Doanh nghiệp

10 sự kiện FDI nổi bật năm 2014

10 sự kiện đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiêu biểu của năm 2014. được Ban biên tập Nhà Đầu Tư, cơ quan chủ quản của Vietnamfinance bình chọn trên cơ sở tham khảo các chuyên gia kinh tế.

10 sự kiện FDI nổi bật năm 2014

1. Luật Đầu tư sửa đổi: Từ  "chọn cho" sang "chọn bỏ"

Ngày 26/11/2014, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ mở ra hướng tiếp cận mới đối với hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) nói riêng và hoạt động kinh doanh đầu tư nói chung tại Việt Nam trong tương lai.

Hầu hết các ý kiến đều nhìn nhận, điểm đột phá nhất của Luật Đầu tư (sửa đổi) chính là sự thay đổi trong phương pháp tiếp cận khi làm luật.

Cụ thể, luật mới đã chuyển từ "chọn cho" sang "chọn bỏ", nói một cách tường minh hơn là chuyển từ việc "chỉ ghi trong luật những cái gì cho" sang cách "quy định những gì cấm, còn lại thì doanh nghiệp, nhà đầu tư được phép đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật".

Một điểm mới nữa hết sức quan trọng của luật mới chính là việc đã thu hẹp lĩnh vực, ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Với sự thống nhất giữa cơ quan soạn thảo với các bộ, ngành hữu quan đã thu hẹp từ 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ xuống còn 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh như quy định tại Điều 6 của luật.

Tất cả 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại điều này đều đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nhưng được tổng hợp trong Luật Đầu tư (sửa đổi) để làm rõ hơn quy định về quyền tự do kinh doanh của công dân.

Điều kiện kinh doanh là các yêu cầu cần thiết để bảo đảm cho hoạt động bình thường mà không bị pháp luật cấm; còn các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được hiểu là hạn chế quyền tự do đầu tư kinh doanh, do đó cần quy định trong luật nhằm bảo vệ quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng như tại Điều 7 của luật.

Chính phủ sẽ hệ thống và công bố các điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

2. Bồi thường và miễn, giảm thuế lớn cho doanh nghiệp FDI bị thiệt do biểu tình quá khích

Sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào khoan thăm dò sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam đã khiến toàn thế nhân dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ. Nhiều cuộc biểu tình phản đối hành động này của Trung Quốc đã nổ ra.

Tuy nhiên nhiều cuộc biểu tình đã bị kẻ xấu lợi dụng, kích động và biến thành các cuộc biểu tình quá khích với các hành động đập phá tài sản, nhà máy của doanh nghiệp trong đó có các nhà máy của doanh nghiệp FDI. Hàng ngàn doanh nghiệp FDI đã bị ảnh hưởng và thiệt hại vật chất.

Ngày 20/5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, sớm trở lại sản xuất kinh doanh. Theo đó, xác định và đưa thiệt hại của các doanh nghiệp vào phạm vi được bảo hiểm; thực hiện bồi thường theo thủ tục đơn giản, rút gọn.

Cùng với đó, thực hiện miễn, giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; miễn giảm tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng và thiệt hại. Hàng ngàn tỷ đồng đã được các công ty bảo hiểm và các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh chi trả cho các doanh nghiệp FDI.

Điển hình như Tập đoàn Formosa là nhà đầu tư Đài Loan xây dựng tổ hợp sản xuất thép tại khu kinh tế Vũng Áng đã bị ảnh hưởng nặng nề trong vụ biểu tình quá khích tại đây vào ngày 14/5. Cục Thuế Hà Tĩnh đã tiếp nhận và giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng cho Formosa Hà Tĩnh với tổng số tiền là 1.028,6 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp bảo hiểm tạm ứng một triệu USD (hơn 21,2 tỷ đồng) tiền bồi thường bảo hiểm cho tập đoàn này. UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng hỗ trợ hơn 1,5 triệu USD (khoảng hơn 30 tỷ đồng đồng) để tập đoàn Formosa khắc phục khó khăn, sớm ổn định sản xuất kinh doanh và tiếp tục phát triển.

Quyết định này đã giúp các doanh nghiệp FDI sớm khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất trở lại; và đặc biệt đã tạo niềm tin, sự an tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài đang làm ăn tại Việt Nam; góp phần khẳng định sự quyết tâm của Chính phủ trong việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi và cam kết bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư.

3. Hàng loạt ông lớn "dời đô" về Việt Nam

Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón nhiều doanh nghiệp tên tuổi lớn trên thế giới hội tụ về khi mới đây hàng loạt tập đoàn đa quốc gia đã chính thức lên kế hoạch "dời đô" về Việt Nam.

Những cái tên đáng chú ý trong đó phải kể đến như Samsung, Microsoft, LG, Intel, Wintek... đang lên kế hoạch cụ thể nhằm đưa Việt Nam thành cứ điểm sản xuất chính của họ.

Tập đoàn Samsung đã chính thức biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới của tập đoàn này cùng với các kế hoạch mở rộng đầu tư lớn (chi tiết được đề cập đến trong phần dưới).

Tập đoàn Microsoft đã lên kế hoạch dịch chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất điện thoại di động thông minh Nokia ở các quốc gia như Trung Quốc, Hungary và Mexico về Việt Nam. Đồng thời, tập đoàn này sẽ mở rộng nhà máy Nokia ở Bắc Ninh trở thành địa điểm sản xuất chính trên toàn cầu.

Ngày 18/12 vừa qua, thương hiệu Nokia chính thức bị "khai tử" tại Việt Nam, xóa bỏ thương hiệu Nokia trên dòng máy Lumina. Microsoft cũng quyết định đổi tên nhà máy sản xuất điện thoại Nokia Việt Nam tại Bắc Ninh.

Theo đó, Công ty TNHH Nokia Việt Nam trước đây sẽ được thay bằng Công ty TNHH Microsoft Mobile Việt Nam với tên giao dịch quốc tế là Microsoft Mobile (Viet Nam) Limited Liability Company. Theo một thống kê chưa chính thức, trong vòng 7 tháng tính đến tháng 11/2014, Microsoft Mobile Việt Nam đã xuất gần 74 triệu điện thoại di động.

Một đại gia khác là Intel cũng đã công bố kế hoạch đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất lớn nhất với việc tuyên bố 80% bộ vi xử lý Haswell thế hệ thứ 4 của Intel sẽ được sản xuất tại nhà máy ở TP.HCM.

Tập đoàn LG Electronics cũng đã hiện thực hóa tham vọng mở rộng sản xuất ở Việt Nam sau khi đổ thêm 1,2 tỷ USD để nâng mức đầu tư của tổ hợp sản xuất các sản phẩm điện tử, điện gia dụng tại khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng lên con số 1,5 tỷ USD thay vì 300 triệu USD như ban đầu.

Một hãng điện tử khác của Đài Loan là Wintek chuyên sản xuất các loại màn hình cảm ứng vừa qua cũng đã tiết lộ với tỉnh Bắc Giang về kế hoạch sẽ tăng gấp đôi vốn vốn đầu tư tại Việt Nam từ 1,2 lên 2,4 tỉ USD, quyết tâm mở rộng sản xuất tại đây, kế hoạch này sẽ cần tới khoảng 50.000 lao động.

4. Dự án tỷ đô khởi động trở lại

Bộ Công thương cho biết, Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) đang lên kế hoạch chuẩn bị cho việc đầu tư dự án điện khí 20 tỷ USD ở một khu vực thuộc 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Theo kế hoạch, nhà máy này sẽ có công suất giai đoạn một là xây dựng nhà máy điện công suất 1.500 MW, giai đoạn hai tăng lên 4.000-5.000 MW và nhà máy xử lý khí.

Được biết, hai phương án hiện đang được Tập đoàn Exxon Mobil xem xét, đưa khí từ mỏ Cá Voi Xanh vào bờ ở khu vực bàu Cá Cái, gần sát Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, và xây nhà máy điện tại Quảng Ngãi. Hoặc đưa khí vào khu vực cảng Tam Hiệp, huyện Núi Thành (Quảng Nam) và xây dựng nhà máy điện tại xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, khu kinh tế Dung Quất.

Hiện Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Exxon Mobil đang tiếp tục nghiên cứu để bàn về tính khả thi cũng như xem xét sự phù hợp với quy hoạch ngành năng lượng.

Một loạt các siêu dự án liên quan đến lĩnh vực casino cũng đang được các nhà đầu tư khởi động trở lại. Đáng chú ý trong đó là dự án Nam Hội An, vốn đầu tư 4 tỷ USD tại khu kinh tế mở Chu Lai. Sau nhiều năm bất động do đối tác Genting (Malaysia) rút khỏi dự án, mới đây VinaCapital đã thông báo tìm được liên minh mới là Tập đoàn Peninsula Pacific (Mỹ) để tái khởi động lại dự án này.

Tại Quảng Ninh, Tập đoàn Tuần Châu cùng với ISC (Australia) cũng đang lập kế hoạch để xây dựng dự án Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp tại Vân Đồn, tổng mức đầu tư khoảng 7 tỷ USD với hạng mục quan trọng là casino, bến du thuyền.

Nhiều đại gia khác cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến việc đầu tư casino tại Việt Nam, chỉ tính riêng trong vòng 2 năm qua, Chủ tịch Tập đoàn Las Vegas Sands đã 3 lần đến Việt Nam để tìm hiểu và ngỏ ý trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư về kế hoạch đầu tư một khu phức hợp có casino ở Việt Nam.

Ở lĩnh vực sản xuất và kinh doanh điện, một loạt dự án điện đã được khởi động trở lại hoặc khởi công như nhiệt điện Vĩnh Tân 4, tổng vốn đầu tư trên 1,5 tỷ USD tại Bình Thuận, nhiệt điện Thái Bình gần 1,3 tỷ USD.

Một dự án nhiệt điện 2,5 tỷ USD tại khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) cũng được nhà đầu tư Nhật Bản khởi động trở lại. Dự án nhiệt điện Kiên Lương (Kiên Giang) 6,7 tỷ USD của Tập đoàn Tân Tạo cũng đã được Chính phủ cho triển khai tiếp sau thời gian dài chậm triển khai.

5. Đón dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc

Lũy kế đến 20/11/2014, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với 4.063 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 36,7 tỷ USD, tổng vốn giải ngân đạt hơn 10,45 tỷ USD.

Số liệu của Bộ Công thương cho biết, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hàn Quốc với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt gần 24 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2014.

Theo nhận định của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, hiện có nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang muốn đầu tư mới tại Việt Nam và xuất khẩu sang nước thứ 3 nhất là sau khi FTA hai nước (VKFTA) vừa được công bố thông qua mới đây. Trong vài năm trở lại đây, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư Hàn Quốc trong khu vực ASEAN.

Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn Hàn Quốc cũng đang lên kế hoạch mở rộng đầu tư ở Việt Nam sau khi VKFTA có hiệu lực chính thức với những chính sách mới về cấp phép lao động, hoạt động giao lưu, tìm hiểu cơ hội đầu tư của cư dân hai nước sẽ diễn ra sôi động hơn.

Đặc biệt, việc mở rộng danh mục thông thương giữa hai nước với khoảng 19.000 mục sản phẩm của Hàn Quốc và 6.000 mục sản phẩm của Việt Nam theo VKFTA sẽ nhận được ưu đãi và hỗ trợ tích cực.

Trong đó, một số lĩnh vực, sản phẩm như may mặc, nông lâm thủy sản… do được nhiều ưu đãi về thuế suất sẽ là những lĩnh vực thu hút mạnh đầu tư từ Hàn Quốc. Một yếu tố nữa cũng đặt ra kỳ vọng lớn vào một dòng vốn mới mạnh mẽ hơn từ Hàn Quốc chảy vào Việt Nam chính là việc sẽ có hàng trăm doanh nghiệp đi theo những dự án tỷ USD của các tập đoàn lớn vào Việt Nam.

Bởi lẽ, hiện ngành công  nghiệp hỗ trợ của Việt Nam thực sự vẫn chưa phát triển, thậm chí không đủ để phục vụ cho các dự án tỷ USD như của Samsung, Intel, LG, Microsoft… Do đó, trong số hàng trăm công ty vệ tinh của các đại gia trên, phần lớn trong số đó vẫn là các công ty có vốn nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc…

6. Tham vọng mới của Samsung

Một báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đang lên kế hoạch đầu tư 20 tỷ USD vào Việt Nam. Theo đó, bên cạnh lĩnh vực điện tử hiện đang được đầu tư lớn ở Việt Nam, Samsung sẽ tham gia đầu tư vào các lĩnh vực khác như công nghiệp, hạ tầng, giao thông, vận tải biển, bất động sản, công nghệ thông tin… Kế hoạch đầu tư khổng lồ này đã được Samsung chuẩn bị các bước cần thiết.

Kế hoạch đầu tư của Samsung dự kiến được mở rộng sang một số lĩnh vực cụ thể gồm:

Trong lĩnh vực hạ tầng, Công ty Samsung C&T phát triển dự án BOT Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 3 tại Hà Tĩnh, được xây dựng tại khu kinh tế Vũng Áng, dự án này có công suất 1.200 MW gồm hai tổ máy, tổng vốn đầu tư dự kiến 2,45 tỷ USD. Dự án đã được Chính phủ Việt Nam giao cho Công ty Samsung C&T làm chủ đầu tư.

Đây là dự án nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu, đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam. Công trình dự kiến sẽ đưa vào vận hành tổ máy số 1 vào tháng 1/2022, cả nhà máy vào tháng 7/2022.

Ngày 14/10/2014, Samsung C&T, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương đã ký Biên bản ghi nhớ MOU về việc phát triển dự án này. Hiện, Công ty Samsung C&T đã thuê các Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng điện 1&2 chuẩn bị Báo cáo khả thi và dự kiến trình Chính phủ xem xét, phê duyệt vào cuối tháng 2/2015.

Trong lĩnh vực giao thông, Samsung cho biết sẽ nghiên cứu và xin tham gia đầu tư, xây dựng, vận hành một trong số hạng mục thuộc dự án sân bay Long Thành nếu được Quốc hội phê duyệt. Dự án có quy mô 2,6-2,8 tỷ USD, chia làm 2 giai đoạn gồm giai đoạn 1 từ năm 2015-2018, giai đoạn 2 từ năm 2018-2025 với quy mô khoảng 300 ha và sẽ trở thành một trong 10 nhà máy đóng tàu lớn nhất thế giới.

Đối với lĩnh vực bất động sản, Samsung đã đồng ý địa điểm đầu tư Trung tâm R&D do UBND thành phố Hà Nội giới thiệu tại khu đô thị Manor Central Park và hiện đang tiến hành thương thảo điều kiện đầu tư với Sở Kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội. Lĩnh vực công nghệ thông tin, Samsung SDS đang trao đổi với Viettel về hợp tác phát triển hệ thống quản lý xe buýt và y tế thông minh tại việt Nam.

Samsung hiện đang là tập đoàn nước ngoài đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký lũy kế đến nay đạt trên 12,6 tỷ USD. Dự kiến đến hết năm 2017 tổng vốn đầu tư đăng ký của tập đoàn này tại Việt Nam có thể tăng lên thành 20 tỷ USD.

7. Đón siêu dự án lọc dầu 22 tỷ USD

Theo nguồn tin riêng của Nhà Đầu Tư, dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội (Victory) với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 22 tỷ USD đã chính thức được phép bổ sung vào Quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam với hàng loạt ưu đãi đi kèm. 

Trong văn bản đồng ý bổ sung dự án tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội vào quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao UBND tỉnh Bình Định chịu trách nhiệm điều chỉnh quy hoạch mặt bằng, bố trí đất đai, giải quyết các vấn đề liên quan đến sử dụng đất của dự án, phù hợp với quy định của Luật Đất đai và các qui định pháp luật khác có liên quan.

UBND tỉnh Bình Định thực hiện việc xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án theo quy định để triển khai các bước tiếp theo. Thủ tướng đã đồng ý đưa dự án vào danh mục đặc biệt khuyến khích đầu tư. 

Theo đó, dự án được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm; miễn thuế trong 4 năm đầu; giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Dự án cũng được miễn thuế nhập khẩu dầu thô, miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư mà trong nước chưa sản xuất được để xây dựng nhà máy. Chủ đầu tư được bán sản phẩm tại thị trường Việt Nam theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật Việt Nam, được tổ chức kinh doanh phân phối sản phẩm của dự án ra thị trường theo qui định hiện hành về kinh doanh sản phẩm xăng dầu và các sản phẩm lọc hóa dầu. 

Chính phủ không cam kết về thuế nhập khẩu sản phẩm lọc dầu, hóa dầu của dự án. Chủ đầu tư cũng được miễn tiền thuê đất trong thời hạn hoạt động; việc cho thuê đất thực hiện theo qui định của pháp luật về đất đai. Về thuế xuất khẩu sản phẩm của dự án và gia hạn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm sẽ được xem xét trong giai đoạn thu xếp vốn, trên cơ sở kết quả thiết kế tổng thể (FEED).

Siêu dự án tổ hợp lọc hóa dầu Victory được thực hiện với quy mô diện tích khoảng 1.400 ha tại khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định. Dự án có công suất 400.000 thùng dầu thô/ngày (tương đương 20 triệu tấn/năm). Sau năm 2021 sẽ xem xét nâng công suất lên 30 triệu tấn/năm. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 22 tỷ USD. Khi mở rộng công suất, tổng mức đầu tư có thể đạt mức 30 tỷ USD.

Dự kiến, dự án sẽ nhập nguyên liệu dầu thô từ Trung Đông, châu Phi, Nam Trung Mỹ, và "đầu ra" là 11 sản phẩm lọc dầu và 10 sản phẩm hóa dầu. Mục tiêu mà chủ dự án hướng tới là tiêu thụ trong nước 50%, còn 50% còn lại xuất khẩu.

8. Công nghiệp hỗ trợ nhìn từ đơn đặt hàng của Samsung

Một sự kiện thu hút nhiều sự quan tâm của cả dư luận trong và ngoài nước thời gian gần đây chính là việc Samsung chính thức "đặt hàng" các doanh nghiệp Việt sản xuất linh, phụ kiện.

Nguyên nhân được các doanh nghiệp Việt chia sẻ tại hội nghị: một phần không sản xuất được, phần lo lắng sản xuất sẽ không đạt các tiêu chuẩn Samsung đưa ra. Bên cạnh đó, câu hỏi về việc: Bao giờ Samsung sẽ chuyển giao công nghệ? khiến hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm.

Nhưng câu trả lời từ đại diện Samsung cho biết là rất khó để chuyển giao công nghệ độc quyền của Samsung ở thời điểm này, trừ khi có những cam kết từ phía Chính phủ 2 nước.

Theo thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), hiện mới chỉ có 67 doanh nghiệp cung cấp linh, phụ kiện cho Samsung. Nhưng điều đáng chú ý, chủ yếu trong số này vẫn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Hàn Quốc và Nhật Bản, Singapore, Malaysia... Hiện Việt Nam chỉ có 4 doanh nghiệp cung cấp được bao bì cho Samsung. 

Trung tuần tháng 12 vừa qua, Samsung một lần nữa chính thức công bố danh mục 144 linh phụ kiện đặt hàng doanh nghiệp Việt Nam tham gia đăng ký sản xuất. Trong số 144 linh kiện có 91 linh kiện, phụ kiện cho điện thoại smartphone Galaxy S4 và 53 linh kiện, phụ kiện cho máy tính bảng Tablet 7 inch. 

Một lần nữa, cơ hội kinh doanh lớn và khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện điện tử-viễn thông toàn cầu, phát triển công nghiệp hỗ trợ lại được đặt ra cho doanh nghiệp Việt. Điều còn lại chính là việc các doanh nghiệp trong nước tiếp nhận cơ hội này như thế nào trước ngưỡng cửa hội nhập.

9. Vẫn nóng nghi án chuyển giá

Nghi án doanh nghiệp FDI chuyển giá, trốn thuế vẫn không hết nóng trong suốt nhiều năm trở lại đây. Bảng danh sách tiếp tục được nối dài với hàng loạt cái tên doanh nghiệp được các cơ quan thuế vạch mặt, chỉ tên.

Theo đó, một kết quả được công bố hồi cuối quý I/2014 vừa qua, qua việc thanh kiểm tra tại hơn 2.100 doanh nghiệp đã truy thu và phạt gần 1.000 tỷ đồng; thanh tra thuế đã buộc các doanh nghiệp phải giảm lỗ hơn 4.192 tỷ đồng.  

Đáng chú ý, theo kết quả thanh tra, số tiền truy thu nói trên chủ yếu tập trung ở khu vực doanh nghiệp FDI (chiếm tới 40% tổng số thu), tỷ lệ số thu bình quân trên 1 doanh nghiệp khoảng hơn 1,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là con số nhỏ trong bức tranh chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp FDI. Một nguồn tin trên báo Thanh niên cho thấy, báo cáo của 63 cục thuế, hơn 100 chi cục thuế trên cả nước cho biết, kết quả thanh tra tại 870 doanh nghiệp FDI thì có tới 720 doanh nghiệp vi phạm.

Cũng theo nguồn tin này, ở một số địa phương tỷ lệ vi phạm lên đến 100% như Bắc Giang, Hòa Bình, Gia Lai… Tình trạng này đặc biệt nhức nhối tại 2 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, nơi tập trung rất đông các doanh nghiệp FDI.

Trong đó, Hà Nội có 326/332 doanh nghiệp vi phạm phải giảm lỗ, truy thu gần 2.000 tỷ đồng; TP.HCM có 164/193 doanh nghiệp FDI vi phạm phải giảm lỗ, truy thu hơn 1.000 tỷ đồng.  Các địa phương khác có tỷ lệ doanh nghiệp vi phạm cao phải kể đến là Đồng Nai, Gia Lai, Hải Phòng, Thái Nguyên, Quảng Ngãi,…

Vấn nạn chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp FDI dường như vẫn chưa có liều thuốc điều trị hữu hiệu. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam sắp hội nhập sâu với hàng loạt hiệp định tự do thương mại (FTA) thế hệ mới vừa được ký kết.

Đã đến lúc cần những quyết sách mạnh mẽ hơn từ phía Chính phủ để chấm dứt tình trạng này.

10. Vốn FDI quay lại với bất động sản

Có thể nói, sau hơn 2 năm khó khăn, 2014 là năm chứng kiến sự quay trở lại khá mạnh mẽ của dòng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản, đặc biệt thông qua hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A). Ngay đầu năm 2014, thị trường đón nhận sự bùng nổ của dòng vốn FDI và bất động sản thông qua dự án khu chung cư tại Bình Thạnh (TP.HCM) của Tập đoàn Sun Wah, tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD.

Cùng thời điểm, Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) đã mua lại cao ốc văn phòng Gemadept Tower (quận 1, TP HCM); Công ty TNHH Xúc tiến thương mại Hàng Hải (Marproco), đơn vị sở hữu và khai thác tòa nhà Gemadept Tower đã chuyển nhượng 85% vốn góp cho CJ. Tỷ phú người Israel Igal Ahouvi đã chi 300 triệu USD thâu tóm khu du lịch Bãi Rồng (Cam Ranh, Khánh Hòa), dự án gồm 200 biệt thự và 400 căn hộ.

Ngoài việc bỏ tiền ra thâu tóm các dự án, nhiều nhà đầu tư ngoại danh tiếng cũng đã công bố những kế hoạch đầu tư vào các dự án khủng tại Việt Nam. Đáng chú ý nhất trong đó phải kể đến Tập đoàn Rose Rock (một thành viên của gia đình tài phiệt dầu mỏ Rockerfeller) tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD để xây dựng một khu phức hợp tại Phú Yên.

Keppel Land, một đại gia bất động sản từ Singapore cũng đang có kế hoạch đầu tư dự án khu đô thị Hanoi Westgate tại huyện Quốc Oai với tổng vốn đầu tư 140 triệu USD.Theo tiết lộ của các công ty tư vấn bất động sản quốc tế,

Việt Nam đang lọt vào mắt xanh của nhiều đại gia bất động sản từ các nước Nhật Bản, Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc... Cùng với đó, các đại gia danh tiếng từ khu vực Trung Đông và Nga cũng đang có kế hoạch muốn mở rộng đầu tư vào bất động sản tại 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM.

Tin mới lên