Diễn đàn VNF

‘Không nên sử dụng bài thuốc cũ để thúc đẩy tăng trưởng’

(VNF) - "Bài thuốc cũ" trong lời ông Cung là việc sử dụng các chính sách vĩ mô ngắn hạn để đạt được mục tiêu tăng trưởng. Chuyên gia cho rằng trong bối cảnh hiện nay, giải pháp ưu tiên phải là ổn định kinh tế vĩ mô.

‘Không nên sử dụng bài thuốc cũ để thúc đẩy tăng trưởng’

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

Hội thảo công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2016 của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy bức tranh nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm, trong đó nổi bật là tăng trưởng kinh tế chưa lấy lại được đà hồi phục: GDP chỉ tăng 5,57% so với cùng kì năm ngoái và việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2016 (7,6%) hầu như không khả thi.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận về phương hướng và cách thức tăng trưởng kinh tế.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM phân tích, với lạm phát cao trong 6 tháng đầu năm và có xu hướng tăng trong các quý tiếp theo, chúng ta đã không còn nhiều dư địa để giảm lãi suất. Lãi suất không giảm thì tín dụng khó tăng mà gánh nặng tài chính của doanh nghiệp cũng vì thế không được giảm nhẹ.

Do đó, các công cụ điều chỉnh vĩ mô truyền thống đã tỏ ra không còn nhiều tác dụng trong việc thúc đẩy tăng trưởng.

"Tôi cho rằng không nên tiếp tục bài thuốc cũ là mở rộng chi tiêu ngân sách, nới lỏng tài khóa, tiền tệ và sử dụng những chính sách vĩ mô mang tính chất ngắn hạn để thúc đầy tăng trưởng.

Ưu tiên hàng đầu bây giờ phải là giữ ổn định, không chỉ ở bề nổi mà còn ở bề sâu. Tức là cần ổn định các nền tảng của kinh tế vĩ mô như giảm thâm hụt ngân sách, giảm nợ công, củng cố sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng.

Còn để thúc đẩy tăng trưởng, hãy dựa vào những cải cách vi mô, hãy nhắm đến khu vực kinh tế tư nhân trong nước nhiều hơn", ông Cung nói.

Theo ông Cung, về dài hạn cần thay đổi mô hình tăng trưởng dựa vào lượng,  chuyển sang tăng trưởng dựa vào tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, tăng năng lực cạnh tranh và cải cách thể chế.

Đồng quan điểm với ông Cung, TS Nguyễn Quang Thái, Tổng thư kí Hội khoa học Kinh tế cũng cho rằng điều quan trọng hiện nay là phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tiếp tục làm tốt chức năng của nhà nước là kiến tạo, phục vụ cho sự phát triển của người dân và doanh nghiệp.

Còn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng CIEM thì nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có một nghiên cứu, kế hoạch cải cách đồng bộ cơ bản 2 năm với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và cải cách thể chế, đặc biệt với các vấn đề thâm hụt ngân sách, bội chi, nợ công.

"Đây là thời điểm chúng ta thể hiện trách nhiệm đối với nền kinh tế, đối với đồng bào của chúng ta, không thể chậm trễ được hơn nữa", ông Doanh bày tỏ.

Cũng tại buổi hội thảo, mặc dù đều thống nhất mục tiêu năm trưởng năm nay khso lòng thực hiện, tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng Chính phủ không cần và không nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Bởi chỉ khi không điều chỉnh thì mới nỗ lực tối đa để làm từ đó tạo ra xung lực cho nền kinh tế, đồng thời Chính phủ đánh giá khách quan các nguyên nhân từ đó có thể thảo luận tìm kiếm giải pháp.

Theo dự báo của CIEM, tăng trưởng quý 3/2016 có thể đạt mức 6,14%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 6,8%, thâm hụt thương mại ở mức 0,4 tỷ USD và mức tăng giá tiêu dùng là 1,31%.

Tin mới lên