Tài chính

DNNN còn phải thoái hơn 16 nghìn tỷ đồng vốn "trái ngành"

Thoái vốn trái ngành hiện đang ở tình trạng "5 phần mới được 1"

DNNN còn phải thoái hơn 16 nghìn tỷ đồng vốn "trái ngành"

PVN đã thoái vốn khỏi dự án Tháp Dầu khí đình đám một thời

Từ đầu năm đến nay, các DNNN đã thoái được 4.460 tỷ đồng đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm. Số vốn còn phải thoái trong 2 tháng cuối năm là 16.193 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính phục vụ Hội nghị trực tuyến đánh giá hình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) 10 tháng đầu năm 2015; nhiệm vụ, giải pháp 02 tháng cuối năm vào chiều ngày hôm nay 13/11, số vốn đầu tư trái ngành mà các DNNN đã thoái từ đầu năm đến ngày 12/11 đạt 4.460 tỷ đồng (Kế hoạch năm 2015, phải thoái là 22.362 tỷ đồng).

Như vậy, số vốn còn phải thoái trong hai tháng cuối năm là 16.193 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực chứng khoán trên 233 tỷ đồng; ngân hàng tài chính gần 9.113 tỷ đồng; bảo hiểm trên 553 tỷ đồng, bất động sản gần 6.079 tỷ đồng, quỹ đầu tư trên 215 tỷ đồng.

Báo cáo cũng cho biết, tổng số vốn thoái được lũy kế từ năm 2012 đến nay là  9.866 tỷ đồng.  

Bộ Tài chính đánh giá quá trình tái cơ cấu DNNN và thoái vốn đầu tư ngoài ngành vào 5 lĩnh vực nhạy cảm trong thời gian qua còn chậm so với kế hoạch đề ra.

Ngoài nguyên nhân khách quan của thị trường, Bộ Tài chính cho rằng một số Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước "chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn".

"Nhận thức của một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và các doanh nghiệp về chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội; còn tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa", báo cáo viết.

Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của 20/20 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thuộc thẩm quyền; trong khi các bộ, địa phương đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của 79 tổng công ty nhà nước trực thuộc.
 

Tin mới lên