Ngân hàng

Doanh nghiệp nhà nước kêu cứu, ngân hàng ‘thấp thỏm’ lo âu

(VNF) – Doanh nghiệp nhà nước từ lâu đã có "truyền thống" kêu cứu. Mỗi lần như vậy, các ngân hàng là chủ nợ của các doanh nghiệp này cũng "thấp thỏm" lo âu, có trường hợp thì mong Chính phủ cứu, nhưng cũng có những trường hợp các ngân hàng lại không mong điều đó xảy ra.

Doanh nghiệp nhà nước kêu cứu, ngân hàng ‘thấp thỏm’ lo âu

Doanh nghiệp nhà nước kêu cứu, ngân hàng "thấp thỏm" chờ tin từ Chính phủ

Doanh nghiệp nhà nước lại liên tục kêu cứu

Chuyện các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) kêu cứu Chính phủ dường như đã trở thành "truyền thống" khi thời gian gần đây, liên tục có nhiều DNNN lại đứng ra xin ưu đãi, xin cơ chế đặc thù.

Thực tế thì nhiều doanh nghiệp trong số này đang lỗ "chổng vó", nhưng cũng có không ít doanh nghiệp chưa lỗ nhưng vẫn đi "xin xỏ" và "dọa" nếu không ưu đãi thì doanh nghiệp sẽ lỗ.

Trong đa số các trường hợp, Chính phủ vẫn phải nhượng bộ vì chủ sở hữu của doanh nghiệp đó phần lớn vẫn là Nhà nước, nếu doanh nghiệp lỗ thì không chỉ gây ra thất thoát vốn nhà nước mà còn có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước, nhất là đối với các tập đoàn, tổng công ty lớn.

Gần đây nhất là trường hợp của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã được Chính phủ đồng ý "cứu".

Cụ thể, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thay mặt Chính phủ đã chỉ đạo giao cho Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch đầu tư và các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vinacomin.

Trong đó, lưu ý các chính sách về các loại thuế liên quan tới ngành than như thuế suất, giá tính thuế tài nguyên và thuế nhập khẩu than, đồng thời có các giải pháp tái cấu trúc Vinacomin.

Trước đó, Vinacomin được cho là đã lâm vào tình cảnh khó khăn khi lượng hàng tồn kho tăng cao, lên mức 20.000 tỷ đồng. Đồng thời, Vinacomin cũng "kêu" không cạnh tranh nổi với than nhập khẩu có giá thành thấp, giá khoáng sản alumin, hydrat giảm sâu, cộng với thuế phí tăng.

Theo thông tin từ hội nghị giao ban kế hoạch Vinacomin quý IV/2016, doanh thu của Vinacomin 9 tháng đầu năm 2016 đạt mức 71.460 tỷ đồng, giảm nhẹ 7% so với cùng kỳ 2015.

Về lợi nhuận, tập đoàn này chỉ tiết lộ là lợi nhuận 9 tháng giảm so với cùng kỳ nhưng không đưa ra con số cụ thể. Còn con số lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2016 của Vinacomin là 197 tỷ đồng, giảm mạnh 77% so với cùng kỳ 2015.

Doanh nghiệp nhà nước kêu cứu, ngân hàng thấp thỏm

Vinacomin là doanh nghiệp nhà nước mới nhất được Chính phủ đồng ý "cứu"

Không "may mắn" như Vinacomin, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (Đạm Ninh Bình) thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng đã kêu cứu Chính phủ nhưng vẫn chưa được chấp thuận dù tình trạng của doanh nghiệp này đã cực kỳ "bi đát".

6 tháng đầu năm 2016, Đạm Ninh Bình đã lỗ tới 457 tỷ đồng. Lũy kế từ khi vận hành vào năm 2012 đến nay, Đạm Ninh Bình đã lỗ tổng cộng 2.693 tỷ đồng.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với Đạm Hà Bắc khi doanh nghiệp này mới chỉ thực sự vận hành vào năm 2015 nhưng đã kịp lỗ ngay 677 tỷ đồng ngay trong năm đó, dự kiến sẽ lỗ tiếp 488 tỷ đồng trong năm 2016.

Cả 2 công ty ngành phân đạm của Vinachem này đều kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ để giải quyết khó khăn trước mắt và đảm bảo khả năng trả nợ.

Cũng chỉ cách đây hơn 1 tháng, Chính phủ đã phải "ra tay" cứu Nhà máy Lọc dầu Dung Quất khi sản phẩm của nhà máy này không cạnh tranh nổi với các sản phẩm nhập khẩu. Theo đó, Chỉnh phủ giao cho Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn – đơn vị quản lý nhà máy Dung Quất - được tự tính giá bán xăng dầu.

Đó mới chỉ là một số trường hợp điển hình gần đây nhất. Còn rất nhiều lời kêu cứu từ các DNNN khác, chẳng hạn như Gang thép Thái Nguyên, PVTex hay hàng loạt nhà máy Ethanol.

Ngân hàng "thấp thỏm"

"Cơn đau đầu" của các DNNN khi phải cần đến Chính phủ "cứu" cũng chính là "cơn đau đầu" của các ngân hàng. Nếu không được "cứu", doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thậm chí phá sản thì không đào đâu ra tiền để trả nợ các ngân hàng được.

Căng thẳng nhất là trường hợp của Đạm Ninh Bình. Tình trạng kinh doanh của doanh nghiệp này hiện đã ở mức "be bét" và chắc chắn đang gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề trả nợ ngân hàng. Chẳng thế mà trong hầu hết các kiến nghị hỗ trợ Đạm Ninh Bình gửi lên Chính phủ là các kiến nghị về vấn đề nợ vay.

Hiện ngân hàng trong nước "bơm" vốn nhiều nhất cho Đạm Ninh Bình là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Tính đến hết năm 2015, VDB đã cho Đạm Ninh Bình vay dài hạn tổng cộng 2.669 tỷ đồng bằng tiền VND và 39 tỷ đồng bằng tiền USD, tất cả đều thông qua Công ty mẹ - Vinachem.

Thêm vào đó, 3 ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam là VietinBank, BIDV và Vietcombank cũng đều là các chủ nợ lớn của Đạm Ninh Bình. Tính đến hết năm 2015, VietinBank đang cho Đạm Ninh Bình vay 744 tỷ đồng nợ vay dài hạn, trong khi đó, BIDV cho Đạm Ninh Bình vay 800 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn, còn Vietcombank thì cho công ty này vay 762 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn.

Vì sao các ngân hàng "thấp thỏm"? Như đã đề cập ở trên, các ngân hàng sợ nếu Chính phủ không cứu DNNN, hay cụ thể hơn trong tường hợp này là Đạm Ninh Bình, thì doanh nghiệp sẽ không còn khả năng trả nợ cho ngân hàng.

Tuy nhiên, nỗi sợ đó là chưa đủ. Chính ngân hàng lại có thể trở thành "vật tế thần" cho công cuộc "cứu" doanh nghiệp nhà nước.

Doanh nghiệp nhà nước kêu cứu, ngân hàng thấp thỏm

Mỗi lần doanh nghiệp nhà nước kêu cứu, ngân hàng lại phải "thấp thỏm" chờ tin từ Chính phủ

Như trường hợp của Đạm Ninh Bình, công ty này thông qua Vinachem đã đề xuất lên Chính phủ cho phép chuyển nợ vay của VDB tại Đạm Ninh Bình thành vốn đầu tư của Nhà nước với số tiền lên đến 2.708 tỷ đồng, tương đương toàn bộ nợ vay của VDB tại Đạm Ninh Bình.

Hẳn nhiên phương án này không có lợi cho VDB và chẳng ngân hàng nào muốn từ chủ nợ trở thành cổ đông, nghĩa là trở thành con nợ của các ngân hàng khác, nhất là đối với một doanh nghiệp vừa lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ, lại vừa nợ đầm nợ đìa như Đạm Ninh Bình. Hơn nữa, tài sản Đạm Ninh Bình còn đó, ít ra VDB cũng còn có thể thu hồi về một phần nợ trong trường hợp xấu nhất.

Nhưng còn một nỗi sợ nữa. Ngay chính Đạm Ninh Bình cũng đã tính đến trường hợp Chính phủ không đồng ý với phương án vốn hóa nợ VDB tại Đạm Ninh Bình, nên doanh nghiệp này cũng đề xuất được khoanh nợ, nghĩa là không trả nợ gốc và không tính lãi vay phát sinh, trong vòng 5 năm.

Trường hợp này, đương nhiên lại là VDB chịu thiệt.

Ngoài VDB, Đạm Ninh Bình còn đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo 3 ngân hàng thương mại cổ phần VietinBank, Vietcombank và BIDV tiếp tục cho Đạm Ninh Bình vay vốn.

Hành động này rõ ràng là can thiệp vào tự chủ của các ngân hàng, nên hẳn nhiên lãnh đạo các ngân hàng này không vui, nhất là đối với các ngân hàng không muốn cho Đạm Ninh Bình vay thêm, vì điều đó đồng nghĩa với việc có thể mất vốn thêm.

Thông qua Vinachem, một số đề xuất về khoanh nợ hay chỉ đạo ngân hàng tiếp tục cho doanh nghiệp vay vốn cũng xảy ra với Đạm Hà Bắc.

Tất nhiên cũng có trường hợp ngân hàng mong chờ Chính phủ cứu DNNN, nếu bản thân ngân hàng không phải hy sinh. Điển hình là trường hợp của Vinacomin với biện pháp cứu bằng ưu đãi thuế phí và Lọc dầu Dung Quất với ưu đãi về cơ chế tự chủ tính giá bán xăng dầu.

Vinacomin hiện là một trong những doanh nghiệp vay nợ nhiều nhất Việt Nam với tổng nợ vay lên tới 82.135 tỷ đồng, gấp 2,1 lần vốn chủ sở hữu. Trong tình cảnh "chúa chổm" Vinacomin khó khăn, nếu Chính phủ không cứu thì rõ ràng tình trạng trả nợ sẽ căng thẳng hơn và các ngân hàng cũng phải "nhấp nhổm" không yên.

Hay như trường hợp của Lọc dầu Dung Quất. Hẳn các ngân hàng lớn như VDB, VietinBank, Vietcombank sẽ phải rất lo lằng nếu như Chính phủ không "ra tay" cứu Lọc dầu Dung Quất.

Được biết, trong tổng mức đầu tư khoảng 3 tỷ USD (phần vốn vay là 1,7 tỷ USD), VDB, VietinBank và Vietcombank cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất vay 1,45 tỷ USD. Trong đó, khoảng 1 tỷ USD là của VDB.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng đang phải điêu đứng với các khoản nợ tại các nhà máy sản xuất Ethanol, điển hình như Nhà máy Ethanol Dung Quất đã đóng cửa với các khoản nợ ngân hàng có tổng trị giá 1.300 tỷ đồng, mà chưa biết được Chính phủ "cứu" hay không.

Các nhà máy này hiện đang phải cầu cứu đến nhiều cơ quan chức năng nhằm tạm hoãn nộp thuế giá trị gia tăng và khoanh nợ vay ngân hàng.

Tin mới lên