Doanh nghiệp

Doanh nghiệp ‘tố’ Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh sai sót nghiệp vụ

(VNF) - Ra Quyết định buộc doanh nghiệp nộp thuế, nhưng mọi lập luận của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đều bị tố ngược là "dùng biện pháp suy luận không đúng, không khoa học logic, thiếu cơ sở và tùy tiện áp đặt cho doanh nghiệp một cách thiếu trách nhiệm".

Doanh nghiệp ‘tố’ Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh sai sót nghiệp vụ

Bị Cục Hải quan buộc nộp thuế vô lý, doanh nghiệp phản pháo toàn bộ lập luận

Bỗng dưng nợ thuế

Doanh nghiệp đứng ra tố ngược Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh nói trên là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Du học quốc tế Thế Hoa, xoay quanh việc nhập khẩu bột ngọt của công ty này.

Trong đơn thư khiếu nại gửi lên Tổng cục Hải quan, Công ty Thế Hoa cho biết, trong hai ngày 28/12/2015 và 5/1/2016, công ty có mở 2 tờ khai Hải quan lần lượt mang số 100689455421 và 100697641331 tại cửa khẩu khu vực I – thành phố Hồ Chí Minh để nhập khẩu mặt hàng bột ngọt. Hai lô hàng của 2 tờ khai nói trên đã được Hải quan bộ phận tiếp nhận của Hải quan khu vực I làm thủ tục cho thông quan.

Bất ngờ đến ngày 11/3/2016, công ty nhận được thông báo của Hải quan khu vực I – thành phố Hồ Chí Minh (cảng Cát Lái) yêu cầu mang chứng từ nhập khẩu lô hàng mì chính, bột ngọt theo tờ khai số 100727822640 ngày 27/1/2016, đến cơ quan để làm việc với công chức Trần Văn Thành.

Ngay sau khi nhận được thông báo trên, công ty Thế Hoa đã ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Kim Chuyên đến làm việc với ông Thành. Tại buổi làm việc, bà Chuyên đã trình bày nguyên nhân và trình tự kế hoạch kinh doanh bột ngọt của công ty Thế Hoa, theo đúng yêu cầu của ông Thành.

Tuy nhiên, khi kết thúc buổi làm việc, ông Thành không lập biên bản, cũng không ký xác nhận đã làm việc với bà Chuyên mà chỉ yêu cầu về làm giải trình gửi Chi cục Khu vực I.

Thời gian sau, công ty Thế Hoa nhận được thông báo số 798/TB-HQHCM do Trưởng phòng Đỗ Hữu Toàn ký ngày 2/3/2016, về việc kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan Hải quan. Thông báo kết luận bác bỏ mức giá khai báo theo phương pháp trị giá giao dịch đối với các tờ khai nhập khẩu của công ty, không chấp nhận tính thuế theo giá trị đã ghi trên hợp đồng.

Sau khi nhận được thông báo này, Công ty Thế Hoa tiếp tục cử bà Chuyên vào làm việc. Tại buổi làm việc, bà Chuyên khẳng định cho đến thời điểm hiện tại, công ty Thế Hoa không hề nhận được văn bản thông báo nào của Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh về việc kiểm tra sau thông quan như mục 4 - Ý kiến của công ty được kiểm tra (nội dung thông báo số 798), cũng như công ty không biết, không cập nhật bất kỳ thông tin quyết định nào như số 628QĐ-HQHCM ngày 27/1/2016.

Công ty Thế Hoa đã gửi đơn khiếu nại tới Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh và Chi cục Khu vực I. Đang trong thời gian chờ đợi ý kiến của cơ quan Hải quan thì công ty lại tiếp tục nhận được thông báo số 51/TB-KVI ngày 4/4/2016 về việc tiền thuế nợ và tiền phạt chậm nộp. Điều này đồng nghĩa với việc, công ty Thế Hoa bị nhìn nhận là đang nợ thuế và cố tình không thực hiện nghĩa vụ với cơ quan thuế.

Hải quan suy luận thiếu cơ sở và tùy tiện

Ngày 7/5, công ty có buổi đối thoại với Cục Hải quan để xem xét vấn đề. Song, đến ngày 19/5/2016, công ty lại nhận được Quyết định số 31QĐ-GQKN của Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh. Theo mục 3 của Quyết định thì Cục căn cứ vào nhiều cơ sở để kết luận "xác định trị giá tính thuế theo phương pháp suy luận là đúng". Tuy nhiên, phương pháp suy luận này bị công ty Thế Hoa cho là "không đúng, không khoa học logic, thiếu cơ sở và tùy tiện áp đặt".

Cụ thể, Điểm 1, điều III của Quyết định 31 suy luận về giải trình của công ty Thế Hoa về việc không nhận được Quyết định số 682/QĐ-HQHCM như sau "Cơ quan Hải quan đã gửi Quyết định này phong thư đảm bảo và không bị trả lại người gửi, do vậy, cán bộ Hải quan suy luận chắc chắn rằng phong bì bảo đảm này chắc chắn được giao tới tay người nhận".

Công ty Thế Hoa phản biện cho rằng, không phải cứ phong bì đảm bảo không bị trả lại là chắc chắn đến tay người nhận. Công ty yêu cầu cơ quan Hải quan xem xét, yêu cầu xác minh lại bên cơ quan, tổ chức làm nhiệm vụ chuyển phát phong bì, để có sự trả lời chuẩn về việc ai đã ký nhận phong bì này. Công ty cũng yêu cầu phía Hải quan cho xem cuống phiếu ghi vận chuyển bảo đảm để công ty hiểu rằng việc gửi phong bì bên phía Hải quan là hoàn toàn đúng. Nhưng cơ quan Hải quan đã im lặng.

Điểm 2, điều III của Quyết định 31 suy luận: Đối với lô hàng thuộc tờ khai 100689455420/A11 ngày 28/12/2015 hồ sơ có sự mâu thuẫn, trên hợp đồng mua bán có ghi điều kiện mua hàng giá CIF Ho Chi Minh nhưng khi phát hành Invoice thì lại ghi giá CFR Cát Lái HCM. Giám đốc giải thích do lỗi kỹ thuật của phía đối tác phát hành nhưng cán bộ Hải quan tự điều chỉnh là nhầm (trong thực tế làm việc) đây là hai điều kiện giao hàng khác nhau.

Công ty Thế Hoa phản biện cho rằng, lỗi văn bản là không thể tránh khỏi, hơn nữa việc phát hành của đối tác bị sai sót hay nhầm lẫn không thuộc chủ ý của công ty. Còn hai điều kiện giao hàng trong thỏa thuận mua bán đúng là có khác nhau, vì liên quan đến việc chi trả, song ở đây đều là giao hàng ở cảng thành phố Hồ Chí Minh. Nếu chỉ căn cứ vào lỗi kĩ thuật văn bản mà phía Hải quan suy luận giá doanh nghiệp khai trên là không đúng thì phía doanh nghiệp cũng sẵn sàng công bố những lỗi nghiệp vụ của chính cán bộ Hải quan thành phố Hồ Chí Minh phát hành.

Điểm 3, điều III, Quyết định 31 suy luận: Trên hợp đồng mua bán thỏa thuận trả trước tháng 11/2015 số tiền hơn 32 nghìn USD, số còn lại hơn 75 nghìn USD trả sau khi thấy B/L copy, doanh nghiệp đã trả cho người bán 3 lần không theo như đã thỏa thuận. Giám đốc giải trình lần đầu do công ty chưa chuẩn bị đủ tiền nên chuyển trước số tiền đó để bên bán hàng xếp hàng cho công ty.

Điện chuyển tiền ngày 15/12/2015 thể hiện thanh toán cho hợp đồng SDXN201511181 trong khi hợp đồng thực tế của lô hàng là SDXN2015118H, giám đốc giải thích do phía ngân hàng đánh mát nhầm (thực tế phía công ty trả lời như vậy với cán bộ Hải quan, của và kích cỡ 40 là 1140 USD/tấn nhưng trên hợp đồng mua bán, kích cỡ 30 lại là 1140 USD/tấn.

Công ty Thế Hoa phản biện cho rằng lỗi kỹ thuật văn bản là điều rất phổ biến, ngay cả phía ngân hàng khi phát hành hóa đơn chuyển tiền còn bị mắc lỗi nhưng cán bộ Hải quan cố tình không muốn hiểu. Việc đến ngân hàng kiểm tra là nằm trong nghiệp vụ của cán bộ điều tra xác minh và khi chưa có văn bản xác minh thì không được cấu thành lỗi của chủ doanh nghiệp.

Còn việc trong hợp đồng ghi trả 2 lần nhưng doanh nghiệp phải trả đến 3 lần cũng không có gì lạ. Doanh nghiệp nào mà không luôn luôn thiếu vốn? Và khi chưa huy động đủ tiền thì việc chuyển tiền như đã cam kết để chủ hàng không ngừng xếp hàng là chuyện đương nhiên, quan trọng là sau đó doanh nghiệp vẫn trả đủ tiền. Liệu có ai thắc mắc tôi chưa có tiền, xin trả thêm lần nữa mà lại thành nghi ngờ tính trung thực hay không?

Về kích cỡ và giá thành ghi trên hợp đồng thì việc vạch lỗi "kích cỡ hạt 30 có giá 1150 USD/tấn và 1130 USD/tấn nhưng trong chứng từ lại là kích cỡ 40 giá 1140 USD/tấn", đã thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, cẩn thận của cán bộ Hải quan khi xem xét hợp đồng.

Trong hợp đồng doanh nghiệp "Sale Contract SDXN2015118H thì điều khoản giá cả hàng hóa ghi rõ ràng kích cỡ 30 loại 99% và 40 loại 99% trở lên đều có giá 1140 USD/tấn". Sự việc trên cho thấy tính áp đặt đại khái chủ quan của cán bộ Hải quan thành phố Hồ Chí Minh.

Việc suy luận căn cứ vào hóa đơn xuất GTGT của công ty thấp hơn giá nhập khẩu nên rất vô lý, vì cán bộ Hải quan suy luận rằng đã mua về thì bán ra tất có lãi. Đây là cách hiểu rất sơ sài về thị trường. Thực tế, công ty phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ, hàng tồn kho còn rất nhiều, hàng mới về đã bị o ép, đành chấp nhận giá thấp để giữ bạn hàng và tránh tồn vốn phải trả lãi lâu.

Với những phân tích phản biện như trên, công ty Thế Hoa mong muốn Tổng cục Hải quan xem xét, xác minh lại để doanh nghiệp không bị oan ức và tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh.

Tin mới lên