Doanh nghiệp

Lo cho logistics khi hội nhập

(VNF) - Điểm yếu của kinh tế Việt Nam là năng lực cạnh tranh thương mại còn thấp, chuỗi cung ứng hàng hóa và hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics chưa hoàn thiện.

Lo cho logistics khi hội nhập

Ảnh minh họa tư liệu của VNPlus

Chi phí logistics chiếm tới 25% GDP

Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, việc nâng cao các dịch vụ, cơ sở hạ tầng và thương mại sẽ đóng góp vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu các ngành mũi nhọn của Việt Nam, nhưng cần tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại, giá trị cạnh tranh và ngành logistics hiệu quả.

"Tăng cường hội nhập trong lĩnh vực cảng biển sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam có giá trị kinh tế cao hơn, nhưng để làm được điều này cần cải cách thể chế ở tầm vĩ mô, tập trung tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và tạo cạnh tranh với các quốc gia khác", bà Victoria nhấn mạnh.

Thống kê của nhiều tổ chức cho thấy, chi phí cho dịch vụ logistics (gồm các dịch vụ kho bãi, vận tải, bốc dỡ) tại Việt Nam khá cao, chiếm tới 25% GDP trong khi ở các nước phát triển chỉ từ 9 - 15%; trong đó chi phí vận tải chiếm 30 - 40% giá thành sản phẩm, tỷ lệ này là 15% ở các quốc gia khác. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của dịch vụ, hàng hóa của doanh nghiệp Việt.

Sự thiếu đồng bộ của các phương thức vận chuyển đang tạo ra sự tắc nghẽn dòng dịch chuyển logistics, làm tăng chi phí và hạn chế sự phát triển của ngành logistics trên phạm vi cả nước.

Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Công ty Gemadept Logistics, hiện ngành logistics Việt Nam chủ yếu phát triển ở quy mô doanh nghiệp nhỏ, dịch vụ và phạm vi hoạt động còn yếu, trong khi có ít công ty lớn có tài sản và hạ tầng logistics, đa dạng dịch vụ và giải pháp logistics trọn gói.

"Có không ít doanh nghiệp có nhiều tài sản kho bãi nhưng chỉ thực hiện với hình thức cho thuê (2PL) với dịch vụ đơn giản. Thị trường sẽ vẫn tồn tại số đông doanh nghiệp nhỏ như hiện nay với lượng khách hàng không lớn trong phạm vi số ít dịch vụ nhất định, như khai thuê hải quan, vận tải và giao nhận.

Mỗi doanh nghiệp có hướng đi riêng tùy theo chiến lược của mình, nhưng để phát triển mạnh trong dài hạn thì phải đầu tư về công nghệ, con người, cơ sở vật chất và hệ thống quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường và các khách hàng lớn", ông Hải nhấn mạnh.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đánh giá, chất lượng dịch vụ logistics hiện nay tại Việt Nam chưa cao, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp gặp không ít rủi ro khi thuê phải đơn vị vận tải không chuyên nghiệp dẫn đến chi phí tăng cao, chất lượng hàng hóa bị ảnh hưởng trong khi thời gian giao hàng không đảm bảo.

"Công ty nước ngoài rất quan tâm đến việc đầu tư vào các kho ngoại quan để dự trữ hàng, lúc cần là xuất hoặc nhập khẩu ngay được. Trong khi đó, kho ngoại quan của chúng ta quá thiếu và yếu, nhiều hàng hóa của Việt Nam phải tập kết ở kho ngoại quan Singapore khiến doanh nghiệp gặp khó, nhà nước thất thu rất nhiều", ông Nam lưu ý.

Cần sớm quy hoạch hạ tầng cho logistics

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Tổng giám đốc Công ty CP Giao nhận vận tải U&I (U&I Logistics) cho rằng phải sớm có các phương án khả thi để quy hoạch lại hạ tầng cho phát triển ngành logistics, bởi nếu không thì chỉ trong 10 - 15 năm nữa, các địa phương sẽ không còn quỹ đất xây dựng trung tâm logistics.

Phải xem xét sự đồng bộ giữa việc xây dựng cảng, bến, trung tâm logistics, hệ thống đường giao thông, các phương tiện vận chuyển, nâng hạ, xếp dỡ… và có thêm tiêu chuẩn với hạ tầng logistics để xây dựng cơ sở hạ tầng đạt chuẩn quốc tế.

Theo ông Phúc, khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực và AEC chính thức hình thành thì doanh nghiệp logistics Việt Nam sẽ trở thành những nhân tố quan trọng tham gia vào "con đường logistics" kết nối các thành viên AEC với nhau.

Tuy vậy, ngành logistics Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, bởi hội nhập đồng nghĩa với cạnh tranh bình đẳng, và thị trường Việt Nam là miếng bánh màu mỡ mà doanh nghiệp logistics nước ngoài không thể bỏ qua, không còn chỗ cho kiểu "ăn xổi ở thì".

Còn theo ông Phạm Hồng Hải, để cải thiện năng lực logistics tại khu vực trọng điểm Đông Nam Bộ, cần quy hoạch phát triển các trung tâm logistics cho khu vực xung quanh TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.

Mặt khác, cần mở đường cao tốc nối Bình Dương - Đồng Nai - TP.HCM đi cảng Cái Mép và hạn chế sản lượng thông qua cảng khu vực TP.HCM (Cát Lái, Q.7, dưới 1,5 triệu TEU/năm) để giảm kẹt xe tại khu vực này.

Hàng hóa xuất nhập khẩu phải được thông qua tại các cảng nước sâu khu vực Cái Mép và nhờ vậy sẽ khai thác hết tiềm năng các cảng nước sâu, giảm chi phí vận tải và áp lực giao thông đường bộ lên các tuyến giao thông đô thị.

Bên cạnh đó, có một thực tế là Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển cảng biển nước sâu quy mô lớn, nhưng cho đến giờ vẫn chưa có nhiều cảng biển đạt chuẩn quốc tế được đầu tư và còn quá ít doanh nghiệp tham gia đầu tư, quản lý cảng biển mang tầm quốc tế.

Tin mới lên