Bất động sản

Có nên xây dựng khách sạn cạnh Hồ Gươm?

Nhiều ý kiến cho rằng dự án xây dựng khách sạn cạnh Hồ Gươm cần cân nhắc để làm hài hòa giữa nhiều lợi ích và tạo nét đẹp cho vùng di tích đặc biệt Bờ Hồ Hoàn Kiếm.

Có nên xây dựng khách sạn cạnh Hồ Gươm?

Xây dựng khách sạn cạnh Hồ Gươm cần đảm bảo có phương án về giao thông. Ảnh: tuoitre

Mới đây thành phố Hà Nội đã đồng ý chủ trương cho dự án đầu tư xây dựng công trình khách sạn Intimex, tại số 22-32 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, đồng thời yêu cầu phương án kiến trúc xây dựng công trình phải đảm bảo phù hợp những quy định về quy hoạch và bảo tồn.

Cũng theo UBND Tp. Hà Nội, việc cho phép xây khách sạn ngay sát mặt hồ Gươm nhằm tạo điểm nhấn cho khu vực này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các phương án cần cân nhắc thận trọng, kỹ càng làm sao hài hòa giữa nhiều lợi ích như kinh tế, văn hóa, du lịch, kiến trúc xây dựng và tạo nét đẹp cho vùng di tích đặc biệt Bờ Hồ Hoàn Kiếm.

Giải quyết xung đột giao thông

Hồ Gươm là đất vàng, một di tích quốc gia đặc biệt, ghi nhiều dấu mốc lịch sử, nên mọi việc tác động đến kiến trúc, cảnh quan quanh khu vực hồ Gươm đều được cơ quan chức năng, nhà chuyên môn quan tâm cho ý kiến.

Mới đây nhất, về dự án khách sạn nói trên, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội khuyến cáo về hình thức kiến trúc, giá trị mỹ thuật của công trình, thể hiện sự quan tâm đến giá trị cảnh quan kiến trúc đặc biệt của hồ Gươm.

Theo Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, quan điểm của hội là làm sao kiến trúc của khách sạn phải ăn nhập với kiến trúc chung của hồ Hoàn Kiếm, tức là kiến trúc nhỏ, vì bản thân ở đấy các công trình xung quanh hồ Hoàn Kiếm là công trình nhỏ, nó sẽ không được cao tầng và không có khối tích lớn, mang tính chất lấn át, bởi hồ Gươm mang một không gian vừa phải đẹp mắt.

Chính vì thế ông Phạm Thanh Tùng cho rằng, khi xây dựng khách sạn phải hài hòa kiến trúc, không được biến nó thành một khối như bức tường, dù bức tường được làm bằng kính, hay vật liệu gì thì vẫn là bức tường. Với bức tường mà lại dài vài chục mét như thế, lại cao sẽ tạo một cái sự là phản cảm về thị giác. Trong khi vỉa hè đường Lý Thái Tổ rất là nhỏ, nên phải đặc biệt quan tâm tới kiến trúc.

Khi phóng viên đặt vấn đề về việc nếu mọc lên một công trình khách sạn ngay sát mặt hồ Gươm thì liệu có tạo nên một sự xung đột về giao thông, nhất là khi Hà Nội đang có cái quy hoạch biến những khu vực quanh hồ Gươm trở thành những phố đi bộ, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng bày tỏ, làm khách sạn nhiều phòng cạnh hồ Gươm sẽ thu hút lượng khách lớn đến lưu trú; diễn ra nhiều hoạt động hội thảo, hội diễn... sẽ có thể dẫn tới ách tắc đường Lê Thái Tổ.

Chính vì thế, Sở Kiến trúc và Quy hoạch Hà Nội và chính quyền Thủ đô phải suy nghĩ phải có phương án đảm bảo giao thông khi quyết định cho xây dựng khách sạn Intimex.

Qua tiếp xúc với giới kiến trúc sư đều cho rằng, giờ đây điều quan tâm nhất hiện nay là việc xây dựng khách sạn Intimex như thế nào cạnh hồ Gươm. Bởi lẽ, khi thành phố Hà Nội đã quyết định cho phép xây dựng đã đảm bảo tính pháp lý.

Nhưng dù thế nào cũng cần phải làm cho hồ Gươm đẹp hơn, chứ không thể xây dựng công trình, để rồi làm phá vỡ cảnh quan, tạo xung đột giao thông.

Hài hòa giữa đẹp và lợi

Theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội, việc xây dựng các công trình kinh doanh thương mại là điều bình thường. Nhưng cần chú ý vì vỉa hè khu vực đó nhỏ nên phải làm thế nào để vừa có bóng mát, vừa đảm bảo an toàn cho người đi bộ, vừa tạo cảnh quan hài hòa với khu vực xung quanh hồ Gươm.

Đặc biệt, là chiều cao của công trình phải được xem xét, nghiên cứu kỹ, không để ảnh hưởng đến cảnh quan chung của khu vực hồ Gươm.

"Hài hòa giữa lợi ích kinh tế với lịch sử, văn hóa là rất đáng lưu tâm khi xây dựng khách sạn Intimex tại 22 - 32 Lê Thái Tổ. Cho dù thế nào đi chăng nữa thì Hà Nội cũng chỉ có một hồ Gươm. Vì thế người có trách nhiệm của thành phố phải cân nhắc nghiêm túc mọi yếu tố khi quyết định xây khách sạn cạnh hồ Gươm". - Kiến trúc sư Trần Huy Ánh bày tỏ quan điểm.

Việc xây dựng khách sạn cạnh Hồ Gươm cần hài hòa lợi ích giữa kinh tế và lịch sử. Ảnh: TTXVN

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, hiện chưa có quy hoạch chi tiết khu vực hồ Gươm vì đang phải chờ quy hoạch phân khu. Tuy nhiên, mọi hoạt động xây dựng quản lý ở đây được áp dụng theo quy chế, quản lý phố cũ, phố cổ, quy chế bảo vệ hồ Gươm.

Việc xây dựng công trình khách sạn cao 6 tầng đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội xem xét kỹ lưỡng các cơ sở, căn cứ của pháp luật cho phép chiều cao tối đa của công trình. Với mặt khách sạn tiếp giáp với đường chính quy định chiều cao 16 mét, tuy nhiên chủ đầu tư cũng chỉ có kế hoạch xây dựng có 12 mét nhằm đảm bảo hài hòa với cảnh quan kiến trúc xung quanh.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Nguyễn Thế Hùng giao các sở Quy hoạch - kiến trúc, Kế hoạch - đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Văn hóa - Thể thao, Du lịch, UBND quận Hoàn Kiếm và các đơn vị có liên quan tạo điều kiện giúp nhà đầu tư thực hiện hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và kế hoạch khởi công xây dựng công trình trong tháng 9/2016.

UBND TP cũng đề nghị Công ty cổ phần Intimex Việt Nam (chủ đầu tư dự án) chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở ngành của thành phố để tổ chức thực hiện dự án đúng tiến độ và quy định của pháp luật.

Như vậy đã rõ, việc xây dựng khách sạn là không thay đổi, nhưng dư luận Thủ đô đòi hỏi nhà chức trách của thành phố cần cân nhắc giữa hai yếu tố: cái đẹp và cái lợi vì hồ Gươm chỉ có một.

Tin mới lên