Doanh nghiệp

Mặt bằng bán lẻ: Cuộc thôn tính của những "tay chuyên nghiệp"

Thị trường mặt bằng bán lẻ đang chứng kiến cuộc ganh đua quyết liệt giữa các giữa các thương hiệu lớn, khi lĩnh vực này được dự báo sẽ bùng nổ trong những năm tới nhờ sức tiêu dùng trong nước đang gia tăng, và sự đổ bộ của nhiều mặt hàng nước ngoài do hàng rào thuế quan được gỡ bỏ.

Mặt bằng bán lẻ: Cuộc thôn tính của những "tay chuyên nghiệp"

Cuộc đua giữa tên tuổi lớn trong lĩnh vực bán lẻ đang diễn ra âm thầm không chỉ trên thị trường Hà Nội mà còn trên phạm vi cả nước

Dù không phải là ngày nghỉ cuối tuần, nhưng sự kiện khai trương Aeon Mall Long Biên vẫn thu hút hàng nghìn người tới tham dự. Cùng với hệ thống siêu thị Aeon riêng của mình, tập đoàn bán lẻ Nhật Bản cũng đã thành công trong việc thu hút các thương hiệu lớn về thời trang, ẩm thực hay giải trí đến thuê gần như kín hết mặt bằng.

Thị trường "khó tính"

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của Cty Cushman & Wakefield, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại thị trường Hà Nội trong quý 3 năm nay đạt 971.000 m2, tăng 2,3% theo quý và 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Diện tích mặt bằng sẽ tiếp tục tăng lên trong quý 4, sau khi Aeon Mall Long Biên gia nhập thị trường và Vingroup cũng sẽ mở cửa trung tâm thương mại Vincom Nguyễn Chí Thanh có tổng diện tích 65.000 m2.

Đối với người tiêu dùng, sự xuất hiện của Aeon Mall Long Biên sẽ mang lại một lựa chọn mới cũng như một trải nghiệm mới. Nhưng với nhiều trung tâm thương mại khác, đó sẽ là một áp lực mới. Dù không nằm ở khu vực trung tâm thành phố, nhưng khoảng cách từ Aeon đến khu vực trung tâm là không quá xa. Thực tế, trung tâm thương mại này chỉ cách các trung tâm thương mại khác như Times City, Savico Long Biên và Vincom Long Biên một khoảng cách là 4 km. Hơn nữa, đây là dự án trung tâm thương mại có quy mô lớn nhất tại khu vực phía Đông của thành phố.

Thực tế thì nguồn cung mặt bằng bán lẻ hiện tại ở Hà Nội đang dư thừa khoảng 15%. Tuy vậy, việc các dự án trung tâm thương mại liên tục được bổ sung vào thị trường thời gian qua đã khiến cho giá thuê mặt bằng bán lẻ trung bình giảm tới 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, mức giá trung bình cho thuê mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội cũng đang thấp hơn TP HCM, khoảng 81 USD mỗi m2 so với 95 USD, theo khảo sát của Cty tư vấn bất động sản CBRE. Ông Richard Leech, Giám đốc của CBRE, cho biết nguồn cung lớn khiến thị trường Hà Nội nhạy cảm hơn. Cư mỗi khi nguồn cung tăng, giá thuê sẽ chịu sức ép và giảm xuống.

Đã có nhiều thương hiệu lớn phải rút khỏi các trung tâm thương mại, do lượng khách đến ít. Điển hình như trường hợp của Parkson đóng cửa gian hàng tại trung tâm thương mại Keangnam Landmark. Hay như Grand Plaza, dù nằm giữa khu vực đông dân cư, nhưng đã phải đóng cửa từ năm 2013, mà chưa biết khi nào mở lại.

Ông Yukio Konishi – Chủ tịch kiêm TGĐ Aeon Mall Việt Nam cho rằng sẽ có một cuộc cạnh tranh mạnh trên thị trường bán lẻ Hà Nội trong thời gian sắp tới. Với kinh nghiệm của mình, ông Yukio Konishi cũng khẳng định việc nhiều trung tâm thương mại phải đóng cửa là "chuyện đương nhiên". "Họ không chuyên nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ và kinh doanh trung tâm thương mại. Mục đích chính của những dự án đó là bán nhà chứ không phải nhắm vào trung tâm thương mại, nên đó là điều dễ hiểu", ông Yukio Konishi khẳng định.

Chính vì vậy, để tồn tại dài hạn ở Hà Nội, ông Yukio Konishi cho rằng các trung tâm thương mại cần quan tâm đến chất lượng dịch vụ, bởi lẽ thị trường Hà Nội theo ông là một thị trường khó tính. "Trung tâm thương mại phải là nơi để cuối tuần người tiêu dùng đến giải trí và mua sắm. Khi thấy thích rồi thì họ sẽ đến tiếp", ông nói.

Cuộc đua "nóng" dần

Không phải chỉ bó hẹp ở thị trường Hà Nội, cuộc đua giữa tên tuổi lớn trong lĩnh vực bán lẻ đang diễn ra âm thầm trên phạm vi khắp cả nước, và ngày càng "nóng" hơn. Mới đây nhất Vingroup đã thông báo hoàn tất thương vụ mua lại 100% cổ phần của hệ thống Trung tâm thương mại – siêu thị Maximark thuộc Cty Cổ phần đầu tư An Phong. Qua đó, Vingroup đã nắm trong tay toàn bộ 9 hệ thống trung tâm thương mại và siêu thị uy tín khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ của Maximark. "Thương vụ Maximark nằm trong chiến lược tăng tốc mở rộng hệ thống bán lẻ Vingroup trên toàn quốc", ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup khẳng định.

Tính đến tháng 10/2015, hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+ đã có 125 cơ sở. Hệ thống Vincom Retail cũng đã có 12 TTTM Vincom và Vincom Mega Mall đã đi vào hoạt động, dự kiến sẽ tăng lên gần 40 TTTM vào năm 2016 và tiến tới phát triển 100 TTTM trên toàn quốc vào năm 2020. Mục tiêu của Vingroup là xây dựng một hệ thống phân phối bán lẻ thương hiệu Việt đạt đẳng cấp quốc tế, có khả năng đối trọng với các thương hiệu bán lẻ nước ngoài nổi tiếng vào Việt Nam.

Lotte, một thương hiệu lớn của Hà Quốc, cũng đang liên tục mở rộng sự hiện diện của mình trong lĩnh vực bán lẻ. Dù đã có trong tay dự án Lotte Landmark, Lotte cũng đã nhanh chóng thâu tóm luôn trung tâm thương mại Pico Mall cách đó không xa. Tại TP HCM, tập đoàn này cùng với các đối tác Nhật Bản là Toshiba và Mitsubishi cũng đang chuẩn bị cho dự án Ecosmart City có vốn đầu tư 2 tỷ USD.

Theo ông Richard Leech, các nhà đầu tư đã nhìn thấy cơ hội lớn khi VN tham gia vào các hiệp định thương mại tự do. Khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, hàng hóa sẽ vào VN nhiều hơn, rẻ hơn và người tiêu dùng sẽ chi tiêu nhiều hơn.

Rõ ràng, nhiều tập đoàn bán lẻ đang lo lắng rằng nếu chậm chân, họ sẽ khó tìm được những vị trí đẹp và thua kém hơn đối thủ. Cuộc đua chiếm lĩnh thị trường trong lĩnh vực này gay gắt đến mức Aeon đã phải nghĩ đến cách mới để mở rộng sự hiện diện ở VN một cách nhanh nhất. "Chúng tôi đang suy nghĩ có cách nào đỡ phải đầu tư quá nhiều tiền và mở rộng nhanh hơn không", ông Yukio Konishi nói. Điều đó gợi ý rằng Aeon có thể sẽ tiến hành các thương vụ mua bán và sát nhập trên thị trường, giống như tập đoàn này đã làm với Citimart và Fivimart hồi cuối năm ngoái. Và cuộc đua trong thị trường bán lẻ không dừng lại ở đó.

Tin mới lên