Diễn đàn VNF

Góc nhìn: Từ trạm BOT đến nợ xấu, cuối cùng vẫn lại là ngân sách

(VNF) – Tỉnh Bình Dương mua lại trạm BOT bằng tiền ngân sách. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xử lý nợ xấu bằng tiền ngân sách. Ngân sách đang phải gánh hậu quả cho những sai lầm của tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, thiếu khả năng gây ra.

Góc nhìn: Từ trạm BOT đến nợ xấu, cuối cùng vẫn lại là ngân sách

Ảnh minh họa. Nguồn: Tuổi Trẻ

Vừa qua, nhân một vài mục đích tốt đẹp, chẳng hạn như tạo thuận lợi cho người dân đi lại, kết nối giao thương và thu hút đầu tư, UBND tỉnh Bỉnh Dương đã quyết định chi tiền ra mua lại trạm thu phí BOT An Phú từ Công ty Cổ phần Vật liệu và Xây dựng Bình Dương.

Tất nhiên, tiền chi ra là tiền ngân sách, tiền bồi thường cho chủ đầu tư cũng là tiền ngân sách, rồi sau có tiến hành phá dỡ trạm thu phí thì đó cũng lại là tiền ngân sách.

Giữa lúc này thì dư luận cũng đang nóng chuyện xử lý nợ xấu bằng ngân sách. Theo dự thảo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu đã đề xuất phương án dùng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu.

Nhiều người ủng hộ đề xuất này vì cho rằng phải nhanh chóng xử lý nợ xấu thì nền kinh tế mới sớm lành mạnh để phát triển được, và phương án nhanh nhất là dùng tiền ngân sách. Những người không ủng hộ đề xuất này thì cho rằng, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, làm ăn kinh doanh thì phải có lúc lãi lúc lỗ, không thể dùng ngân sách để gánh nợ xấu cho họ vì như vậy là sai mục đích, là "lấy của người nghèo chia cho người giàu".

Dù việc sử dụng tiền ngân sách để mua lại trạm BOT hay để xử lý nợ xấu thì đây cũng đều là những hành động mang đặc tính "bàn tay hữu hình" của Nhà nước, hay đúng hơn và chua chát hơn thì gọi là tính "phi thị trường".

Doanh nghiệp xây trạm BOT tức là đã được chính quyền đồng ý và cấp phép rồi mới làm. Nay chưa hết thời hạn kinh doanh thì chính quyền lại "đè ra" mua lại với giá tiền nguyên văn theo mô tả của ông Trần Thanh Liêm – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương là: "nếu phải trả lãi, áng chừng số tiền đó lên đến hơn 200 tỷ đồng nhưng thực tế, do không trả lãi nên số tiền chỉ còn hơn 30 tỷ đồng".

Dù đó là doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp Nhà nước thì đây cũng là hành động "phi thị trường", chẳng đáng hoan nghênh.

Nhưng hành động đó có cần thiết không? Có thể có. Bởi cũng như ông Trần Thanh Liêm đã nói, trạm thu phí này hiện đang ùn tắc rất kinh khủng bởi đây là đường trục chính từ trung tâm tỉnh đi xuống Khu Công nghiệp Sóng Thần. Tỉnh Bình Dương mua lại, xóa bỏ trạm và sẽ mở rộng từ 4 làn xe lên thành 6-8 làn xe.

Vậy là doanh nghiệp không sai, tỉnh Bình Dương chi tiền ra mua lại cũng có lý do hợp lý, vậy ai sai ở đây?

Đó là những người làm quy hoạch, những người đã đồng ý chủ trương, đã phê duyệt quyết định cho Công ty Cổ phần Vật liệu và Xây dựng Bình Dương xây trạm BOT tại vị trí đó để rồi cuối cùng tỉnh lại phải bỏ ngân sách ra để mua lại, bỏ ngân sách ra để bồi thường, bỏ ngân sách ra để phá dỡ trạm thu phí.

Câu chuyện tương tự cũng đang xảy ra đối với ngành ngân hàng. Lại một lần nữa, ngân sách có thể sẽ phải đứng ra dọn dẹp đống nợ xấu do các tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, thậm chí nhiều trường hợp là cố tình trục lợi cá nhân gây ra.

Hậu quả hiện nay thì ai cũng rõ. Nợ xấu đang chỉ đẹp trên sổ sách. Việc Chính phủ phải tính đến chuyện dùng ngân sách để xử lý nợ xấu cũng đã cho thấy phần nào tính nghiêm trọng của tình hình nợ xấu hiện tại.

Xử lý nợ xấu bằng ngân sách là điển hình của việc Nhà nước sử dụng "bàn tay hữu hình", nhưng không phải để khắc phục những khiếm khuyết của thị trường, mà là để khắc phục những hậu quả của tổ chức, cá nhân gây ra.

Nhưng hành động đó có cần thiết hay không? Có thể có. Vì nếu không sử dụng ngân sách thì khó có nguồn lực nào có thể xử lý được nợ xấu một cách nhanh chóng. Hiện nay, nợ xấu chủ yếu được xử lý bằng cách trích dự phòng từ lợi nhuận thuần của ngân hàng. Với cách làm này thì thời gian nợ xấu xử lý sẽ rất lâu và ngân hàng cũng khó lòng có thêm nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển, bởi một lượng lớn lợi nhuận đã phải dành cho việc xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, nên tính đến những cách sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu phù hợp. Chẳng hạn như Nhà nước mua cổ phiếu phát hành thêm của ngân hàng để tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ ngân hàng xử lý nợ xấu, đến lúc thích hợp thì Nhà nước lại bán lượng cổ phiếu ấy ra, thu lại tiền về cho ngân sách.

Việc sử dụng ngân sách để khắc phục hậu quả của một tổ chức, cá nhân gây ra trong một số trường hợp đặc biệt là điều cần thiết, nhưng đồng thời chính quyền cũng phải xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây ra hậu quả đó. Thêm nữa là cách thức sử dụng ngân sách phải thật sự hợp lý và minh bạch trong từng trường hợp.

Chỉ những trường hợp đặc biệt mới sử dụng đến ngân sách, vì sử dụng ngân sách nghĩa là Nhà nước đã can thiệp vào thị trường và điều này nhiều khả năng sẽ để lại những "vết sẹo" riêng, đặc biệt là dễ tạo ra và lan tràn tâm lý dựa lưng vào ngân sách.

Tin mới lên