Tài chính

Doanh nghiệp Nhà nước chống lệnh: Không tin SCIC, vì...

Tôi không tin có một tổng tập đoàn nào đủ sức quản lý được các tập đoàn, tôi không tin SCIC làm được như vậy...

Doanh nghiệp Nhà nước chống lệnh: Không tin SCIC, vì...

SCIC không đủ sức để quản lý các tổng công ty, tập đoàn, DNNN. Ảnh minh họa

Trong khi hầu hết các nhận định đều cho rằng hơn 173 doanh nghiệp thuộc diện phải chuyển giao vốn về SCIC nhưng không thực hiện là do yếu tố lợi ích, do không muốn phân chia quyền lực thì PGS.TS Nguyễn Văn Ngại - ĐH Nông Lâm, TP.HCM lại đưa ra góc nhìn khác.

Chưa nhìn rõ sự giằng xé lợi ích

Ông cho biết, bất kỳ một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nào, thuộc cơ quan nào quản lý mà đóng trên địa bàn của địa phương đó đều có tác động lớn tới sự tăng trưởng kinh tế, xã hội của địa phương đó.

Do đó, ngay cả khi doanh nghiệp đó được chuyển giao về SCIC hay khi SCIC tiếp nhận quyền quản lý thì doanh nghiệp đó vẫn nằm tại địa phương đó và nó vẫn có giá trị đóng góp cho sự tăng trưởng GDP của địa phương. Quyền lợi của địa phương là không thay đổi.

Nếu có bị ảnh hưởng chỉ là ảnh hưởng tới lợi ích của một số người, lợi ích của một nhóm người nào đó, tuy nhiên, đó là vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý chuyên môn, nghiệp vụ không liên quan tới hiệu quả quản trị doanh nghiệp.

"Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh không hiệu quả là do trình độ quản trị của chính những tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp đó yếu kém. Muốn doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, chính lãnh đạo các doanh nghiệp phải thay đổi phương thức điều hành, quản lý, thay đổi tư duy quản trị của doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp nào thay đổi được thì tồn tại, doanh nghiệp nào không thay đổi được phải cho phá sản. Tuy nhiên, chuyển giao về SCIC mà vẫn giữ nguyên tổng công ty, tập đoàn đó là không hợp lý", ông Ngãi nêu.

Không tin vào năng lực của SCIC?

Không cho rằng nguyên nhân chủ yếu nằm ở vấn đề quyền lợi, vị chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính là do doanh nghiệp thiếu tin tưởng vào năng lực của SCIC.

"Chuyển giao các DNNN sau khi cổ phần hóa rồi SCIC sẽ có phương án thế nào?", vị chuyên gia đặt câu hỏi đồng thời tự đưa ra câu trả lời:

"DNNN yếu kém, không hiệu quả phải xử lý, thậm chí cho phá sản chứ không thể bán lại cho SCIC. SCIC không có khả năng quản lý toàn bộ vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp này".

PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi giải thích, về lý thuyết, SCIC là công ty chuyên đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, trong đó đặt vấn đề hiệu quả kinh tế trong việc đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước lên hàng đầu. Tuy nhiên thay vì đưa vốn cho SCIC đầu tư kinh doanh thì chúng ta lại chuyển các doanh nghiệp cổ phần hóa về cho SCIC quản lý thoái vốn để lấy tiền đầu tư. Do đó, về bản chất, chức năng chỉ tập trung cho đầu tư kinh doanh vốn nhà nước của SCIC đã không được đảm bảo, mà thay vào đó phải phân tán vào các chức năng như thoái vốn và cổ phần hóa.

Hơn nữa, vị chuyên gia lo ngại năng lực của SCIC khó quản lý được cả một nguồn vốn lớn như vậy.

"Kết quả kinh doanh của SCIC còn hạn chế, chưa có gì rõ ràng. Lợi nhuận thu được chủ yếu vẫn dựa vào vốn và đầu vào của các doanh nghiệp mà lợi nhuận rất khủng hàng năm như: Vinamik, FPT... chứ không dựa vào tài kinh doanh của SCIC. Như vậy, rất khó có thể thuyết phục được doanh nghiệp về với mình", PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi nói.

Vì vậy, vị chuyên gia cho rằng, vốn của nhà nước phải thuộc cơ quan chủ quản nhà nước quản lý, trực tiếp là Bộ Tài chính. Bộ Tài chính phải có trách nhiệm trước Chính phủ và nhân dân trong việc quản lý, sử dụng, điều hành nguồn vốn đó.

"Không cần phải có SCIC hay một siêu ủy ban quản lý vốn nhà nước giống SCIC hay lại đi quản lý SCIC nữa., việc này không khác nào hình thành lên một tổng tập đoàn đứng trên các tập đoàn. Tôi không tin có một tổng tập đoàn nào đủ sức quản lý được các siêu tập đoàn, tôi không tin SCIC làm được như vậy", ông Ngãi nhắc lại.

Đừng vội trách doanh nghiệp

Ngoài việc không đồng tình với chủ trương chuyển giao vốn DNNN về SCIC, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi còn khẳng định các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cũng không đồng tình khi được chuyển giao về với SCIC. Ông cho biết, họ không muốn về SCIC ngoài việc không muốn phải chịu thêm một đầu mối quản lý mà còn vì họ tự nhận thấy những khó khăn phải đối diện.

"Tôi biết chắc chắn các tập đoàn, tổng công ty, DNNN cũng không hài lòng khi bị giao về cho SCIC quản lý đâu. Vì khi SCIC không thỏa mãn được những kỳ vọng của doanh nghiệp mà chỉ tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp thì rõ ràng doanh nghiệp không bao giờ ủng hộ", ông Ngãi cho biết.

Hơn nữa, theo vị chuyên gia, các doanh nghiệp hiện nay tự thấy đã đủ khổ rồi, họ không muốn phải thêm một đầu mối quản lý, không muốn đeo thêm một tròng nữa.

Vì vậy, ngoài việc yêu cầu xử lý trách nhiệm của các lãnh đạo doanh nghiệp thì tìm hiểu nguyên nhân các doanh nghiệp cùng phản ứng, không chịu hợp tác như vậy? Vì ngay cả khi có buộc được họ về với SCIC nhưng bản thân các doanh nghiệp, tập đoàn không phục thì SCIC cũng khó có thể quản lý được. 

Vị chuyên gia cho rằng, phương thức quản lý doanh nghiệp hiệu quả nhất là để doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm dưới sự giám sát, quản lý một phần từ phía nhà nước.

Trong trường hợp những doanh nghiệp trên hoạt động không hiệu quả phải cho thoái vốn, cổ phần hóa, tư nhân hóa chứ không nên tiếp tục lòng vòng như hiện nay nữa.

Tin mới lên