Bất động sản

Vẫn trái chiều quan điểm 'phát triển - bảo tồn' tại bán đảo Sơn Trà

(VNF) - Đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nói diện tích bê tông hóa tại Sơn Trà chỉ như "đồng xu trên mặt bàn" trong khi đại diện Hiệp hội du lịch Đà Nẵng bảo lưu quan điểm bảo tồn, hạn chế xây dựng.

Vẫn trái chiều quan điểm 'phát triển - bảo tồn' tại bán đảo Sơn Trà

Thành phố Đà Nẵng đã cấp phép cho 18 dự án tại Sơn Trà trước khi có quy hoạch phát triển khu du lịch quốc Sơn Trà

‘Sự hiện diện của bê tông ở Sơn Trà là không đáng kể’

Phát biểu tại Tọa đàm "Phát triển du lịch bền vững tại khu du lịch quốc gia Sơn Trà" do Bộ Văn hóa, thể thao & du lịch tổ chức sáng nay tại Hà Nội, ông Hoàng Đạo Cầm, đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nói các tính toán cho thấy đến năm 2030, Sơn Trà sẽ đón 4,6 triệu lượt khách.

Trong đó, khách du lịch sinh thái (leo núi, dã ngoại) 60.000, khách đi xe đạp 180.000, khách lưu trú 300.000 cùng một lượng lớn khách du lịch tâm linh. Nhu cầu lưu trú của thị trường này ước tính vào khoảng 1.600 buồng khách sạn. 

Trong phương án tổ chức không gian hoạt động du lịch trên bán đảo Sơn Trà, ông Cầm cho hay Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã đưa ra 5 nguyên tắc trong quy hoạch Sơn Trà. Đó là: bảo vệ tối đa cảnh quan môi trường, bố trí khu chức năng phù hợp với nhiệm vụ an ninh quốc phòng, không phát triển các khu nghỉ dưỡng sát nhau để tránh hình thành các tuyến phố resort, không tổ chức các tuyến giao thông cơ giới khép kín và quy hoạch công trình kiến trúc hài hòa với thiên nhiên.

"Đây là căn cứ quan trọng để chúng tôi bố trí các khu chức năng du lịch với ranh giới khu bảo tồn thiên nhiên trên bán đảo Sơn Trà. Tất cả các khu chức năng chính đều nằm ngoài ranh giới này để đảm bảo vấn đề môi trường sống cho các loài động vật hoang dã", ông Cầm nhấn mạnh.

 ‘Diện tích xây dựng khách sạn tại Sơn Trà chỉ như đồng xu trên mặt bàn’ ảnh 1

Quy hoạch cho xây 5 khu nghỉ dưỡng, 1 khu biệt thự trên bán đảo Sơn Trà

Cũng theo ông Cầm, trong quy hoạch Sơn Trà, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã đề xuất phương án tổ chức không gian du lịch với các phân khu chức năng Sơn Trà dựa trên 3 điểm đầu mối đón tiếp gồm: Bãi Bụt – điểm đón chính cho các tuyến phía nam, Tiên Sa – phục vụ khách du lịch khu vực cảng Tiên Sa và Trung tâm du lịch sinh thái và diễn giải môi trường.

Để phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch, Viện đề xuất phát triển cụm nghỉ dưỡng xung quanh bán đảo Sơn Trà với 5 khu nghỉ dưỡng và 1 khu biệt thự với quy mô khác nhau. Các cụm phía nam sẽ có số lượng buồng phòng cao hơn phía bắc. Diện tích các khu chức năng dự kiến khoảng 553ha, số buồng dự kiến khoảng 1.600. 

"Diện tích xây dựng các buồng khách sạn và công trình phụ trợ chỉ là 12,8ha, so với tổng diện tích xây dựng các khu chức năng (553ha) chỉ như 1 đồng xu đặt trên mặt bàn. Hơn nữa, cái 12,8ha này cũng không tập trung một chỗ mà được bố trí rải rác. Như vậy sự hiện diện của bê tông, của các công trình xây dựng tại Sơn Trà là gần như không đáng kể", ông Cầm nói.

‘Chúng tôi không chọn bao nhiêu phòng, chúng tôi chọn giữ Sơn Trà’

Nhấn mạnh Sơn Trà là lá phổi xanh, là tai mắt của thành phố Đà Nẵng, ông Huỳnh Tấn Vinh, chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, nêu quan điểm: "Chúng tôi cho rằng Quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà chưa giải quyết cơ bản vấn đề đa dạng sinh học. Ngoài ra, bản quy hoạch này cũng đặt cơ sở cho các quyết định về đất đai chưa rõ ràng. 

"Các số liệu không đồng nhất, lộn xộn, khi 3.000ha, khi 5.000ha, đất đai của Nhà nước, tài sản của nhân dân đâu có thể tùy tiện thế. Khi bỏ vào rừng đặc dụng, khi lấy ra, khi để đất khác, chúng tôi đề nghị phải rà soát lại toàn bộ tài nguyên môi trường ở Sơn Trà. Chúng ta có gì ở đó, chúng ta sử dụng ra sao, chúng ta dự đoán nó sẽ biến đổi trong ngắn và dài hạn như thế nào. Chỉ khi nắm được số liệu cụ thể của Sơn Trà, chúng ta mới có thể bảo vệ Sơn Trà, trước hết là bảo vệ rồi mới sử dụng được Sơn Trà", ông Vinh nói.

Theo ông Vinh, quy hoạch tổng thể đến năm 2025, Sơn Trà sẽ đón 2,5 triệu lượt khách và có 1.600 phòng lưu trú. "Cho đến thời điểm này, Đà Nẵng đang có 22.000 phòng, chưa kể condotel, village (nếu cộng vào con số sẽ lên hơn 3 vạn). Với chừng ấy phòng, Đà Nẵng có thể đón trên 20 triệu lượt khách/năm. Năm 2016, Đà Nẵng chỉ đón 5,5 triệu lượt khách, liệu có nhất thiết phải xây thêm khách sạn và có nhất thiết phải xây trên Sơn Trà hay không? – ông Vinh đặt câu hỏi.

 ‘Diện tích xây dựng khách sạn tại Sơn Trà chỉ như đồng xu trên mặt bàn’ ảnh 2

Ông Huỳnh Tấn Vinh kêu gọi giữ nguyên trạng Sơn Trà để làm lợi cho toàn thành phố

Vị chủ tịch của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng nêu ví dụ tại đảo Phillip, chính quyền Úc làm rất tốt việc cân bằng giữa bảo tồn và khai thác kinh tế từ thiên nhiên. Tại đây, mỗi du khách phải trả 58 USD để được ngắm hoàng hôn và xem chim cánh cụt trở về từ biển cả. "Năm 2016, họ đón hơn 3 triệu lượt khách, thu về hàng triệu USD. Đấy là mô hình chúng ta nên xem xét học hỏi".

Dẫn trở lại trường hợp Sơn Trà, ông Vinh đặt giả định chia Đà Nẵng thành 2 khu vực: thành phố và bán đảo Sơn Trà. Nếu đi theo hướng của quy hoạch, việc xây dựng tại Sơn Trà sẽ phải đánh đổi về môi trường, các loài thú bị đe dọa, rạn san hô bị phá hủy. Hơn nữa, do giới hạn về không gian nên khu vực Sơn Trà chỉ hấp thụ được một lượng khách nhất định; khách đến Sơn Trà tiêu dùng trong khu vực này, tiền thu được chảy vào túi số ít doanh nghiệp. 

Còn đi theo phương án giữ nguyên trạng Sơn Trà, biến Sơn Trà thành điểm du lịch sinh thái thì du khách buộc phải nghỉ ngơi tại thành phố. Như vậy không chỉ giải quyết được điểm yếu không gian mà kinh tế toàn thành phố đều được hưởng lợi từ Sơn Trà.

"Các anh có thể thấy chiến lược của quy hoạch là sẽ có rất nhiều dự án trên Sơn Trà, là bê tông, là phá rừng, còn chiến lược thứ 2 sẽ bảo vệ được Sơn Trà. Chúng ta chọn khai thác Sơn Trà để xây khách sạn hay giữ Sơn Trà để kéo du khách đến Đà Nẵng và tham quan bán đảo?

"Một Đà Nẵng giữ được Sơn Trà với vẻ quý hiếm thì đó là điểm đến độc nhất vô nhị của Việt Nam. Nó sẽ tăng thu nhập của cộng đồng dân cư Đà Nẵng nói chung chứ không phải tăng lợi nhuân cho 1 nhóm người, cho một vài doanh nghiệp, một vài người có tiền của.

"Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi nên chọn 300 phòng, 600 phòng, 1.600 phòng hay 5.000 phòng? Chúng tôi không chọn bao nhiêu phòng. Chúng tôi chọn giữ Sơn Trà, bảo tồn nguyên vẹn vẻ tự nhiên đó để thu hút khách du lịch để báu vật Sơn Trà đó cho con em thế hệ chúng ta", ông Vinh tha thiết.

Tin mới lên