Diễn đàn VNF

Doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế trong xuất khẩu da giày

Xuất khẩu giày dép, valy-túi xách và đồ da các loại (gọi chung là sản phẩm da giày) của Việt Nam tăng mạnh đã đóng góp phần đáng kể cho phát triển kinh tế đất nước trong những năm gần đây.

Doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế trong xuất khẩu da giày

Nhờ có lực lượng lao động dồi dào, chịu khó và giá công lao động thấp, Việt Nam được coi là có tiềm năng trở thành một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu da - giầy hàng đầu thế giới.

Năm 2016 ngành da giày đứng trước những cơ hội và thách thức quan trọng. Chỉ số SXCN ngành da - giày sau 11 tháng của năm 2016 chỉ tăng 4,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 17,4% của năm 2015 và 22% của năm 2014, trong khi Chỉ số SXCN của công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11%. 

Căn cứ số liệu xuất khẩu hàng tháng của TC Hải quan, dự kiến kim ngạch xuất khẩu (KNXK) da giày cả năm 2016 sẽ đạt khoảng 16,5 – 17 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2015. Đây là mức tăng trưởng thấp so với các năm trước. 

Ngành da - giày từng hy vọng Cộng đồng kinh tế AEC với trên 625 triệu dân của 10 nước ASEAN là thị trường quan trọng đối với xuất khẩu của ngành. Tuy nhiên, trong 10 tháng của năm 2016 xuất khẩu da – giày của Việt Nam sang các nước ASEAN giảm 2,5%, do xuất khẩu giảm mạnh sang Indonesia (-25,3%), Thái Lan (-22,6%) và Singapore (-2%). 

Thực tế Thái Lan, Indonesia, Phillipine, Campuchia, Myanmar cũng sản xuất giầy dép, túi xách, vừa cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam vừa gây sức ép tại thị trường trong nước, do các nước này cũng tìm cách xuất khẩu giầy dép sang Việt Nam sau khi thuế nhập khẩu về 0%. 

Các Hiệp định FTA với Hàn Quốc và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) đã có hiệu lực từ năm 2016, nhưng sức mua của các thị trường này không lớn và việc cắt giảm thuế quan phải theo lộ trình trong nhiều năm, nên sẽ không có tăng trưởng đột biến. Hiệp định FTA với EU và hiệp định TPP đang trong qua trình phê chuẩn tại các nước thành viên, được mong đợi nhiều và tạo được sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư, nhưng mức độ tác động đối với tăng trưởng xuất khẩu da giày sang thị trường các khu vực này cần có những đánh giá kỹ hơn sau 1-2 năm nữa. 

Xuất khẩu da giày năm 2016 tăng trưởng thấp hơn các năm trước, một phần do kinh tế thế giới có nhiều biến động, nhu cầu tiêu dùng trên thị trường thế giới giảm, nhất là tại EU. Tuy nhiên còn có những nguyên nhân lớn hơn nằm ở chính cơ cấu sản xuất và những khó khăn của ngành da giày, có thể nêu một số nét chính như dưới đây: 

Gia công xuất khẩu: mô hình sản xuất không bền vững

Việt Nam đứng thứ ba thế giới về sản lượng giày dép (sau Trung Quốc và Ấn Độ) và có tỷ trọng xuất khẩu tới 91% trên tổng sản lượng giày dép sản xuất. Trong khi Trung Quốc xuất khẩu 73% và Ấn Độ chỉ xuất khẩu 9% sản lượng các nước này làm ra.

Tuy nhiên, khác với Trung Quốc và Ấn Độ là những nước có tính chủ động cao trong sản xuất do tự cung cấp được phần lớn nguyên phụ liệu, sản phẩm giày dép, túi xách của Việt Nam có đến 80% là gia công xuất khẩu cho các thương hiệu của nước ngoài. Số lượng, chất lượng và mẫu mã sản phẩm do khách hàng nước ngoài đặt hàng, còn nguyên phụ liệu do khách hàng cung cấp hay chỉ định nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. 

Đã có lãnh đạo doanh nghiệp phát biểu: "Bản chất của sản xuất gia công là không bền vững". Doanh nghiệp chỉ thu được phí gia công (chiếm 20-30% trong giá thành), nhưng phải lo lắng đến mọi việc: thủ tục đầu tư sản xuất, đóng thuế, sức ép về lao động, tiền lương, trách nhiệm xã hội, quan hệ với chính quyền địa phương… trong khi, nếu chi phí sản xuất tại Việt Nam tăng lên, khách hàng nước ngoài sẵn sàng bỏ sản xuất tại Việt Nam và chuyển đơn hàng sang các nước có chi phí sản xuất thấp hơn. 

Theo thông tin từ các doanh nghiệp, đã có tình trạng một số đơn hàng sản phẩm đơn giản, không yêu cầu chất lượng cao, được khách hàng chuyển sang gia công tại các nước khác như Bangladesh, Campuchia, Myanmar… có giá gia công rẻ hơn. Hay do tỷ giá đồng NDT giảm liên tục từ đầu năm đến nay đã khiến xuất khẩu của Trung Quốc cạnh tranh hơn, một số đơn hàng giày dép chuyển dịch từ Trung Quốc sang sản xuất gia công tại Việt Nam trong các năm 2014-2015, nay trở lại đặt hàng tại Trung Quốc.

Cũng như, tỷ giá đồng Euro và đồng Bảng Anh giảm mạnh so với USD đã làm giá hàng xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu trở nên đắt hơn, khiến khách hàng châu Âu giảm đơn hàng nhập khẩu. 

Giá trị gia tăng trên sản phẩm thấp

Công nghiệp hỗ trợ của ngành da giày chưa phát triển đồng bộ với sản xuất sản phẩm, nên hầu hết nguyên phụ liệu cho sản xuất da giày phải nhập khẩu. Do lo ngại ô nhiễm môi trường, các địa phương không khuyến khích đầu tư sản xuất thuộc da. Các nguyên phụ liệu khác (giả da, đế giày, phom, khoen, khóa, keo…), do chất lượng không đồng đều và giá thành cao nên khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Tỷ lệ nội địa hóa của ngành chỉ đạt 30 - 40%, dẫn đến giá trị gia tăng trên sản phẩm da giày đạt thấp và tỷ lệ đóng góp cho ngân sách thông qua các loại thuế đạt thấp. Trong khi các nhà máy da giày sử dụng diện tích đất lớn và sử dụng nhiều lao động, đang trở thành gánh nặng về an ninh và xã hội cho chính quyền các địa phương nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất.

Sức ép về đổi mới công nghệ, lao động, tiền lương và đào tạo nghề

Nhu cầu hội nhập và cạnh tranh quốc tế khiến doanh nghiệp cần nhiều vốn đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và cập nhật phương pháp quản lý tiên tiến. Doanh nghiệp trong nước thiếu vốn đầu tư đổi mới dẫn đến năng suất lao động thấp, sản phẩm làm ra giảm tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu và khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu tại thị trường nội địa. 

Ưu thế của Việt Nam về giá công lao động thấp hiện vẫn là yếu tố cạnh tranh, nhưng khó khăn trong tuyển dụng lao động và công tác đào tạo tay nghề chưa đáp ứng kịp nhu cầu sản xuất, là một trong các yếu tố khiến năng suất lao động của ngành chưa cao. Người lao động chủ yếu được đào tạo kèm cặp tại chỗ theo cách cầm tay chỉ việc trong thời gian ngắn nên tay nghề thấp. Doanh nghiệp tốn công đào tạo nghề, nhưng người lao động sẵn sàng bỏ đi, nếu có nơi khác mời chào mức lương cao hơn. 

Các loại phí BHXH và phí công đoàn lên đến 34,5% của lương và phụ cấp ngoài lương (chủ sử dụng lao động đóng 24% và ngườì lao động đóng 10,5%). Việc tăng lương tối thiểu vùng với tỷ lệ cao liên tục hàng năm trong nhiều năm qua cũng làm các mức phí BHXH tăng theo. Ngoài ra, nhiều nội dung trong bộ Luật Lao động cũng làm tăng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. 

Doanh nghiệp FDI: động lực chính của xuất khẩu

Khối các doanh nghiệp FDI ngày càng đóng góp lớn hơn cho KNXK của ngành da giày. Theo số liệu của TC Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2016 xuất khẩu của khối FDI tiếp tục tăng, chiếm tỷ trọng 81% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành da giày. Trong 3 năm 2013–2016, tỷ trọng FDI trong KNXK da giày đã từ 75% năm 2013 tăng lên 81% năm 2016. 

Xuất khẩu của khối FDI tăng trưởng cao nhờ xu hướng các doanh nghiệp FDI tiếp tục mở rộng công suất nhà máy hiện có và xây dựng các nhà máy mới tại Việt Nam, đón đầu cơ hội tăng trưởng xuất khẩu nhờ hưởng lợi từ cắt giảm thuế quan theo các hiệp định FTA. Trong khi đó, do khó khăn về thiếu nguồn vốn để mở rộng sản xuất và tiếp cận thị trường, tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước tiếp tục giảm, từ mức 25% năm 2013 xuống còn 19% năm 2016 và tiếp tục giảm xuống trong các năm tới. 

Trước những cơ hội và thách thức của hội nhập, hiện tại các doanh nghiệp ngành da giày trong nước và FDI đã qua giai đoạn phấn khích về triển vọng tốt đẹp do các FTA mang lại. Doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá đúng xu hướng thị trường để có thể đưa ra những quyết định đầu tư phù hợp.

Tin mới lên