Tài chính

Doanh nghiệp kêu cứu vì cổ phần hóa 'treo'

Công ty du lịch và thương mại Công đoàn Nghệ An vừa có đơn kêu cứu lên Thủ tướng vì bỗng nhiên bị dừng cổ phần hóa vô thời hạn, dù trước đó đã được cơ quan quản lý đồng ý.

Doanh nghiệp kêu cứu vì cổ phần hóa 'treo'

Việc kinh doanh khách sạn của doanh nghiệp khó khăn hơn, do sự cố môi trường biển miền Trung. Ảnh: Chí Hiếu

Theo phản ánh của doanh nghiệp này, tháng 6.2014, Tổng liên đoàn Lao động VN có thông báo gửi Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An đồng ý chủ trương cổ phần hóa Công ty TNHH MTV du lịch và thương mại Công đoàn Nghệ An (gọi tắt là Công ty du dịch thương mại Công đoàn) có trụ sở tại thị xã Cửa Lò.

Hơn 2 tháng sau đó, Tổng liên đoàn tiếp tục có quyết định thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp này và yêu cầu: xây dựng phương án cổ phần hóa, lựa chọn phương thức định giá, thẩm tra để trình Tổng liên đoàn phê duyệt giá trị doanh nghiệp…

Thực hiện các yêu cầu này, Liên đoàn Lao động tỉnh và Công ty du lịch thương mại Công đoàn đã thuê Công ty cổ phần tư vấn dịch vụ tài sản bất động sản DTAC tiến hành định giá. Báo cáo xác định giá trị doanh nghiệp sau đó đã được Ban chỉ đạo cổ phần hóa trình lên Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và xin ý kiến.

Đến tháng 6/2015, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An đã họp và thống nhất phương án bán toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp (được định giá là 12 tỉ đồng). Đến tháng 11/2015, chủ trương này tiếp tục được báo cáo về Ban đổi mới phát triển doanh nghiệp thuộc Tổng liên đoàn, để xin phê duyệt. Tuy nhiên, cuối năm 2015, Ban Tài chính của Tổng liên đoàn bất ngờ có văn bản yêu cầu tạm dừng cổ phần hóa, mà không có thời hạn.

Đến tháng 3 năm nay, theo yêu cầu mới của Tổng liên đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An đã xây dựng và báo cáo 3 kịch bản tái cơ cấu doanh nghiệp gồm: chuyển doanh nghiệp về cho Tổng liên đoàn quản lý; Bán toàn bộ vốn để thu tiền về cho Tổng liên đoàn và cuối cùng là giữ nguyên mô hình doanh nghiệp với điều kiện được vay ưu đãi khoảng 35 - 40 tỉ đồng để thanh toán nợ ngắn hạn trong tổng nợ phải trả gần 65 tỉ đồng, cũng như để có nguồn cơ cấu lại tổ chức, quản trị.

Thế nhưng, đến nay, dù doanh nghiệp liên tục có văn bản xin ý kiến và ra Hà Nội để hỏi về số phận các kịch bản, nhưng vẫn không có một câu trả lời rõ ràng.

"Chúng tôi là công ty kinh doanh khách sạn và du lịch, mỗi năm có một mùa 2 -3 tháng hè, nên người lao động gần như chỉ biết trông vào đồng lương 2 triệu/tháng. Nhưng mùa hè vừa qua, sau sự cố môi trường biển, khách du lịch đến Cửa Lò giảm sút lớn, công nhân càng khốn khó vô cùng mà vẫn không rõ tương lai doanh nghiệp ra sao. Không ai trả lời chúng tôi cả, nên đành kêu cứu lên Thủ tướng, lên Ban Đổi mới doanh nghiệp T.Ư để mong một câu trả lời dứt khoát", ông Võ Hồng Viện, Giám đốc Công ty du dịch thương mại Công đoàn Nghệ An - người gửi đơn lên Thủ tướng bức xúc.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Phan Văn Anh, Trưởng ban Tài chính của Tổng liên đoàn Lao động VN cho hay, lý do chính khiến cơ quan này yêu cầu dừng cổ phần hóa là vì lo ngại thất thoát tài sản khi định giá. "Đặc biệt là các khoản công nợ quá lớn, dẫn đến mất khả năng thanh toán, nên chúng tôi cần cho kiểm toán kiểm tra lại", ông Anh nói.

Ngoài ra, theo ông Anh, khả năng chuyển về Tổng liên đoàn theo đề xuất của doanh nghiệp cũng sẽ được xem xét. "Tuy nhiên, quan điểm của Tổng liên đoàn là chỉ giữ đơn vị nào làm ăn có lãi, còn nếu thua lỗ quá thì không có tiền đâu mà bao cấp được nên có thể bán khoán", ông Anh nói.

Tuy nhiên, khi được hỏi về thời gian, lộ trình thì ông Anh cho hay chưa có, vì còn phụ thuộc vào quá trình đánh giá lại tài chính của doanh nghiệp.

Tin mới lên