Diễn đàn VNF

TPP và EVFTA: 'Doanh nghiệp Việt có nguy cơ thua trên sân nhà’

(VNF) - Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tại diễn đàn chính sách thương mại: "TPP và EVFTA: Cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam".

TPP và EVFTA: 'Doanh nghiệp Việt có nguy cơ thua trên sân nhà’

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

"Hiện nay, Việt Nam bị đánh giá là quốc gia có năng lực cạnh tranh thấp nhất trong TPP; hàng loạt chỉ số như cơ sở hạ tầng, trình độ công nghệ, mức độ phát triển hoạt động doanh nghiệp, chỉ số môi trường kinh doanh... của Việt Nam đều rất thấp.

Nguyên nhân là phần lớn doanh nghiệp ở Việt Nam thuộc dạng công ty gia đình, nhân sự cấp cao chưa được đào tạo về quản trị kinh doanh; thiết bị công nghệ lạc hậu từ 2 - 3 thế hệ so với các quốc gia khác; trình độ lao động thấp, nhóm dân số từ 15 tuổi trở lên chỉ có 4,4% tốt nghiệp đại học - cao đẳng, 8,9% đã qua trường lớn kỹ thuật và có tới 86,7% người lao động không có tay nghề.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chúng ta còn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung đầu vào nhập khẩu, môi trường kinh doanh chậm cải thiện, các nguồn lực như con người, tài chính, tổ chức, công nghệ, hạ tầng thương mại, các dịch vụ kinh doanh, kỹ năng kinh doanh quốc tế... còn nhiều hạn chế.

Sau khi tham gia TPP và EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ hệ thống thương mại tự do. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, chúng ta sẽ được các nước đối tác dỡ bỏ rào cản thuế quan đối với hầu hết các mặt hàng, đối với các doanh nghiệp nhập khẩu thì chi phí nhập khẩu sẽ thấp hơn, nguồn cung cũng đa dạng hơn.

Đối với 57 thị trường có FTA, Việt Nam rất khó để tăng xuất khẩu sang tất cả các quốc gia, trong khi Việt Nam phải mở cửa cho tất cả 57 nước có FTA, sẽ có nguy cơ các doanh nghiệp Việt Nam thua ngay trên sân nhà và nhập siêu tăng cao".

Để vượt qua được những khó khăn này, không ai khác các doanh nghiệp phải tự nâng cao chất lượng sản phẩm để đạt được những yêu cầu tối thiểu của thị trường, phải có năng lực công nghệ, tài chính và quản trị để đáp ứng những yêu cầu này.

Bên cạnh sự cố gắng từ phía doanh nghiệp, nhà nước cũng phải cải cách thể chế, từ đó cải thiện môi trường kinh doanh và pháp lý, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp. Nhà nước nên hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, hỗ trợ liên kết giữa các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển các ngành nghề mà Việt Nam có lợi thế như dịch vụ, nông nghiệp, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, du lịch...

TPP và EVFTA tạo ra những cơ hội lớn nhưng cũng gây sức ép để Việt Nam cải cách và phát triển, nhưng tận dụng được hay không là tùy thuộc vào chính Việt Nam. Thời gian không chờ đợi ai, cơ hội sẽ sớm trôi qua trong một thế giới thay đổi liên tục, phải hành động ngay".

Tin mới lên