Diễn đàn VNF

'Làm được 1 đồng lợi nhuận, mất ít nhất 0,72 đồng bôi trơn'

(VNF) - Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, phí và thuế, tiền bôi trơn nhiều là một trong những lý do cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam.

'Làm được 1 đồng lợi nhuận, mất ít nhất 0,72 đồng bôi trơn'

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Tại Hội thảo công bố kết quả báo cáo khảo sát "Hiện trạng thực hành liêm chính trong kinh doanh và nhu cầu hỗ trợ xây dựng năng lực của doanh nghiệp" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 29/12, nhận định trước tình trạng của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sắp tới, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết sức khỏe của doanh nghiệp Việt hiện nay là yếu. 

Chuyên gia Phạm Chi Lan cho biết: "Tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN, điều chủ yếu mà tôi lo là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước khó có thể đứng vững trước làn sóng đổ bộ hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp ASEAN vào Việt Nam. Với mức thuế 0% thì doanh nghiệp ngoại sẽ tràn vào Việt Nam rất dữ dội".

"Trong khoảng thời gian gần đây, thị trường Việt Nam đã xuất hiện những cuộc đổ bộ rất lớn từ các doanh nghiệp ASEAN. Trong khi đó, với Việt Nam thì chưa nhìn thấy làn sóng ngược lại", bà Lan nhận định.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, tại Việt Nam, phí và thuế chiếm tới 40,8% trong số tổng lợi nhuận doanh nghiệp phải chi trả. Trong khi đó, mức thuế doanh nghiệp trong ASEAN bình quân là 17%.

"Ban đầu tôi và nhiều người quả thực không tin. Bởi nếu như vậy, đây thực sự là rào cản rất lớn của doanh nghiệp. Song, thực chất nó là điều tra chuẩn xác của World Bank, Bộ Tài chính cũng đưa ra trong hội thảo gần đây", bà Lan nói.

Theo bà Phạm Chi Lan, doanh nghiệp hiện nay phải chịu rất nhiều loại thuế, phí mà không thể kiểm soát được. Tiền bôi trơn của doanh nghiệp Việt hiện nay quá lớn, doanh nghiệp làm ra 1 đồng lợi nhuận thì họ phải chi ít nhất 0,72 đồng cho phí bôi trơn.

"Với mức thuế, phí cao như vậy thì doanh nghiệp Việt lấy đâu ra động lực,vốn để tái đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ", bà Lan nói.

Chuyên gia cũng bày tỏ mong muốn, năm 2016, Chính phủ sẽ giảm thu các loại thuế bất hợp lý đối với doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp tạo vốn đầu tư. "Nếu doanh nghiệp vẫn nhỏ bé thế này thì Nhà nước cũng không còn cái mà thu nữa", bà Lan khẳng định.

Những năm gần đây, vốn doanh nghiệp đổ rất nhiều vào bất động sản, ngân hàng, xây dựng… những ngành "nóng" nhưng có năng suất rất thấp, đồng vốn ảo. Trong khi những ngành dệt may, chế biến thực phẩm, bán buôn bán lẻ… có năng suất cao lại nhận vốn đầu tư rất ít.

Bên cạnh đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước mặc dù số lượng ra đời nhiều nhưng quy mô lại nhỏ đi. Biến động của số lượng doanh nghiệp từ năm 2010-2014 cho thấy, doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng cao, đăng ký doanh nghiệp mới lớn nhưng số đăng ký mới có nhiều trường hợp đăng ký năm trước nhưng năm sau lại dừng hoạt động. 

Tin mới lên