Thị trường

'Doanh nghiệp kêu cứu mà luật thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn được ban hành là có vấn đề'

(VNF) - Đây là ý kiến của ông Phạm Tuấn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính Văn phòng Chính phủ khi nói về Nghị định 108 và Thông tư 195 về thuế tiêu thụ đặc biệt mới có hiệu lực từ đầu năm nay.

'Doanh nghiệp kêu cứu mà luật thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn được ban hành là có vấn đề'

Tại Tọa đàm giữa các doanh nghiệp ngành đồ uống với cơ quan quản lý nhà nước đối với việc thực hiện các văn bản về thuế tiêu thụ đặc biệt sáng ngày 16/3, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cùng các doanh nghiệp đã đưa ra những khó khăn và kiến nghị về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) có hiệu lực từ đầu năm nay tại Nghị định 108/2015/NĐ-CP và Thông tư 195/2015/TT-BTC.

Theo đó, từ 1/1/2016, thuế suất thuế TTĐB được điều chỉnh tăng, cụ thể, đối với rượu từ 20 độ trở lên, từ ngày 1/1/2016 đến hết ngày 31/12/2016 áp dụng mức thuế suất 55%; từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 31/12/2017 mức thuế là 60% và từ ngày 1/1/2018 là 65%. Đối với rượu dưới 20 độ, từ ngày 1/1/2016 đến hết ngày 31/12/2017 mức thuế suất 30%; từ ngày 1/1/2018 là 35%.

Tương tự mặt hàng rượu, Luật Thuế TTĐB sửa đổi quy định lộ trình tăng thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng bia từ ngày 1/1/2016 đến hết ngày 31/12/2016 mức thuế 55%; từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 31/12/2017 là 60% và từ ngày 1/1/2018 là 65%.

Còn đối với thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá,  từ ngày 1/1/2016 đến hết ngày 31/12/2018 mức thuế TTĐB đối với mặt hàng này là 70% và từ ngày 1/1/2019 áp mức 75%.

Cùng với đó, giá tính thuế cũng bị chuyển đổi, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong cách tính thuế cũng như đối mặt với áp lực về doanh thu - chi phí và hoạt động sản xuất kinh doanh.

'Thời gian hiệu lực thi hành quá gấp'

Nghị định 108 và Thông tư 195 được ban hành và có hiệu lực đã gặp sự phản đối và "kêu khó" từ cộng đồng doanh nghiệp có liên quan. Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam đã tập hợp ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp và đã có văn bản chính thức gửi lên Văn phòng Chính phủ.

Theo đó, các doanh nghiệp cho rằng việc Nghị định 108 được ban hành vào ngày 28/10/2015 và Thông tư 195 được ban hành vào ngày 24/11/2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 là "quá gấp để các doanh nghiệp trong ngành đồ uống có thể kịp thời điều chỉnh các kế hoạch kinh doanh của năm 2016 vì các kế hoạch đã được xây dựng từ nhiều tháng trước đó".

"Việc này, ảnh hưởng tới các hoạt động kinh doanh của doanh và đồng thời cũng ảnh hưởng đến tính ổn định của chính sách và môi trường đầu tư của Nhà nước Việt Nam vốn đang được đánh giá là mang tính linh hoạt và khách quan", hiệp hội các doanh nghiệp đồ uống nêu ý kiến.

Do đó, nhiều doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị cần lùi thời hạn xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt vốn đã được ấn định là có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 sang thời điểm 1/1/2017 để các doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị và điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh.

'Cách xác định giá tính thuế là bất hợp lý'

Theo Luật thuế TTĐB hiện hành, giá tính thuế TTĐB "đối với hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra". Như vậy, theo nội dung quy định của Luật thì không có sự phân biệt giữa giá bán ra của cơ sở kinh doanh độc lập và cơ sở kinh doanh trong thương mại. 

Tuy nhiên, tại nội dung Nghị định và Thông tư mới này lại loại các cơ sở kinh doanh trong hệ thống thương mại ra khỏi quy định về cơ sở thương mại.

Theo đó, "giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán của cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất mặt hàng chịu thuế TTĐB bán ra nhưng không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân trong tháng của cùng loại sản phẩm do các cơ sở thương mại bán ra", và đặc biệt "cơ sở kinh doanh thương mại quy định tại điểm này là cơ sở không có quan hệ công ty mẹ, công ty con hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất".

Theo quy định này thì gia tính thuế TTĐB được dựa trên giá bán ra của công ty thương mại cuối cùng có quan hệ với công ty mẹ, công ty con, hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở sản xuất và cơ sở nhập khẩu. Đồng thời, giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân trong tháng của cùng loại sản phẩm mà các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra.

Như vậy, theo các doanh nghiệp bia rượu thì với quy định trước đây là 10%, các doanh nghiệp phân phối có quan hệ công ty mẹ - công ty con với công ty sản xuất được cho là có thể trang trải được các chi phí phân phối, hoạt động văn phòng, bán hàng,... Nhưng khi giảm xuống 7% như quy định hiện nay thì các doanh nghiệp này sẽ không thể đảm bảo được việc bù đắp chi phí kể trên dẫn đến việc giảm sút doanh thu và ngân sách đóng góp cho Nhà nước, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến chuyên môn hóa, hiệu quả trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Mức quy định là chênh lệch 7% giá không chỉ tạo ra thủ tục hành chính phức tạp, mà còn dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp có thể gặp nhiều rủi ro về thanh tra thuế, bị áp giá tính thuế, truy thu thuế,…

Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị giữ nguyên cách xác định tính giá thuế TTĐB là giá bán của cơ sở sản xuất trong cả hai trường hợp (cơ sở sản xuất bán hàng qua các cơ sở kinh doanh thương mại có quan hệ công ty mẹ, công ty con với cơ sở sản xuất và cơ sở bán hàng thông qua các cơ sở kinh doanh thương mại độc lập), đồng thời giữ nguyên mức chênh lệch 10% giá bán tại cơ sở thương mại như trước đây.

Liệu có vấn đề khi doanh nghiệp 'than khó' mà văn bản luật vẫn được ban hành?

Ông Phạm Tuấn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính Văn phòng Chính phủ cho rằng việc Nghị định 108 và Thông tư 195 vẫn được ban hành và có hiệu lực khi hàng loạt các doanh nghiệp kêu khó là "có vấn đề".

"Trước kia khi tôi còn làm luật thuế tiêu thụ đặc biệt, vấn đề được mang ra thảo luận, góp ý và ban hành suôn sẻ nhưng hiện nay văn bản mới được ban hành thì hàng loạt các doanh nghiệp ý kiến phản đối và kêu cứu. Cách làm luật hiện nay là có vấn đề", ông Khải nói.

"Đáng lẽ vấn đề phải được nói trước khi Nghị định và Thông tư ra đời nhưng Bộ Công thương, VCCI không nói hay không có tiếng nói. Nói không được phải kịp thời có kiến nghị", ông Khải nhấn mạnh.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì khẳng định rằng việc ban hành văn bản pháp lý phải tuân thủ thông lệ các nước. Điều đó có nghĩa là việc đưa ra văn bản phải có thời gian và lộ trình thay đổi phù hợp, nếu đưa ra nhanh quá có thể khiến doanh nghiệp đối diện với nguy cơ thua lỗ lớn và thậm chí rời khỏi thị trường.

Tin mới lên