Bất động sản

Biến đất công nghiệp ô nhiễm thành những tổ hợp đô thị mới

(VNF) - Bằng việc hỗ trợ di chuyển và bắt tay với chủ đất thành lập công ty liên danh, các đại gia bất động sản đã biến hàng loạt khu đất vàng là các nhà máy, xí nghiệp thành chung cư cao cấp.

Biến đất công nghiệp ô nhiễm thành những tổ hợp đô thị mới

Lô đất của Nhà máy rượu Hà Nội từng được quy hoạch làm trường học, song hiện tại vẫn có nhiều đại gia bất động sản nhòm ngó để xây chung cư

Chủ trương di dời một số đơn vị sản xuất ra khỏi nội đô thành phố Hà Nội nhằm cân đối về hạ tầng xã hội và kỹ thuật, giao thông và môi trường đã và đang được thực hiện từ nhiều năm nay, biến những lô đất công nghiệp trở thành những tổ hợp bất động sản hoành tráng.

Vậy những đại gia nào đã thâu tóm các mảnh đất vàng đó? VietnamFinance điểm lại một số dự án nổi bật:

Đất vàng 231 Nguyễn Trãi

Với quỹ đất rộng tới 6,2 ha, tổ hợp trung tâm thương mại, chung cư cao cấp sẽ mang lại cho SRC khoản lợi nhuận không nhỏ

Lô đất rộng 62.400m2 tại số 231 Nguyễn Trãi là cơ sở của Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng (SRC). Cách đây 4 năm, SRC đã có kế hoạch di dời trụ sở nhưng nhiều lần bị hoãn do chưa tìm được đối tác chiến lược để phát triển khu đất.

Năm 2015, SRC công bố kế hoạch phát triển khu đất của công ty thành tổ hợp chung cư cao cấp bán và cho thuê. Động thái này đã khiến lô đất trở thành tâm điểm để các đại gia bất động sản tranh nhau ngòm nhó. Vào thời điểm đó, ai cũng tưởng Vingroup hoặc FLC sẽ trở thành chủ nhân của lô đất vàng. Nhưng cuối cùng, lựa chọn của SRC lại là CTCP Tập đoàn Hoành Sơn.

Vào cuối tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Hoành Sơn đã chi ra 435 tỷ đồng để hỗ trợ di dời nhà máy cao su Sao Vàng. Sau đó, hai bên liên danh thành lập Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn để đầu tư phát triển khu hỗn hợp trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp ngay chính tại khu đất này.

Tập đoàn Hoành Sơn có trụ sở tại Hà Tĩnh, hoạt động trong lĩnh vực thương mại, vận tải, khoáng sản, xây dựng, đầu tư dự án trên địa bàn miền Trung và Lào.

Doanh nghiệp này hiện đang thực hiện Dự án xây dựng Cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn (bến cảng số 4, Cảng Vũng Áng) với tổng mức đầu tư 1.489 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 16,1 ha.

Đất vàng 423 Minh Khai

Dù tới năm 2017 mới di dời nhà máy, nhưng mảnh đất rộng 3,8 ha của Nhà máy dệt Minh Khai (số 423 đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) từ lâu đã đã được các nhà đầu tư bất động sản chú ý.

Chính vì thế trong đợt IPO vào tháng 1/2015, cổ phiếu của Dệt Minh Khai được trả lên tới 72.000 đồng/cổ phiếu, cao gấp 7 lần so với giá khởi điểm.

Cách đây 5 năm, thị trường rộ lên tin đồn Vinaconex liên doanh với Dệt Minh Khai triển khai đầu tư xây dựng 5 toà nhà chung cư và 2 toà văn phòng cho thuê cao 17 đến 23 tầng với tổng mức đầu tư dự kiến 1.774 tỷ đồng.

Nhưng một năm trở lại đây, Công ty cổ phần HBI - công ty con của đơn vị phát triển dự án MIK- đã chính thức liên doanh với Dệt Minh Khai để triển khai đầu tư xây dựng cụm nhà ở hỗn hợp chung cư cao cấp và văn phòng cho thuê ở đây.

Dự án được đặt tên là Imperia Sky Garden có quy mô bao gồm 4 tòa tháp cao 28 tầng và 3 tầng hầm, do Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình (HBC) làm tổng thầu EPC bao gồm thiết kế cơ sở, thiết kế kiến trúc, cung cấp thiết bị, vật tư và thi công kết cấu, lắp đặt thiết bị, hệ thống M&E và hoàn thiện dự án.

Ước tính, giá trị gói thầu trị giá khoảng 2.500 tỷ đồng, thời gian thực hiện 23 tháng.

Đất vàng 47 Nguyễn Tuân

Sau những ồn ào bãi công của công nhân tại nhà máy dệt mùa đông hồi cuối năm ngoái, hiện tại Dự án Goldseason 47 Nguyễn Tuân đang bắt đầu được triển khai.

Lô đất tại 47 Nguyễn Tuân có diện tích 22.602 m2 là trụ sở nhà máy của Công ty cổ phần dệt Mùa đông.

Năm 2010, UBND thành phố Hà Nội ra quyết định thu hồi lô đất này giao cho Công ty CP bất động sản Mùa Đông (VID) thực hiện dự án xây dựng Tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng.

Công ty cổ phần bất động sản TNR Holdings Việt Nam là đơn vị được chọn để điều hành dự án. Do đó, dự án được đặt tên là Goldseason, nương theo loạt dự án mang thương hiệu Gold của TNR Hoildings đang triển khai như Goldmark, Goldsilk.

Theo quy hoạch, dự án gồm 4 tòa: Autumn, Summer 1, Summer 2 và Spring cao 35 tầng, do Công ty CP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình thi công.

Đất của Nhà máy bánh kẹo Tràng An.

Được khởi công từ đầu năm 2015, ngay sau khi hoàn tất việc di dời nhà máy bánh kẹo Tràng An, dự án Tràng An Complex được GP Invest triển khai xây dựng khá nhanh

Lô đất rộng 2,6 ha của Nhà máy bánh kẹo Tràng An nằm trên đường Phùng Chí Kiên, quận Cầu Giấy.

Năm 2014, Công ty cổ phần đầu tư dầu khí toàn cầu (GP Invest) đã hợp tác với chủ đất di chuyển nhà máy bánh kẹo Tràng An tới cơ sở sản xuất mới tại huyện Quốc Oai, để chuyển đổi mục đích sử dụng đất của nhà máy thành tổ hợp chung cư cao cấp, thương mại, văn phòng.

Dự án Tràng An Complex do GP Invest làm chủ đầu tư được xây dựng trên đất của Nhà máy bánh kẹo Tràng An, gồm 2 tòa chung cư cao cấp CT1 ( 23 tầng) và CT2 (29 tầng), 1 tòa nhà hỗn hợp cao 14 tầng, 11 căn biệt thự và 20 căn liền kề. Đồng thời bên trong còn có khu trường học 3 tầng xây dựng trên diện tích khu đất 3.376 m2

Công trình khởi công vào tháng 1/2015 và dự kiến hoàn thành bàn giao nhà vào quý I/2017.

Tin mới lên