Bất động sản

Có nên phá dỡ nhà hàng Nắng sông Hồng?

(VNF) - Biến vùng đất trũng đầy rác thải thành khu du lịch sinh thái, tạo công ăn việc làm cho hơn 200 lao động, trong khi việc xây dựng lại không làm ảnh hưởng đến vùng thoát lũ… đó là những giải trình của CTCP Nắng sông Hồng gửi đến lãnh đạo thành phố Hà Nội để xin không phá dỡ nhà hàng.

Có nên phá dỡ nhà hàng Nắng sông Hồng?

Cổng chào nhà hàng Nắng sông Hồng

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Nắng sông Hồng – chủ đầu tư Khu sinh thái Làng văn hóa Du lịch và Ẩm thực Nắng Sông Hồng – nhà hàng Nắng sông Hồng được xây dựng năm 2013 trên phần đất rộng 5,3 ha thuộc phường Bồ Đề, quận Long Biên, theo phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế được UBND quận Long Biên phê duyệt.

Đầu năm 2014, căn cứ trên các quyết định phê duyệt phương án và kết quả đấu thầu, UBND quận Long Biên đã chấp thuận cho CTCP Nắng sông Hồng được kinh doanh nhà hàng với thời hạn 5 năm. Tuy nhiên, tháng 8/2014, UBND quận Long Biên đột ngột hủy kết quả đấu thầu, rút thời gian cho thuê đất xuống còn 1 năm.

Nguyên nhân là khu đất xây dựng nhà hàng nằm trong vùng điều chỉnh phân lũ đang chờ phê duyệt, do đó chưa có cơ sở để triển khai.

Dù sau đó đã gửi nhiều công văn giải trình và kiến nghị song CTCP Nắng sông Hồng vẫn bị buộc dừng các hoạt động kinh doanh, khai thác mặt bằng tại khu vực bãi sông Hồng; đồng thời phải tự phá dỡ các công trình sai phạm và bàn giao mặt bằng cho UBND phường Bồ Đề quản lý.

Xây dựng nhà hàng không ảnh hưởng đến việc thoát lũ?

Theo giải trình của CTCP Nắng sông Hồng gửi lên Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, với cốt cao độ 11,5m, sau khi thủy điện Hòa Bình đi vào hoạt động khu vực này hàng chục năm nay không còn bị lũ hay ngập lụt.

Cũng sau khi hai thủy điện Hòa Bình và Sơn La vận hành, Bộ NN&PTNN đã lập lại quy hoạch vùng phân lũ và đề xuất xin Thủ tướng phê duyệt. Tháng 2/2016, Thủ tướng đã ra Quyết định 257/QĐ-TTg, theo đó khu vực phường Bồ Đề (nơi Nắng sông Hồng đang tọa lạc) nằm ngoài vùng phân lũ và được phép xây dựng công trình.

Dù thừa nhận có một số sai phạm trong xây dựng, song CTCP Nắng sông Hồng cho rằng các sai phạm này không lớn, trên thực tế không ảnh hưởng đến việc thoát lũ sông Hồng. Các cơ quan chức năng đã nghiêm khắc kiểm tra và yêu cầu không để phát sinh sai phạm.

Công ty cũng đã có những giải trình và cam kết tự nguyện, tự túc tháo dỡ khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích an ninh quốc phòng hoặc quy hoạch chung của Thủ đô.

Biến khu đổ rác thành khu du lịch sinh thái

Công văn giải trình của CTCP Nắng sông Hồng cho biết, khu đất Nắng Sông Hồng đang đầu tư trước đây là bãi trũng, nơi đổ trộm phế thải, khai thác trộm đất màu.

Hàng núi rác thải, phế thải đã được hình thành bất hợp pháp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan và ô nhiễm trầm trọng nước ngầm của khu vực, vì đây là nơi xây dựng giếng nước Việt Nhật của Công ty Nước sạch Hà nội phục vụ cho sinh hoạt của người dân. Đây đồng thời cũng là nơi tụ tập của các đối tượng xã hội phức tạp gây mất an ninh trật tự khu vực.

Nhờ những nỗ lực của chính quyền, công ty và người dân qua 20 năm, khu bãi rác thải ô nhiễm, tụ điểm tệ nạn xã hội đã trở thành khu sinh thái khang trang sạch đẹp, góp phần chỉnh trang cảnh quan đô thị đôi bờ sông Hồng, chấm dứt nạn đổ trộm phế thải rác thải, giảm ô nhiễm môi trường, cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Ngoài ra, việc xây dựng nhà hàng còn giúp khai thác hiệu quả quỹ đất và đóng góp cho nguồn thu ngân sách, giải quyết công việc cho hơn 200 lao động địa phương.

Do đó, CTCP Nắng sông Hồng xin được giữ nguyên trạng công trình và tiến hành xin giấp phép xây dựng theo đúng các quy định của pháp luật.

Trước đó, như đã thông tin, ngày 10/5/2016, UBND quận Long Biên ra công văn số 698/UBND-KT về việc xử lý sai phạm của nhà hàng Nắng sông Hồng (306A phố Phú Viên, phường Bồ Đề, Long Biên).

Công văn nêu rõ: UBND quận Long Biên yêu cầu Công ty cổ phần Nắng sông Hồng dừng ngay các hoạt động kinh doanh, khai thác mặt bằng tại khu vực bãi sông Hồng; tự phá dỡ các công trình sai phạm và bàn giao mặt bằng cho UBND phường Bồ Đề quản lý xong trước ngày 30.6.2016. UBND phường Bồ Đề có trách nhiệm giám sát, đôn đốc, thu hồi mặt bằng..., báo cáo UBND quận kết quả thực hiện trước ngày 10/7/2016.

Tin mới lên