Bất động sản

Doanh nghiệp ‘dở khóc dở cười’ với nhà ở xã hội

(VNF) - Dự án nhà thương mại phải trích 20% quỹ đất để làm nhà ở xã hội, còn dự án nhà ở xã hội được trích 20% để bán thương mại. Những tưởng quy định này sẽ mang lại lợi ích cho chủ đầu tư và người mua nhà, nhưng lợi đâu chưa thấy, chỉ thấy dở khóc dở cười.

Doanh nghiệp ‘dở khóc dở cười’ với nhà ở xã hội

Nhiều quy định liên quan đến nhà ở xã hội đang khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh dở khóc dở cười

Không bán được nhà vì ngân hàng không bảo lãnh

Theo quy định tại Điều 9, Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (NƠXH), chủ đầu tư dự án NƠXH được dành 20% tổng diện tích đất để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại (bao gồm cả thấp và cao tầng).

Trong trường hợp không bố trí quỹ đất riêng để xây dựng được thì chủ đầu tư được phép dành 20% tổng diện tích sàn nhà ở của dự án đó để bán, cho thuê, cho thuê mua theo giá kinh doanh thương mại.

Đây là điều khoản được đặt ra nhằm góp phần làm giảm giá bán, giá cho thuê và chi phí vận hành NƠXH cho người mua nhà, đồng thời bù đắp chi phí làm hạ tầng, cân đối lợi ích cho chủ đầu tư.

Quy định "nhân văn" là vậy, nhưng hiện nay doanh nghiệp không bán nổi phần 20% ưu đãi đó. Lý do là vì ngân hàng không chịu bảo lãnh.

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Địa ốc Hoàng Quân than thở "Không một ngân hàng nào đồng ý bảo lãnh cái 20% đó cả. Họ nói nếu bảo lãnh thì bảo lãnh cả dự án, không thì thôi. 80% căn hộ NƠXH chúng tôi bán cái hết liền nhưng 20% căn hộ thương mại thì đành chịu vì không có bảo lãnh. Tại sao 80% căn hộ NƠXH được luật cho phép không cần bảo lãnh mà 20% kinh doanh thương mại này lại yêu cầu"?

Là doanh nghiệp có 15 dự án NƠXH, cung cấp khoảng 15.000 căn hộ ra thị trường, nếu làm một phép chia đơn giản, thì có tới 3000 căn hộ thương mại của Hoàng Quân đang "nằm chờ" được bảo lãnh để bán. Trong khi lợi nhuận làm dự án NƠXH chỉ có 10% thì việc 20% căn hộ bị "ngâm" như vậy gây ra thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp.

Ở một khía cạnh khác, ông Tạ Văn Tố, Tổng giám đốc Ceogroup chỉ ra rằng, dù có thể bán được nhà nhưng hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn thủ tục cụ thể trong việc cấp sổ đỏ cho cư dân. Điều này dẫn tới tâm lý e ngại của khách hàng khi tiếp cận với các căn hộ thương mại này.

Đội giá đất vì phải cắt 20% cho NƠXH

Ở chiều ngược lại với quy định dành 20% quỹ đất NƠXH cho kinh doanh thương mại, Điều 5, Nghị định 100 quy định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại (không phân biệt quy mô diện tích) phải cắt 20% tổng diện tích đất để dành xây dựng NOXH. Trong trường hợp không có quỹ đất thì chủ đầu tư phải chuyển giao quỹ nhà ở có giá trị tương đương hoặc nộp tiền bằng với giá trị quỹ đất.

Đây là quy định được đưa ra nhằm cân đối cung cầu trên thị trường bất động sản, vốn luôn thiếu hụt nguồn cung NƠXH. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, quy định này đang tạo ra những trói buộc gây thiệt hại cho thị trường.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc GPInvest phân tích "Trong trường hợp dự án đã phải cắt 20% quỹ đất để làm trường học (tức là không có kinh doanh) thì nên thôi 20% cho NƠXH. Hiện nay chưa có hướng dẫn về cái này nên Sở Tài nguyên, Sở Kế hoạch vẫn thu, mà nếu thu như thế thì vô hình trung giá đất sẽ bị tăng lên 20% nữa.

Doanh nghiệp bất động sản vừa phải chi tiền hỗ trợ cho đơn vị giải phóng mặt bằng, vừa trả tiền theo đơn giá nhà nước, lại cộng thêm 20% chi phí cho NƠXH nữa thì giá đất vô cùng cao".

Đồng quan điểm, bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC cho rằng cần xem xét lại quy định cắt 20% cho NƠXH. "Chúng tôi xây một tòa chung cư vẫn phải để lại 20%, như vậy xây 30 tầng thì mất 6 tầng, trong khi đó để bán được cũng rất khó khăn và mất thời gian. Vì thế, tôi kiến nghị vấn đề này nên được áp với từng loại dự án và với từng địa phương khác nhau", bà Dung nói.

Tin mới lên