dụng nguồn lực có hiệu quả hơn, thì chỉ cần duy trì tỷ lệ vốn đầu tư/GDP 30-32% cũng có thể đạt được tốc độ tăng trưởng 9-10%/năm.

Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) nhận định: nếu Việt Nam thực sự quyết tâm nâng cao năng suất lao động, cải cách giáo dục, cải cách ba lĩnh vực kinh tế (ngân hàng, doanh nghiệp quốc doanh, đầu tư công), cải cách hành chính và chấp nhận vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân thì hoàn toàn có thể trở thành con hổ kinh tế mới của châu Á trong tương lai. Việt Nam sẽ "giàu trước khi già", vì theo dự báo đến năm 2030 Việt Nam sẽ có tỷ lệ người trên 65 tuổi cao hơn Malaysia, Indonexia, Ấn Độ, đến năm 2050 thậm chí còn cao hơn Mỹ.

Báo cáo tại Quốc hội trong kỳ họp cuối năm 2016, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhận định rất đúng rằng: "Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nếu chỉ dựa vào số lượng nguồn lực chưa đủ, điều quan trọng phải sử dụng hiệu quả nguồn lực trước hết là nguồn lực của Nhà nước. Huy động thêm nguồn lực là cần thiết nhưng mục tiêu của kế hoạch... cần tập trung vào các giải pháp tái cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trước hết là hiệu quả của đầu tư".

Định hướng và giải pháp đã rõ ràng, vấn đề quyết định là chỉ đạo kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong việc phân bố ngân sách nhà nước vào lĩnh vực và ngành kinh tế có hiệu quả, giảm thiểu thất thoát, lãng phí trong đầu tư công, kiên quyết sửa chữa hệ thống phân bố nguồn lực quốc gia sai lệch, tập trung quá nhiều nguồn lực cho những ngành khai thác tài nguyên, công nghiệp cổ điển, thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp, chuyển trọng tâm sang các ngành công nghệ cao, dịch vụ hiện đại. 

Tin mới lên