Diễn đàn VNF

'Thách thức lớn nhất vẫn là đổi mới thể chế'

(VNF) - Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc nói đối với Việt Nam hiện nay, thách thức lớn nhất vẫn là đổi mới thể chế.

'Thách thức lớn nhất vẫn là đổi mới thể chế'

"Năm 2016 sẽ là năm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và lấy lại đà tăng trưởng. Với động lực cải cách trong nước và cơ hội rất to lớn từ các FTA, chúng ta có thể huy động nhiều nguồn lực hơn cho phát triển cả trong nước và ngoài nước. Việt Nam sẽ bắt đầu một chu kỳ phát triển mới, mạnh mẽ và bền vững hơn.

Riêng với đầu tư nước ngoài, khi Việt Nam đang đi trước các nước khu vực và trở thành giao điểm của các FTA, chắc chắn sẽ có sự bùng nổ một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam. Chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc dịch chuyển các chuỗi giá trị từ các nước nằm ngoài TPP hay các FTA vào Việt Nam.

Ví dụ, chúng ta đã nói đến rất nhiều về công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp ô tô, TPP sẽ là cơ hội để thúc đẩy ngành này. Tương tự như vậy là công nghiệp phụ trợ với dệt may, da giày… Điều quan trọng là làm sao để khu vực tư nhân trong nước có thể song hành cùng khu vực FDI và cùng hưởng lợi từ các FTA.

Thách thức lớn nhất của chúng ta vẫn là đổi mới thể chế. Muốn tránh được bẫy thu nhập trung bình và trở nên giàu mạnh thì phương cách duy nhất là tiếp tục kiên định đổi mới, đẩy mạnh cải cách thể chế, quyết liệt hội nhập, trên cơ sở đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và chương trình hành động rất tích cực, cụ thể của Chính phủ.

Nếu trong thời gian ngắn nhất chúng ta đạt được chuẩn mực thế giới về thể chế, về quản trị, thì Việt Nam sẽ có được một đội ngũ doanh nghiệp hùng mạnh- lực lượng chủ công để chúng ta hội nhập, vượt lên thành công.

Xét về lĩnh vực, nông nghiệp là đáng lo ngại nhất. Nền nông nghiệp Việt Nam về cơ bản vẫn là sản xuất tiểu nông, chưa theo các chuẩn mực quốc tế. Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ khiến chi phí cao, năng suất thấp và khó bảo đảm an toàn thực phẩm. Nền nông nghiệp như vậy không thể sản xuất hàng hóa, càng không thể cạnh tranh.

Chúng ta xuất khẩu nhiều gạo nhưng chưa có thương hiệu. Trước kia, cá tra, cá basa và tôm của Việt Nam đã bước đầu chiếm lĩnh được các thị trường cao cấp ở Mỹ, châu Âu, nhưng đang đứng trước nguy cơ mất uy tín ở các thị trường này, đang chuyển sang những thị trường dễ tính hơn và cũng thấp cấp hơn.

Nông nghiệp sẽ là lợi thế của Việt Nam trong hội nhập, với điều kiện phải là nền nông nghiệp công nghệ cao. Điều tất yếu là chúng ta phải tái cấu trúc nền nông nghiệp, phải tổ chức lại sản xuất trên cơ sở những điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu, lao động và vị trí địa lý. Yêu cầu tương tự cũng đặt ra với ngành du lịch.

Hội nhập là thách thức với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cũng có sức sống rất bền bỉ, khả năng ứng phó rất cao. Nhà nước tạo đột phá về thể chế thì doanh nghiệp cũng phải tự nâng cấp để trở thành các đối tác tin cậy trên thê giới. Ngược lại, để hỗ trợ cho những nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, rất cần một chương trình của Nhà nước để trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Điều rất đáng khích lệ với cộng đồng doanh nghiệp là trong năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhiều lần khẳng định, chúng ta không thể giành thắng lợi trên mặt trận kinh tế nếu không có toàn dân làm kinh tế. Phải ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân, người dân là yếu tố quyết định sự thành bại của nền kinh tế, đây là nội lực mang tính quyết định. Về phần Nhà nước là tạo điều kiện, hạ tầng, ban hành luật lệ, đây là điều rất quan trọng để cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, làm giàu của người dân".

Tin mới lên