Bất động sản

Một công ty đề xuất lấp hồ Thành Công xây nhà tái định cư

(VNF) – Một doanh nghiệp mới đây đã đề xuất lấp 1ha hồ Thành Công để lấy đất xây nhà tái định cư cho các hộ dân đang sống tại chung cư Thành Công cũ (thuộc diện cải tạo).

Một công ty đề xuất lấp hồ Thành Công xây nhà tái định cư

Đề xuất này được đưa ra tại một hội thảo về cải tạo chung cư cũ được tổ chức mới đây tại Hà Nội. Ngay khi đề xuất được đưa ra, cả hội trường cười ồ lên, song vị đại diện này khẳng định: phương án được nhiều các hộ dân chấp thuận, bởi họ không phải rời đi tạm cư nơi khác, lại tận mắt chứng kiến nhà tái định cư được xây dựng như thế nào. 

"Khi người dân đồng ý chuyển sang nhà tái định cư tại chỗ, chủ đầu tư mới tính phương án cải tạo chung cư cũ, mà không mất nhiều thời gian cho việc giải phóng mặt bằng, đền bù", vị này nói.

Cũng theo ý kiến của vị đại diện trên, phương án cải tạo chung cư cũ trên đất vàng chỉ cho phép xây tối đa 24 tầng là chưa hợp lý bởi chủ đầu tư chắc chắn không thể cân đối tài chính để thực hiện. "Nếu chỉ cho xây nhà 24 tầng lại cộng thêm các tầng hầm thì đổi lại phải cho chủ đầu tư chúng tôi quỹ đất đối ứng, nhưng phương án này khá khó khăn".

Do đó, đại diện công ty này đề xuất phương án 2 bao gồm các điều kiện: Một là chấp nhận tái định cư tại chỗ hiện hữu 100%; diện tích căn hộ tối thiểu 45m2; giữ lại các công trình tiện tích của khu chung cư, cải tạo khu đô thị xanh mật độ dân cư thấp. 

Hai là đề nghị xây khối nhà tái định cư tối thiểu 24 tầng nhưng có điểm nhấn, cho nâng cao tối đa 45 tầng đối với khối nhà thương mại; cho phép mở rộng ranh giới quy hoạch để có biện pháp thi công tốt nhất, có quỹ đất sạch làm nhà tái định cư…

Trước các đề xuất trên, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nhận định: "Có những đề xuất mà ngay cả Thành phố cũng không dám quyết, cụ thể ở đây là lấp 1 ha hồ Thành Công làm nhà cho dân, mặc dù chủ đầu tư nói sẽ đào thêm hồ chỗ khác. Tuy nhiên, qua đề xuất này cũng nảy ra cơ chế xác định vị trí tái định cư cho người dân xem trước. Nếu người dân đồng ý sẽ xây ngay nhà tái định cư, sau đó mới phá chung cư cũ và làm tiếp các hạng mục khác. Như vậy người dân có nhà về ở luôn, không phải đi nơi khác", ông Hùng nói.

Vihajico đề xuất lấp hồ Thành Công xây nhà tái định cư ảnh 1

Cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội hiện nay gặp nhiều vướng mắc

Được biết, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có gần 1.300 chung cư cũ tại 76 khu và 306 khu chung cư độc lập có quy mô 2-5 tầng. Các khu này đều được xây dựng từ những năm 1960 đến 1990, phân bố chủ yếu ở 4 quận nội đô và đa số đều hết niên hạn sử dụng.

Từ năm 2003, thành phố đã giao nhiệm vụ cho các nhà đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác điều tra xã hội học, xây dựng nhiệm vụ thiết kế, quy hoạch tại 26 khu chung cư tập trung và 67 nhà chung cư độc lập.

Tuy nhiên, đến nay mới có 14 chung cư cũ được xây dựng mới và đưa vào sử dụng, 5 chung cư cũ đang phá dỡ, triển khai xây dựng. Có 4 khu chung cư cũ nguy hiểm cấp D đang tổ chức di dời nhưng chưa có phương án xây dựng lại.

Tại hội thảo về cải tạo chung cư cũ do Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức mới đây, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tiến trình cải tạo. Ông Nguyễn Trần Nam, chủ tịch VnREA cho rằng cần linh động cho phép tăng mật độ dân số ở mức độ nhất định bằng cách cho phép tăng chiều cao (số tầng) của dự án. Mặt khác, có thể chuyển dự án cải tạo chung cư cũ thành dự án trung, cao cấp để tận dụng vị trí, bù đắp chi phí tài chính mà không tăng mật độ dân số quá cao.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại cho rằng việc quy hoạch cải tạo, tái thiết chung cư cũ cần tôn trọng quy hoạch chung của thành phố, tránh "băm nát" thêm bộ mặt đô thị của Hà Nội.

Tin mới lên