Tiêu điểm

‘Doanh nghiệp khoáng sản vay tiền chỉ để trói buộc ngân hàng’

(VNF) - Đó là nhận xét của TS Nguyễn Thành Sơn được nêu lên trong Hội thảo "Quản lý đầu tư trong khai thác khoáng sản: các bất cập và khuyến nghị" do Liên minh khoáng sản tổ chức sáng 29/7.

‘Doanh nghiệp khoáng sản vay tiền chỉ để trói buộc ngân hàng’

Hội thảo "Quản lý đầu tư trong khai thác khoáng sản: các bất cập và khuyến nghị" được tổ chức sáng 29/7 tại Khách sạn Điện lực

Rủi ro khi đầu tư vào dự án khoáng sản

Đề cập đến nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng cấp cho doanh nghiệp và dự án khai thác khoáng sản, TS Nguyễn Thành Sơn cho rằng, hiện nay hai lĩnh vực này đang kí sinh vào nhau.

"Ngân hàng có thể rót vốn vào, nhưng lại chưa thể kinh doanh tiền ở các dự án khoáng sản được. Đó là bởi vì họ chẳng biết gì về các thiết kế, các đánh giá phân tích đầu tư và đánh giá tác động môi trường…  

Tất cả những cái đó, doanh nghiệp làm một cách đối phó để qua mặt ngân hàng. Không thẩm định được độ chính xác, tài liệu không đáng tin cậy mà ngân hàng vẫn cho vay, thì cái đó không phải là kinh doanh.

Còn doanh nghiệp khoáng sản cũng không phải dùng tiền của ngân hàng để làm đòn bẩy kinh tế. Họ chỉ vay tiền để trói buộc ngân hàng vào đấy thôi, kiểu như nếu tôi có chết thì ông bắt buộc phải cứu tôi", TS Sơn phân tích.

Chính vì cung cấp tín dụng theo kiểu "liều mạng" đó, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận xét, tín dụng vào các dự án khoáng sản hiện nay đang hứng chịu những rủi ro cao.

"Không chỉ chịu rủi ro về giá cả (giá quặng, giá dầu biến động thất thường) mà còn chịu rủi ro về thông tin (không biết trữ lượng có chính xác không)… Nếu không thể giảm thiểu được các rủi ro đó, ngân hàng có thể thua lỗ và mất vốn", TS Doanh nói.

Theo phân tích của bà Trần Thanh Thủy (Trung tâm con người và thiên nhiên – PanNature), thông qua việc cấp vốn cho dự án khoáng sản, các tổ chức tín dụng đang gián tiếp tạo ra những rủi ro về môi trường và xã hội.

Dẫn số liệu của Vietcombank, bà Thủy cho biết dư nợ của ngành khoáng sản tại ngân hàng này lên tới 20.000 tỷ đồng, đứng thứ 2 trong số các ngành tiềm ẩn rủi ro về môi trường và xã hội.

Chuyên gia này cũng nhận xét, trên thực tế, có không ít tổ chức tín dụng đã bơm một lượng vốn lớn cho các dự án khoáng sản hoạt động không hiệu quả, bất chấp các tổn hại về môi trường.

Điển hình như dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã gây ra nhiều vấn đề liên quan đến khói bụi và vấp phải sự phản ứng gay gắt của người dân địa phương. "Do vấn đề môi trường, dự án phải tạm dừng nhiều lần, chi phí mỗi lần khởi động lại cũng mất vài tỷ. Dĩ nhiên, khi đó, các tổ chức tín dụng cũng phải đối phó với rủi ro nợ xấu", bà Thủy phân tích.

Muốn giảm rủi ro chỉ có cách giảm khai thác khoáng sản

Theo ông Nguyễn Thành Vạn, Trưởng ban tư vấn phản biện Tổng hội Địa chất Việt Nam, tuy luật pháp không cho phép thế chấp giấy phép khai thác khoáng sản, nhưng trên thực tế các doanh nghiệp vẫn dùng giấy phép đó như một chứng thư bảo lãnh để thế chấp ngân hàng.

Nguồn vốn vay ngân hàng có thể lên tới 70%, do Luật khoáng sản quy định vốn sở hữu của chủ đầu tư khai thác chỉ cần 30%. Do đó, về mặt lý thuyết, không có cách nào có thể tránh được rủi ro trong đầu tư vào dự án khoáng sản mà chỉ có thể giảm thiểu rủi ro.  

"Muốn giảm rủi ro thì chỉ có một cách là giảm hoạt động khai thác khoáng sản", ông Vạn nói.

TS Lê Đăng Doanh thì nhấn mạnh đến vai trò của nhà nước trong việc điều chỉnh các quy định đối với việc cho vay dự án khoáng sản của các ngân hàng. Ngoài ra, ông Doanh cũng khuyến nghị các nhà đầu tư trong bối cảnh khai khoáng chịu rủi ro lớn thì nên chuyển hướng sang đầu tư vào những nguồn năng lượng sạch.

Còn TS Nguyễn Thành Sơn thì dứt khoát "Bản chất của vấn đề là lẽ ra các doanh nghiệp phải được sở hữu tài nguyên thông qua việc mua lại của Nhà nước. Có được sở hữu, doanh nghiệp mới đem thế chấp ngân hàng để vay vốn được. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam thì chỉ có quyền khai thác, không có quyền sở hữu tài nguyên, mà về mặt luật pháp thì  không thể thế chấp cái quyền khai thác đó được."

Tin mới lên