Bất động sản

Hà Nội chuẩn bị vận hành tuyến buýt nhanh đầu tiên

Sở GTVT Hà Nội vừa có thông báo về phương án tổ chức, điều hành giao thông khi đưa tuyến buýt nhanh BRT vào hoạt động.

Hà Nội chuẩn bị vận hành tuyến buýt nhanh đầu tiên

Nhà chờ xe buýt nhanh ở Hà Nội.

Theo đó, đối với các đoạn tuyến (Ba La - Yên Nghĩa và Giang Văn Minh - Kim Mã - Giảng Võ), thực hiện phương án tổ chức giao thông hỗn hợp cho BRT đi chung với các phương tiện khác như trong thiết kế kỹ thuật được duyệt. 

Đối với các đoạn tuyến phân làn BRT đi riêng như đoạn Ba La - nút giao Giảng Võ - Cát Linh, sẽ tổ chức phân làn bằng vạch sơn liền kết hợp đinh phản quang, trong đó bố trí tăng dày đinh phản quang tại các đoạn nhà chờ.

Trong khi đó, đối với các điểm quay đầu do liên ngành kiến nghị đóng, yêu cầu thực hiện phương án đóng tạm thời để đảm bảo linh hoạt tổ chức giao thông sau này, trừ điểm quay đầu trước cổng Triển lãm Giảng Võ, thực hiện đóng cố định để thi công cầu thang bộ, cầu đi bộ và lối đi tiếp cận nhà chờ; điều chỉnh lại điểm quay đầu tại khu vực này nhằm bảo đảm an toàn, thuận tiện giao thông. 

Sở GTVT Hà Nội cũng yêu cầu Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị phối hợp với  TCT Vận tải Hà Nội trình phương án vận hành tuyến BRT và việc điều chỉnh các tuyến buýt có liên quan bảo đảm việc kết nối thuận tiện giữa buýt BRT và các tuyến buýt khác trong khu vực.

Theo kế hoạch, tuyến buýt BRT sẽ đưa vào vận hành thí điểm trước ngày 15/12. Trên cơ sở thí điểm, liên ngành thành phố sẽ tiếp tục đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. 

Tuyến buýt nhanh thí điểm đầu tiên của Hà Nội là Kim Mã - Yên Nghĩa khởi công đầu năm 2013, dự kiến ban đầu khai thác vào quý II/2015 nhưng đã chậm tiến độ hơn một năm.

Tuyến buýt chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã. Theo tính toán của đơn vị quản lý, xe buýt nhanh di chuyển cả chặng Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14 km sẽ mất khoảng 30 phút, thay vì mất hơn một giờ như xe buýt thường hiện nay.

Với tần suất 3-5 phút/chuyến, công suất vận chuyển 90 khách, có 4 cửa ra vào, tốc độ di chuyển 22 km/h, các xe đều có hệ thống GPS kết nối Trung tâm để giải quyết sự cố phát sinh. Tại nút giao thông có hệ thống tích hợp với đèn tín hiệu để ưu tiên xe buýt nhanh qua nút.

Tổng đầu tư của dự án gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện... là 55 triệu USD (trên 1.100 tỷ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, trong đó Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng.

Tin mới lên