Diễn đàn VNF

Hãy đối xử với DNNN như với doanh nghiệp tư nhân!

(VNF) - Chuyên gia nói đã đến lúc cho phép các DNNN khoác một tấm áo rộng hơn để có thể cạnh tranh và phát triển như các doanh nghiệp tư nhân.

Hãy đối xử với DNNN như với doanh nghiệp tư nhân!

Dù được hưởng nhiều "lợi thế tự nhiên" nhưng Vietnam Airlines đang dần hụt hơi trong cuộc cạnh tranh với Vietjet

Chính phủ đang chỉ đạo khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN; tiếp tục hoàn thiện thể chế về cơ cấu lại, cổ phần hóa DNNN; nâng cao trách nhiệm, chất lượng tư vấn và kiểm toán, xác định, thẩm định giá trị vốn, tài sản tại doanh nghiệp, trong đó có giá trị quyền sử dụng đất, thương hiệu khi cổ phần hóa, thoái vốn; cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược; bảo đảm công khai minh bạch, chống lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng.

Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa từng tập đoàn, tổng công ty, DNNN, thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán theo quy định, xác định rõ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, thực hiện công khai, minh bạch, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước; chú trọng nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất kinh doanh, từng bước áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế; kiện toàn bộ máy quản lý, nhất là đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thua lỗ, kém hiệu quả.

Phó thủ tướng cũng cho biết Chính phủ sẽ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền Đề án về thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo tinh thần Hội nghị Trung ương 5, khóa XII.

Thúc đẩy cổ phần hóa là một trong những ưu tiên của Chính phủ trong thời gian tới

VietnamFinance xin giới thiệu góc nhìn của ông Lê Minh, chuyên gia về đầu tư và phát triển hạ tầng, xung quanh chủ đề làm thế nào để tạo thêm thuận lợi cho DNNN phát triển, cạnh tranh hiệu quả trong bối cảnh mới. Ông Minh viết:

"Các doanh nghiệp Nhà nước sử dụng nguồn vốn lớn, nguồn nhân lực lớn, quỹ đất lớn và được Chính phủ bảo lãnh vốn nhưng kết quả kinh doanh không tốt hơn doanh nghiệp tư nhân. Vài tuần gần đây, truyền thông nêu nhiều về các dự án lớn thua lỗ thuộc PVN và Bộ Công thương, và các tập đoàn thua lỗ lớn như TKV. Còn trước đây, báo chí nhắc rất nhiều về các tập đoàn thua lỗ trầm trọng như Vinashin, Vinalines.

Các doanh nghiệp Nhà nước lớn làm ăn có lãi, nếu bóc tách các chỉ tiêu tài chính đem so với doanh nghiệp tư nhân nội địa và doanh nghiệp FDI như so về các chỉ số lợi nhuận trên vốn, tổng doanh thu thì cũng không hơn. 

Nếu doanh nghiệp tư nhân được sở hữu cùng nguồn lực đó (tài lực, nhân lực, lợi thế Nhà nước) thì các chỉ số kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân cao hơn nhiều lần. Dẫn chứng như Tập đoàn Dệt may Việt Nam thì doanh thu năm 2016 chưa đến 2 tỷ USD khi Việt Nam được đánh giá là có thế mạnh về dệt may. Các tập đoàn TKV báo lỗ, EVN lãi không nhiều, Vietnam Airlines có các chỉ số kết quả kinh doanh không tốt hơn hãng hàng không tư nhân là VietJetAir là những ví dụ điển hình.

Các chuyên gia chỉ ra là phải tái cấu trúc DNNN gồm: (i) cổ phần hóa: quá trình cổ phần hóa diễn ra chậm và không ít doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa thì định giá bán không đúng dẫn đến thất thoát tài sản của quốc gia, đặc biệt là ở các DNNN sở hữu quỹ đất giá trị cao; (ii) giải thể DNNN thua lỗ nghiêm trọng. DNNN thua lỗ bị giải thể làm tản mác đi tài sản quốc gia và tản mác nguồn nhân lực kinh nghiệm.

Vậy tại sao không duy trì doanh nghiệp nhà nước và đối xử với DNNN như với doanh nghiệp tư nhân? DNNN hiện nay có quy trình bổ nhiệm nhân sự liên quan đến tổ chức chính quyền. Bộ máy nhân sự phải chịu chi phối của cơ quan chủ quản, chế độ lương cũng bị ràng buộc cho nên tuy nói rằng DNNN được nhiều đặc quyền và sử dụng nguồn lực (nhân lực, tài lực) lớn nhưng thực tế mấy chục năm qua, DNNN của chúng ta không có quyền như doanh nghiệp tư nhân. DNNN không được cởi trói, không có cơ chế như doanh nghiệp tư nhân đang có.

Nếu chúng ta đối xử với DNNN như đối xử với doanh nghiệp tư nhân, kết quả kinh doanh của DNNN sẽ tốt như doanh nghiệp tư nhân. Qua đó, Nhà nước sẽ không can thiệp hành chính vào việc điều hành của DNNN. DNNN được chủ động kinh doanh tương tự DNTN. 

Chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc và các nhân sự lãnh đạo khác được tuyển dụng từ các kênh tuyển dụng vốn đang rất chuyên nghiệp như Vietnamworks.com, Alphabet hoặc thậm chí có thể thuê hãng tuyển dụng hàng đầu của thế giới tuyển lọc nhân sự.

Đối với DNNN hoạt động chưa hiệu quả, tức là doanh số, mức lãi chưa tương xứng với nguồn lực sở hữu, chúng ta có thể tuyển Chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc từ thị trường nguồn nhân lực công khai như các tập đoàn đầu tư nước ngoài, tập đoàn tư nhân vẫn đang làm. 

Đối với DNNN và Dự án Nhà nước thua lỗ nghiêm trọng thì chúng ta cũng làm tương tự là tuyển dụng Tổng giám đốc tài năng từ thị trường nguồn nhân lực công khai nêu trên thay vì giải thể, hay xé lẻ tập đoàn thua lỗ, dự án thua lỗ.

Đồng thời, nhân sự lãnh đạo được tuyển dụng từ thị trường nguồn nhân lực cao cấp sẽ điều hành DNNN kinh doanh hiệu quả như DNTN. Nhân sự lãnh đạo tuyển dụng từ thị trường nguồn nhân lực cao cấp sẽ tái cấu trúc dự án thua lỗ. Làm như thế, chúng ta không bán tháo, phân tán tài sản quốc gia"!

Tin mới lên