Diễn đàn VNF

Kho nhôm tỷ phú và câu chuyện 'phát triển hạ tầng cho ai'

(VNF) - Như tin đã đưa, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu liên quan đến việc cử đại diện tham gia Đoàn kiểm tra kho nhôm khổng lồ nghi nguồn gốc Trung Quốc ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Kho nhôm tỷ phú và câu chuyện 'phát triển hạ tầng cho ai'

Theo Bộ Công Thương , việc kiểm tra này là thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhằm làm rõ thông tin về vận chuyển nhôm có nguồn gốc Trung Quốc vào Việt Nam. Đoàn kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra tại Công ty Nhôm Toàn cầu Việt Nam có trụ sở tại Bà Rịa Vũng Tàu. Thời gian kiểm tra dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 5/2017.

Trước đó, đầu năm 2017, tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin, Hải quan Mỹ đã thu giữ lô hàng nhôm trị giá 25 triệu USD có liên quan đến một tỷ phú Trung Quốc, người được cho là đang cất trữ một lượng lớn kim loại tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Đây được xem là động thái mạnh tay nhất từ trước đến nay của chính phủ liên bang Mỹ, nhằm điều tra xem liệu có hay không việc các công ty Mỹ thông đồng với ông trùm ngành sản xuất nhôm Trung Quốc Liu Zhongtian, để giúp mặt hàng nhôm Trung Quốc trốn thuế chống phá giá của Mỹ, bằng cách đưa số kim loại này đi vòng vèo qua nhiều nước để giấu xuất xứ.

Trong lúc chờ kết quả làm việc của các cơ quan chức năng, VietnamFinance giới thiệu một góc nhìn khác của chuyên gia tư vấn đầu tư Lê Minh, đến từ công ty BW, xung quanh câu chuyện khai thác hạ tầng. Ông Minh viết:

"Chúng ta đều biết cảng Cái Mép Thị Vải là cụm cảng được đầu tư hiện đại, có thể tiếp nhận tàu siêu trọng đến 200.000 DWT cập bến. Khu cảng được đầu tư hàng tỷ USD, hạ tầng đường bộ dần được hoàn thiện. Tuyến cao tốc Bến Lức Long Thành đang được triển khai thi công, tuyến cao tốc Biên Hòa – Tân Thành đang được khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đầu tư cũng với chi phí đầu tư lên đến hàng tỷ USD.

Ở khu vực phía Bắc, các hệ cảng Cái Lân ở Quảng Ninh, cảng Hải Phòng, Lạch Huyện đang hình thành khu cảng hiện đại, tiếp nhận các cỡ tàu hàng siêu trọng. Trên bộ thì các tuyến cao tốc Hà Nội Thái Nguyên, Hà Nội Bắc Giang, Hà Nội Hải Phòng, Quảng Ninh đều hoàn thiện hoặc sắp hoàn thiện. Chính phủ đã và đang vay từ nhiều nguồn để đầu tư hạ tầng như nguồn ODA Nhật Bản, nguồn WB, ADB và nguồn trái phiếu phát hành trong nước.

Ở mạn phía Bắc, các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội... đều đã đón nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến đặt cơ sở sản xuất.

Việt Nam vay nguồn vốn khá lớn để đầu tư hạ tầng. Vị tỷ phú Trung Quốc nhìn thấy cơ hội khai thác cảng quốc tế Cái Mép, là cảng hiện đại mới xây dựng, chi phí dịch vụ phải chăng, để xuất nhập hàng bán đi Hoa Kỳ, các doanh nghiệp sản xuất FDI nhìn thấy cơ hội bèn mở xưởng sản xuất ở Thái Nguyên Bắc Ninh, Hải Dương, Bắc Giang, Hà Nội để khai thác hiệu quả.

Cơ hội này là gì? Đó là hạ tầng kết nối hoàn chỉnh, có thể chở nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc qua biên giới về nhà máy, tuyển dụng lao động dồi dào giá rẻ, sản xuất rồi chuyển sản phẩm đi qua cảng quốc tế Cái Lân hoặc Hải Phòng hoặc cảng hàng không Nội Bài xuất đi quốc tế.

Doanh nghiệp Việt có thể tham khảo cách làm của khối FDI để khai thác nguồn nhân lực tốt và hạ tầng tốt đã được Chính phủ đầu tư. Chính phủ nên có những phân tích cụ thể cho doanh nghiệp nội hiểu và mạnh dạn đầu tư sản xuất rồi xuất khẩu đi các nước như các doanh nghiệp FDI đang làm ngay tại quê hương chúng ta. Nếu không, chúng ta đầu tư hạ tầng rồi lại để cho chính các doanh nghiệp nước ngoài hưởng lợi là chính"!

Tin mới lên