Bất động sản

Cao tốc Bắc Nam: 1.372km, 314 ngàn tỷ đồng!

Cao tốc Bắc Nam: 1.372km, 314 ngàn tỷ đồng!

Cao tốc Bắc - Nam dài khoảng 1.372km, nối liền nút giao Cao Bồ (Nam Định) đến nút giao Dầu Giây (Đồng Nai).

Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Thủ tướng Chính phủ thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Theo Tờ trình, dự án có chiều dài khoảng 1.372km, điểm đầu tại nút giao Cao Bồ (Nam Định), điểm cuối tại nút giao Dầu Giây (Đồng Nai).

Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 314.117 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn phân kỳ dự kiến đầu tư khoảng 244.994 tỷ đồng, gồm nguồn vốn Nhà nước khoảng 96.595 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư khoảng 148.399 tỷ đồng. Tiếp đó, giai đoạn hoàn thiện dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 69.123 tỷ đồng.

Về nguồn vốn cho dự án này, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến xây dựng 3 phương án đầu tư tương ứng với 3 cấp độ góp vốn từ Nhà nước. Phần vốn còn lại sẽ được huy động từ các nguồn vốn xã hội hóa.

Phương án 1, Nhà nước đầu tư khoảng 41.414 tỷ đồng, sẽ đầu tư cao tốc với chiều dài khoảng 467km, gồm các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Vinh (Nghệ An); đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - Túy Loan (Đà Nẵng) theo hình thức BT, đoạn Phan Thiết (Bình Thuận) - Dầu Giây (Đồng Nai).

Phương án 2, Nhà nước đầu tư khoảng 63.000 tỷ đồng, sẽ đầu tư với chiều dài khoảng 916km, gồm các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Vạn Ninh (Quảng Bình), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - Túy Loan (Đà Nẵng) theo hình thức BT và đoạn Nha Trang - Dầu Giây (Đồng Nai). 

Phương án 3, Nhà nước đầu tư khoảng 70.000 tỷ đồng, sẽ đầu tư với chiều dài khoảng 1.015km, gồm các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Vạn Ninh (Quảng Bình); đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - Túy Loan (Đà Nẵng) theo hình thức BT (Xây dựng – Chuyển giao) và đoạn Tuy Hòa (Phú Yên) - Dầu Giây (Đồng Nai).

Mặc dù nêu lên 3 phương án song theo Bộ Giao thông Vận tải, để phù hợp nhu cầu vận tải đến năm 2020 và cân đối vốn bố trí cho các dự án cấp thiết, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị đầu tư theo phương án 1, tức là vốn trái phiếu Chính phủ phân bổ cho dự án khoảng 41.414 tỷ đồng.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về chuẩn bị đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Thông báo kết luận nêu rõ, đây là dự án quan trọng quốc gia, vì vậy cần thực hiện bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Mục tiêu chính của dự án là hình thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đáp ứng năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn; kết nối các trung tâm kinh tế, xã hội từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh, qua 20 tỉnh, thành phố; kết nối các Khu kinh tế, Khu công nghiệp, cảng biển nhằm phát triển kinh tế - xã hội những khu vực có đường cao tốc chạy qua nói riêng và cả đất nước nói chung; giảm thiểu áp lực và khai thác có hiệu quả hơn tuyến Quốc lộ 1; phù hợp với nguồn lực của đất nước, định hướng quy hoạch phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông vận tải.

Để bảo đảm tiến độ triển khai Dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định Dự án theo quy định. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng, các thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành theo quy định, mời thêm các chuyên gia có kinh nghiệm về kinh tế, kỹ thuật.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tư vấn chủ động lập các dự án đầu tư thành phần để triển khai xây dựng ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư toàn tuyến.

Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoàn thiện cơ chế đặc thù, trong đó có cơ chế huy động vốn đầu tư xã hội hóa, trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt theo thẩm quyền.

Tin mới lên