Tài chính

Doanh nghiệp nhà nước 'hết đường' bán 'đất vàng' giá rẻ?

(VNF) - Bộ Tài chính đang xây dựng bộ quy định mới nhằm ngăn chặn việc "đất vàng" của doanh nghiệp nhà nước bị chuyển đổi với giá rẻ vào tay tư nhân sau khi cổ phần hóa. Đây là vấn đề được quan tâm nhất trong quá trình cổ phần hóa trong thời gian qua.

Doanh nghiệp nhà nước 'hết đường' bán 'đất vàng' giá rẻ?

Bộ Tài chính khẳng định, không có lỗ hổng cổ phần hóa trường hợp Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang.

'Không có lỗ hổng cổ phần hóa trường hợp Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa'

Theo thống kê đến hết tháng 6/2016, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và các thành viên trong gia đình bà nắm giữ hơn 11 triệu cổ phiếu, tương ứng 34% vốn của Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang (mã chứng khoán: DQC), tổng trị giá tài sản ước tính hơn 700 tỷ đồng.

Bà Hồ Thị Kim Thoa đang nắm giữ 1,6 triệu cổ phiếu DQC, tương ứng 89,4 tỷ đồng. Con gái lớn của bà Thoa là Nguyễn Thái Nga hiện là thành viên Hội đồng Quản trị, Phó giám đốc Điện Quang nắm số cổ phiếu trị giá 218,7 tỷ đồng. Con gái thứ hai Nguyễn Thái Quỳnh Lê cũng nắm số cổ phiếu DQC tương ứng 118,2 tỷ đồng.

Ông Hồ Quỳnh Hưng, em trai bà Thoa, hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Điện Quang nắm số cổ phiếu trị giá 133,5 tỷ đồng. Bà Trần Thị Xuân Mỹ, mẹ của bà Thoa, cũng đang nắm số cổ phiếu trị giá 64,8 tỷ đồng.

Trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương vào năm 2010, bà Hồ Thị Kim Thoa đã có 18 năm công tác tại Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Từ năm 2000 đến 2005, bà là Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc và từ 2005 đến 2010 là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Điện Quang.

Bộ Tài chính khẳng định, không có lỗ hổng cổ phần hóa trường hợp Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa.

Trước đó, thông tin về vấn đề này Bộ Công Thương từng cho biết, số cổ phần Điện Quang mà bà Hồ Thị Kim Thoa đang sở hữu là số cổ phần có được từ trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương. Số cổ phần này đã được kê khai đầy đủ trong hồ sơ bổ nhiệm Thứ trưởng vào năm 2009 và đã được báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền trước khi có quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), khẳng định, "không có lỗ hổng trong quá trình cổ phần hóa của Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang".

"Thời điểm bà Thoa mua cổ phần của Công ty Điện Quang là thời kỳ khuyến khích mọi người mua cổ phần, những đảng viên, lãnh đạo doanh nghiệp phải gương mẫu đi đầu trong việc này", ông Tiến nói.

Tuy nhiên, sau thời kỳ đó, diễn biến việc bán cổ phần ra sao ông Tiến cho rằng cần phải kiểm tra từng bước một. "Hiện tại các cơ quan chức năng đang tiến hành thanh tra, kiểm tra, sau khi có kết quả chúng tôi sẽ công bố", ông Tiến nói.

Về việc một số người thân của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng sở hữu một lượng lớn cổ phần tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, ông Tiến cho rằng, việc lãnh đạo của doanh nghiệp không trực tiếp mua cổ phần nhưng con cháu của họ lại tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp, điều này luật không cấm.

"Con cháu họ hoàn toàn có thể bỏ tiền túi để mua nhưng nếu là cán bộ nhà nước cần phải công khai thông tin, tiền lương, thu nhập. Ví dụ, thu nhập chỉ có 100 triệu đồng sau một năm sở hữu khối tài sản tới hàng chục tỷ thì không được", ông Tiến cho hay.

Thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Long, Tổ trưởng Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần cho biết, hiện tượng thâu tóm cổ phần tại Công ty Điện Quang là do quá trình thực hiện bán vốn tại công ty cổ phần.

Theo quy định về cổ phần hóa được thực hiện thí điểm từ năm 1992, lãnh đạo doanh nghiệp được mua cổ phần của doanh nghiệp theo 2 tiêu chuẩn: lãnh đạo công ty được mua cổ phần ưu đãi theo số năm công tác trong khu vực nhà nước như tất cả cán bộ, không có sự phân biệt với các nhân viên và căn cứ theo số năm công tác còn lại thì được mua ưu đãi thêm, theo mức tương đương giá đấu giá thành công.

"Mỗi năm làm việc trong khu vực Nhà nước được mua 100 cổ phần ưu đãi giá bán bằng 60% trên cơ sở giá bán thấp nhất của giá đấu thành công. Điều này có nghĩa lãnh đạo doanh nghiệp cũng được mua cổ phần với giá ưu đãi giống như toàn bộ cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp", ông Long nói.

Nghị định mới: Chặn bán đất vàng giá rẻ

Quá trình cổ phần hóa thoái vốn ở Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang chỉ là một trong nhiều ví dụ cho thấy sự phức tạp và khó khăn trong quá trình thoái vốn, cổ phần hóa tại các doanh nghiệp Nhà nước và có nguy cơ dễ xảy ra thất thoát tài sản hoặc biến tài sản nhà nước thành của riêng, nếu không quy định chặt chẽ về bán vốn nhà nước.

Nhìn lại quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước từ năm 1991 đến nay, các chuyên gia cho rằng vẫn còn không ít lỗ hổng đáng lo ngại. Đó là sự thiếu minh bạch trong quá trình bán vốn nội bộ theo thỏa thuận. Những người trong cuộc nắm rõ thông tin, có thể thao túng để mua với giá thấp. Vì vậy số tiền mà Nhà nước thu thực tế đã bị thất thoát trong quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp.

Thậm chí, không loại trừ trường hợp người đứng đầu doanh nghiệp cố ý buông lỏng quản lý, để làm ăn thua lỗ trước khi cổ phần hóa nhằm "hạ giá" tài sản nhà nước trong doanh nghiệp. Sau đó, họ tìm cách mua bán, thâu tóm cổ phiếu, để người thân trong gia đình nắm vị trí quan trọng trong công ty…

Ngay cả việc định giá tài sản đất đai để đưa vào cổ phần hóa vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều lô "đất vàng" có giá thị trường rất cao, nhưng đưa vào xác định thành giá trị tài sản của doanh nghiệp khi cổ phần hóa lại thấp. Đây cũng chính là một kẽ hở lớn dễ bị nhóm lợi ích trục lợi.

Một dẫn chứng là khi xác định giá trị cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, hơn 1,4 ha đất do hãng phim này sử dụng trong vài chục năm qua không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Hơn 1,4 ha đất do Hãng phim truyện Việt Nam sử dụng không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Để ngăn chặn tình trạng này, dự thảo Nghị định về cổ phần hóa DNNN đã đưa giá trị đất (cả thuê và giao) tính vào giá trị doanh nghiệp, bao gồm cả lợi thế vị trí địa lý của khu đất.

Theo đó, doanh nghiệp căn cứ bảng giá đất do UBND tỉnh, thành phố công bố để tính vào giá trị doanh nghiệp và nộp tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước. Với doanh nghiệp sở hữu đất ở những vị trí có lợi thế thương mại cao (đất vàng), trước khi cổ phần hóa phải xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Phương án sử dụng đất phải đảm bảo phù hợp quy định, quy hoạch, kế hoạch đất của địa phương và phải được gửi tới chính quyền cấp tỉnh cho ý kiến.

Riêng với những khu đất "vàng", ông Bộ Tài chính cho biết, giá đất và giá thuê đất sẽ được tính cao hơn (tối đa 30% và 3%) so với đất cùng chủng loại theo khung giá đất do Chính phủ quy định. Doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa phải sử dụng đất theo đúng mục đích đã được phê duyệt. Nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất, công ty cổ phần phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo giá thị trường và thực hiện các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

"Đa số đất của DNNN trước khi cổ phần hóa sẽ chuyển sang nhà nước cho thuê và thu tiền theo năm, mỗi kỳ 5 năm nhà nước thay đổi giá 1 lần. Quy định này sẽ ngăn việc chuyển đổi đất vàng với giá rẻ", ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết.

Tin mới lên