Bất động sản

Chủ tịch HBC: Nợ đọng xây dựng của chúng tôi không lớn

(VNF) – Ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) - cho biết khoản nợ đọng xây dựng của đơn vị chỉ chiếm vài % của tổng doanh thu nên không đáng ngại.

Chủ tịch HBC: Nợ đọng xây dựng của chúng tôi không lớn

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Trao đổi với VietnamFinance bên lề Hội thảo chuyên đề "Nợ đọng xây dựng cơ bản – Biện pháp tháo gỡ và hướng giải quyết" tổ chức sáng 28/6 tại Hà Nội, ông Lê Viết Hải cho biết nợ đọng xây dựng của HBC hiện nay chỉ vào khoảng 300 – 400 tỷ đồng, bằng 3,7% tổng doanh thu (năm 2016, doanh thu thuần của HBC là 10.766 tỷ đồng).

Ông Hải cho rằng Hòa Bình vẫn đang kiểm soát tốt các rủi ro. "Thứ nhất, chúng tôi chọn chủ đầu tư khá kĩ, đánh giá năng lực tài chính của họ thông qua nhiều kênh thông tin, đặc biệt là thông tin từ phía ngân hàng. Bởi một khi ngân hàng đã cho vay thì tính khả thi của dự án, năng lực của chủ đầu tư đã được họ kiểm chứng.

"Hai là các hợp đồng xây dựng của Hòa Bình đều là thanh toán hàng tháng, không có chuyện xây xong mới trả. Lại thêm hợp đồng đều có quy định phạt lãi suất nếu thanh toán chậm nên các chủ đầu tư hầu như không dám chậm. Thêm vào đó, quyền của nhà thầu là có thể ngừng thi công nếu chủ đầu tư ngừng thanh toán. Do vậy, Hòa Bình chưa bao giờ để nợ đọng xây dựng quá lớn. Chúng tôi kiểm soát theo từng dự án khá chặt chẽ", ông Hải khẳng định.

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình: Nợ đọng xây dựng của chúng tôi không lớn ảnh 1

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình có mức tăng trưởng ấn tượng trong những năm qua

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2017, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình có tổng tài sản 12.888 tỷ đồng, trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn lên tới 7.999 tỷ đồng (chiếm 62%). Tổng nợ phải trả là 10.930 tỷ đồng, gấp 5,5 lần vốn chủ sở hữu (1.957 tỷ đồng). Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lên đến 3.430 tỷ đồng, gấp 1,9 lần vốn chủ sở hữu. Đây là con số khá cao đối với các doanh nghiệp xây dựng – bất động sản, tiềm ẩn những rủi ro tài chính.

Giải thích về việc sử dụng đòn bẩy cao như trên, ông Lê Viết Hải cho biết vốn chủ sở hữu của Tập đoàn hiện nay tập trung vào việc đầu tư trang thiết bị máy móc và góp vốn vào một số dự án, do vậy, vốn lưu động phải dựa vào ngân hàng.

"Để thực hiện một dự án, vốn tự có của nhà thầu chỉ khoảng 20%, dùng để mua vật tư và trả tiền nhân công. Chủ đầu tư có tạm ứng song không đủ nên khoản tiền nhà thầu bỏ ra là khá lớn. Chủ đầu tư lại có thời hạn 2 tháng sau khi hoàn tất công trình mới thanh toán - 2 tháng là mất xấp xỉ 20% giá trị hợp đồng - thành ra vốn ngắn hạn cho hoạt động phải đi vay.

"Để có 10.000 tỷ đồng doanh thu thì phải vay 2.000 tỷ đồng cho vốn đấy. Cái đó nằm trong khối lượng dở dang là chủ yếu; có thêm tiền bảo lãnh, tiền bảo hành công trình chủ đầu tư cũng giữ lại. Thông thường tiền bảo hành công trình có thể thay thế bằng bảo lãnh nhưng nhiều chủ đầu tư lại giữ bằng tiền mặt. Thời gian giữ lên đến 2 năm nên nếu một công trình họ giữ 5% thì cái khoản vốn mình ứng ra cho công trình đó trong một năm tương đương 10%. Chính những khoản đấy đẩy vốn vay của công ty lên cao", ông Hải nói.

Ông Hải cũng cho biết, hiện Hòa Bình đang hợp tác tín dụng với các ngân hàng BIDV, Vietinbank, HSBC, Vietcombank, Techcombank…

Trả lời về kế hoạch 6 tháng cuối năm, ông Hải cho hay Tập đoàn vẫn đang tổng kết kết quả kinh doanh 2 quý đầu năm. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh nhiều khả năng Hòa Bình sẽ đạt được kế hoạch năm đã được đề ra tại Đại hội cổ đông hồi tháng 4 (doanh thu thuần 16.000 tỷ đồng, tăng 48,6% so với năm 2016; lợi nhuận ròng 828 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2016).

Tin mới lên