Diễn đàn VNF

Khủng hoảng cá chết và hội chứng đám đông

(VNF) - Góc nhìn của chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh xung quanh vụ khủng hoảng cá chết tại miền Trung.

Khủng hoảng cá chết và hội chứng đám đông

Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh

LTS: Vụ khủng hoảng cá chết tại miền Trung vẫn đang được công luận đặc biệt chú ý vì tính chất nghiêm trọng và phức tạp của nó. Để bạn đọc có cái nhìn đa chiều về sự việc, VietnamFinance sẽ tiếp tục giới thiệu các ý kiến chuyên gia xung quanh vụ việc này. Dưới đây, xin trân trọng gửi tới bạn đọc bài viết của ông Lê Quốc Vinh, một chuyên gia truyền thông nổi tiếng của Việt Nam. Ý kiến của ông Lê Quốc Vinh không phản ánh quan điểm của tòa soạn và chúng tôi rất mong nhận được các ý kiến đóng góp, phản hồi về chủ đề này.

"Trong cuốn "Tâm lý học đám đông" nổi tiếng, Gustave Le Bon, nhà tâm lý học xã hội người Pháp, cho rằng những đám đông luôn bị vô thức tác động, họ xử sự như người nguyên thủy, người dã man, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng, họ không kiên định, thất thường, và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất. 

Vả lại, do thể tạng của mình, những đám đông ấy cần có một thủ lĩnh, một người cầm đầu, kẻ có thể dẫn dắt họ và cho bản năng của họ một ý nghĩa. Khối người chỉ trích Le Bon, nhưng học trò xuất sắc nhất, Adolf Hitler đã vận dụng lý thuyết này tài tình đến độ từ một kẻ thất bại trong nghệ thuật trở thành một kẻ dẫn dụ cả nước Đức, một trong những dân tộc thông minh nhất, lôi một nửa thế giới vào vòng chiến tranh thảm khốc. Và hôm nay, tiếc thay, khi mạng xã hội thống trị truyền thông thì lý thuyết của Gustave Le Bon lại càng ngày càng đúng. 

Năm 2013, tôi xử lý khủng hoảng cho sữa bột trẻ em Danlait. Phải nói rằng lúc ấy, với chiêu bài bảo vệ sức khoẻ cho con trẻ, chỉ một cá nhân đã dẫn dụ cả một đám đông cuồng nộ trên mạng tấn công một sản phẩm mà sau này được chứng minh là chất lượng hoàn toàn tốt, được bảo đảm bởi nước Pháp và Cộng đồng châu Âu. Lúc ấy, chính các nhà báo cũng hoang mang và đăng tải rất nhiều tin tức nguỵ tạo do nhóm tấn công xây dựng, trong đó có kết quả rất xấu do Viện Pasteur TP. HCM đưa ra. Bị vạch trần là nhân viên Viện này sử dụng phương pháp kiểm nghiệm thịt bò, họ đã phải kiểm nghiệm lại và đưa ra kết quả hoàn toàn bình thường cho Danlait. 

Đó là chuyện cũ. Bây giờ nói chuyện chính này: câu chuyện cá chết, môi trường và Formosa. Nhưng trước khi quý vị đọc tiếp, tôi phải nói ngay rằng, cá nhân tôi không biết Formosa có phạm tội đầu độc biển Vũng Áng và cả Bắc miền Trung hay không, bởi vì tôi không có chuyên môn, cũng không có đầy đủ thông tin, và những ngày này càng chưa nhúng chân xuống biển Vũng Áng như hầu hết quý vị. Cũng có thể Formosa phạm tội lắm chứ, nhưng đó là trách nhiệm điều tra của các nhà khoa học, của giới chuyên môn và của chính quyền. 

Sự cần thiết của PR chính phủ

Trước tiên, tôi sẽ nói về vấn đề của chính quyền. Tôi cho rằng vấn đề của chính quyền là để mất niềm tin nơi công chúng, và cội nguồn của việc mất niềm tin là ở năng lực làm truyền thông của họ. "Truyền thông" là cách nói dân dã, còn thuật ngữ chuyên môn là "public relations" - PR, quan hệ công chúng. Phần lớn mọi người đều hiểu rằng "truyền thông" có nghĩa là tuyên truyền cho công chúng, thậm chí mang cái nghĩa xấu là mị dân để che giấu vấn đề. Trong khi đó, PR là môn khoa học và nghệ thuật bảo vệ hình ảnh, danh tiếng và tạo dựng niềm tin đối với công chúng. 

Trong vụ cá chết, chính quyền đã không biết cách làm PR, thậm chí họ còn không biết là phải làm, và làm một cách bài bản, nghiêm túc. Không phải bằng cách chỉ đạo thông tin báo chí chọn cái tốt, cái tích cực mà nói, mà phải bằng cách xây dựng một cơ chế truyền thông tương tác, hữu hiệu. Cái cơ chế ấy, ở thời đại này, theo quan điểm của công ty tôi, tựu trung nằm trong bốn nguyên tắc chính: kết nối với công chúng; truyền thông hai chiều; xây dựng chiến lược nội dung bài bản; và minh bạch thông tin. 

Vấn đề của các cơ quan nhà nước không phải là ở giải quyết tình thế, nhất là trong vụ môi trường biển miền Trung này, mà là cả một quy trình và chiến lược truyền thông dài hạn, chuyên nghiệp, xây dựng niềm tin, càng bắt đầu làm sớm thì càng tránh rơi vào các tình huống tương tự về sau. 

Khi tôi khen người Nhật bình tĩnh trước các tình huống khủng hoảng cũng là tôi khen chính phủ Nhật, bởi vì họ đã làm được cái điều là làm cho công chúng tin tưởng vào sự minh bạch, công tâm và khách quan. Chính phủ các nước khác cũng vậy, không phải chính sách nào của họ cũng được lòng công chúng, cũng có lúc bị phản đối, nhưng về căn bản họ được công chúng hiểu thấu đáo và tin tưởng hành động vì lợi ích chung. 

Khi chưa xây dựng được niềm tin, bất cứ việc gì làm, dù mang ý nghĩa tích cực, cũng bị nghi ngờ, thậm chí bị bóp méo. Người ta chờ đợi các vị lãnh đạo xuống tắm biển, ăn cá để an dân, nhưng ngay cả khi họ đã làm như vậy, thì vẫn có kẻ gán cho hành động ấy là mị dân và tiểu xảo (!). Các bộ ngành đang triển khai quan trắc, nghiên cứu, dù tiến trình chậm trễ, nhưng ở thời điểm này, bất cứ thông tin nào họ đưa ra cũng sẽ bị nghi ngờ, ném đá mà thôi, trừ phi kết quả đó phù hợp với định kiến sẵn có của đám đông. 

Quan trọng nhất là giải quyết hậu quả

Bây giờ tôi nói về nhân dân, nhưng tôi không nói về đa số công chúng, phần lớn là nông dân, những người lẽ thường không có nhiều thông tin, mà tôi nói về thiểu số những người có khả năng tiếp cận thông tin tốt hơn. Đó là những người, lẽ ra, có thể định hướng phản ứng xã hội, một mặt vẫn có thể đánh động thảm họa môi trường, cung cấp một bức tranh trung thực và chính xác về những gì đang diễn ra, nhưng đồng thời cũng có thể góp phần bảo vệ những phần còn chưa bị ảnh hưởng, còn có thể cứu vãn, không chỉ vì những tháng ngày trước mắt, mà còn vì tương lai của những người nông dân, vì cuộc sống của họ sau khủng hoảng. 

Thay vì thế, nhiều người còn cường điệu vấn đề, phát tán một cách vô ý thức (có khi là có ý thức cũng nên) những thông tin thất thiệt, gây bất ổn xã hội và hoang mang dư luận. Cá chết có nhiều không? Có con số nói là 70 tấn. Theo tôi, như vậy là nhiều, gấp 70 lần khối lượng một con tàu đánh bắt xa bờ vừa phải đổ hết lên đường quốc lộ vì không ai mua. Nhưng nó cũng không thể giống như những bức ảnh cá chết cá chết trắng tại hồ Mona, ở bang Michigan, Hoa Kỳ, mà nhiều người vô tình hay hữu ý phát tán trên mạng gần đây.

Rất nhiều người, trong đó có cả mẹ tôi, viết post, làm thơ, kêu gọi mọi người đừng về Hà Tĩnh, đừng đi tắm biển miền Trung. Không ít người kêu gọi đừng mua hải sản, đầu cơ muối. Tôi không trách mẹ tôi, vì cũng như nhiều người thiếu thông tin và bị chi phối bằng cảm xúc, nhưng tôi trách những người có khả năng tìm hiểu thông tin. Họ không chịu hiểu rằng, đằng sau thảm hoạ môi trường, cho dù ai là thủ phạm đi nữa, cũng vẫn sẽ phải là tiến trình làm sạch môi trường biển, và cứu vớt lại nền kinh tế ở nơi đó. 

Cả nước Mỹ và thế giới lên án BP làm tràn dầu, huỷ hoại môi trường vịnh Mexico, nhưng, trong khi phạt nặng BP, ưu tiên hàng đầu của họ là đồng tâm xử lý ô nhiễm, cứu hệ sinh thái. 

Nếu kết quả cuối cùng cho thấy Formosa là tác nhân gây độc, thì chắc chắn giải pháp vẫn không phải là buộc họ cuốn gói ra đi như những gì nông dân Hà Tĩnh, Quảng Bình đang đòi hỏi. Đó sẽ là một hình phạt vô cùng nặng nề, như Thủ tướng đã cam kết, những nỗ lực giảm thiểu tác hại môi trường (hy vọng thế) và tiếp theo là một loạt các biện pháp giám sát chặt chẽ quy trình xả thải. Bởi vì, việc đóng cửa khu công nghiệp 10 tỷ USD này sẽ gây ra một loạt hệ luỵ vô cùng lớn, mà người tổn hại không phải chỉ là Formosa. 

Trong các cuộc tranh luận, những người đang lên tiếng cho rằng họ không hề chủ trương bạo động, không hối thúc nông dân biểu tình đòi đóng cửa Formosa, nhưng cái cách mà họ truyền thông đã gián tiếp tạo ra bất ổn. Đó là hiệu ứng mà Gustave Le Bon đã cảnh báo từ cuối thế kỷ 19 rồi. 

Với các nhà báo, kể cả những người làm truyền thông trên mạng xã hội giống như các nhà báo, nên hiểu rằng, một ý tưởng thiên vị nhỏ trong cách mà họ đưa tin đều có thể tác động rất lớn đến tầng lớp thị dân và những người nông dân cảm tính. Từ khi chập chững học làm báo, các thầy giáo của tôi ở Hoa Kỳ và Australia đều dạy rằng, nhà báo buộc phải đưa tin một cách khách quan, chỉ nêu hiện tượng, sự kiện, mà không bình luận. Nếu muốn bình luận, chỉ có thể trích lời bình luận từ những nguồn xác tín. 

Để kết luận, tôi lại xin trích một ý của Le Bon, cũng như các bậc thầy của ông như là Gabriel Tarde (Pháp), Scipio Sighele (Ý), Georg Simmel (Đức) rằng, một thực thể mới được dựng lên từ một tập hợp dân chúng, nhưng đó không phải là một cơ thể sống, mà là một sự "vô thức" tập thể. Khi một đám đông tập hợp lại với nhau, có một "ảnh hưởng từ tính" hoặc một nguyên nhân nào khác mà chúng ta chưa biết, chuyển hoá thành các hành vi cá nhân, cho đến khi nó bị chi phối bởi một trí tuệ nhóm.

Mô hình của Le Bon coi "đám đông" như là một đơn vị được tạo ra bởi nhiều thành viên, nhưng nó cướp đi của mỗi thành viên các ý kiến, giá trị và niềm tin cá nhân. Ông nói rằng, "một cá nhân trong đám đông là một hạt cát giữa các hạt cát khác, mà gió sẽ khuấy tung lên theo ý muốn".

Thay vì thế, nhiều người còn cường điệu vấn đề, phát tán một cách vô ý thức (có khi là có ý thức cũng nên) những thông tin thất thiệt, gây bất ổn xã hội và hoang mang dư luận. Cá chết có nhiều không? Có con số nói là 70 tấn. Theo tôi, như vậy là nhiều, gấp 70 lần khối lượng một con tàu đánh bắt xa bờ vừa phải đổ hết lên đường quốc lộ vì không ai mua. Nhưng nó cũng không thể giống như những bức ảnh cá chết cá chết trắng tại hồ Mona, ở bang Michigan, Hoa Kỳ, mà nhiều người vô tình hay hữu ý phát tán trên mạng gần đây.

Tin mới lên