Diễn đàn VNF

Góc nhìn: Trịnh Xuân Thanh và một chữ nếu ở Tập đoàn Dầu khí

(VNF) - Một chữ nếu: Nếu lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí thời kỳ đó quản trị chặt chẽ thì liệu ông Thanh có tự tung, tự tác để đến mức bây giờ Tổng bí thư phải trực tiếp yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ việc để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng ở PVC?

Góc nhìn: Trịnh Xuân Thanh và một chữ nếu ở Tập đoàn Dầu khí

Tiếp xúc cử tri Hà Nội hôm 6/8, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định, công tác phòng chống tham nhũng luôn được Đảng đặc biệt coi trọng, vụ việc như Trịnh Xuân Thanh mới chỉ là một ví dụ.

"Còn liên quan đến nhiều thứ lắm. Chúng ta làm từng bước, chắc chắn, hiệu quả. Có những việc tôi chưa tiện nói trước" – Tổng bí thư cho biết thêm khi trả lời cử tri.

Một chữ nếu ở PVN

Nhìn vào cú ngã ngựa của ông Thanh, hay như một số người gọi là cú "ngã Lexus", không ai chấp nhận những phần tử cơ hội chui sâu vào bộ máy Nhà nước, nhưng với những người từng quen biết người đàn ông này, cũng phần nào thấy tiếc cho một cán bộ được cho là thông minh, năng động, sinh ra trong một gia đình có truyền thống.

Có thể nói bước ngoặt cuộc đời của ông Thanh chính là khi ông về làm việc tại Tập đoàn Dầu khí (PVN) năm 2007.Tại đây, ông nếm đủ vinh quang danh vọng và tiền tài, nhưng cũng tại đây, đã nhen lên những mối ẩn họa để rồi đã nhấn chìm con đường sự nghiệp của ông.

Từ vị trí Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC), sau hai năm, vào năm 2009, Trịnh Xuân Thanh đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT. Hai năm sau, vào năm 2011, PVC được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Và, cũng chỉ hai năm sau, ông Thanh ra đi sang Bộ Công Thương, sau khi để lại cho Tổng công ty khoản lỗ lũy kế đến cuối năm 2013, riêng công ty mẹ là  hơn 3.262 tỷ đồng!

Những cung đoạn cuộc đời 2 năm một như một định mệnh trong thời kỳ 6 năm ông Trịnh Xuân Thanh ở Dầu khí. Từ một cán bộ được Nhà nước cử làm đại diện phần vốn tại doanh nghiệp, Trịnh Xuân Thanh mau chóng trở thành ông vua con, mỗi chữ ký đáng giá cả nghìn tỷ. Thời kỳ đó, dư luận có một thuật ngữ để nói về những người như ông Thanh, đó là từ "trên tiền".Trong một môi trường như vậy, giữ cho được cái tâm liêm chính, "không hư mới lạ".Thế nên mới có chuyện như tại PVC-ME (Công ty Cổ phần thi công cơ giới và lắp máy dầu khí, thành viên của PVC) một năm chi "tiếp khách" tới 10 tỷ đồng, "chi sinh nhật bố sếp Thanh" hơn nửa tỷ!

Một chữ nếu: Nếu lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí thời kỳ đó quản trị chặt chẽ, sâu sát thì liệu ông Thanh có tự tung, tự tác để đến mức bây giờ Tổng bí thư phải trực tiếu yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ việc để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng (giai đoạn 2011 - 2013) của PVC?

Thêm một chữ nếu: Nếu khuôn khổ pháp luật về quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý phần vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, trong đó có việc quản lý người đại diện phần vốn Nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp được ban hành sớm hơn, có hiệu lực trên thực tế hơn thì liệu có để xảy ra những trường hợp như Trịnh Xuân Thanh?

Cái mất, ngoài con số hàng nghìn tỷ tiền mồ hôi nước mắt của dân, còn là mất đi những cán bộ, Đảng viên, được Nhà nước đào tạo, bồi dưỡng nhiều năm.Các cơ quan liên quan không thể vô can.

Phần chìm của tảng băng nổi

Ngày 18/7, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn gửi các ban, bộ, cơ quan liên quan, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về các công việc cần làm sau khi có Thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về ông Trịnh Xuân Thanh.

Theo đó, những việc thuộc thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra Trung ương như tiến hành quy trình xem xét kỷ luật ông Trịnh Xuân Thanh; kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm tại PVC; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2010 - 2015 và ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có nhiệm vụ chỉ đạo chặt chẽ các đoàn kiểm tra kết luận "công tâm, khách quan, trong sáng, không chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ tổ chức, cá nhân nào". Các công việc nêu trên phải tiến hành khẩn trương và báo cáo kết quả với Ban Bí thư.

Vì vậy, nhận định của Tổng bí thư về "ví dụ" Trịnh Xuân Thanh "còn liên quan đến nhiều thứ lắm" được nhân dân hết sức kỳ vọng rồi sẽ được làm rõ.

Trong thời hoàng kim những năm trước đây hẳn PVN không bao giờ ngờ đến viễn cảnh "múc dầu đem bán" mà cũng khó khăn như bây giờ. Giá dầu giảm thê thảm, nguyên Chủ tịch HĐTV Nguyễn Xuân Sơn bị bắt, rồi uy tín tiếp tục bị sứt mẻ vì "người cũ" Trịnh Xuân Thanh…

Hẳn là Ban lãnh đạo đương nhiệm của tập đoàn thấm thía hơn ai hết áp lựcphải lèo lái con tàu khổng lồ này trong cơn bão. Bởi vì câu chuyện chắc chắn chưa dừng lại khi vẫn còn đó hàng loạt dự án nghìn tỷ hoặc đắp chiếu, hoặc sống mà như chết, không biết bao giờ thu hồi vốn. Có thể điểm qua những cái tên như Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ 7.200 tỷ; ba nhà máy ethanol Dung Quất, Bình Phước, Phú Thọ, mỗi cái từ 2.000 đến 2.400 tỷ đồng…

Đơn vị tính toàn nghìn tỷ. Trong khi đó, phát biểu nhậm chức hôm 26/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Chúng ta cần phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội".

Người đứng đầu Chính phủ cũng cam kết: "Nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân".

Thông điệp mạnh mẽ này đã làm nức lòng đồng bào và cử tri cả nước.Và, người dân mong muốn tinh thần ấy phải mau chóng chuyển hoá thành những hành động cụ thể trên thực tế.

"Khó có thể xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, có trách nhiệm với từng đồng thuế của dân khi vẫn duy trì một bộ máy như cũ, cách làm như cũ" – ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia bình luận.

Có thể nói, đối với các tổng công ty, tập đoàn nhà nước, sau hàng loạt những bê bối từ Vinashin, Vinalines đến nay là  PVX… chắc chắn rằng mô hình quản lý, quản trị đã đến lúc cần phải đổi mới triệt để.

Đây là một bài toán lớn. Và ý tưởng về việc thành lập một cơ quan chuyên trách với tên gọi Ủy ban Quản lý - giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp cũng có thể là một lời giải. Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Chính phủ giao chủ trì xây dựng khung pháp lý.

Theo đó, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – đơn vị thuộc Bộ - đã trực tiếp xây dựng dự thảo Nghị định về thực hiện quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước để cụ thể hóa chủ trương này. Mong sao không có thêm nhiều ví dụ như Trịnh Xuân Thanh.

Tin mới lên