Doanh nghiệp

SCG: Doanh thu và lợi nhuận tăng nhờ gạch men

(VNF) - Báo cáo kết quả kinh doanh quý III/ 2015 của Tập đoàn SCG cho thấy, lợi nhuận tập đoàn này đã tăng lên nhờ vào hiệu quả hoạt động ngành gạch men.

SCG: Doanh thu và lợi nhuận tăng nhờ gạch men

Thành công hiện tại của SCG có bóng dáng thương vụ mua lại 85% cổ phần Prime

Kết thúc quý III/2015, SCG tại Việt Nam báo cáo doanh thu bán hàng quý III năm 2015 đạt 3.825 tỷ đồng (174 triệu USD), tăng 5% so với cùng kỳ năm trước nhờ hiệu quả kinh doanh ngành gạch men. Tổng cộng 9 tháng năm 2015, doanh thu bán hàng tại thị trường Việt Nam đạt 10.190 tỷ đồng (463 triệu USD), tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo của Tập đoàn Xi măng Siam (SCG), SCG tại Việt Nam hiện đang sở hữu tổng giá trị tài sản lên tới 16.061 tỷ đồng (707 triệu USD), tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ khoản đầu tư vào Prime Group và thương vụ mua lại Công ty cổ phần Bao bì nhựa Tín Thành (Batico). 

Tại Việt Nam, SCG hiện có 22 công ty đang hoạt động kinh doanh, tập trung vào 3 lĩnh vực chính là xi măng - vật liệu xây dựng, hóa dầu, và bao bì.

Trước đó, hồi cuối tháng 7, SCG thông báo đã hoàn tất thương vụ mua lại 80% cổ phần của Công ty cổ phần Bao bì nhựa Tín Thành (Batico) với giá 1,5 tỷ baht (khoảng 44,4 triệu USD vào thời điểm diễn ra thương vụ). 

Batico thuộc top 5 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm bao bì với công suất 230 triệu m2/năm. Với việc thâu tóm doanh nghiệp này, SCG đã nâng số lượng nhà mày sản xuất bao bì nhựa mềm phức hợp lên con số 4, trong đó có hai nhà máy tại Việt Nam. 

Được Nhà vua Rama VI sáng lập năm 1913, Tập đoàn SCG có nhiệm vụ ban đầu nhằm hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng của Thái Lan. Trải qua hơn một thế kỷ phát triển, SCG trở thành một trong những tập đoàn lớn trong khối ASEAN. Trong năm 2011, SGC được xếp hạng là công ty lớn thứ 2 tại Thái Lan và thứ 620 trên toàn thế giới bởi Forbes.

Tập đoàn hoạt động đa ngành, tập trung vào 3 lĩnh vực chính là xi măng - vật liệu xây dựng (SCG Cement-Building Materials), hóa dầu (SCG Chemicals), và bao bì (SCG Packaging). SCG hiện có hơn 200 công ty con cùng hơn 51.000 nhân viên.

Theo báo cáo quý III/2015, tính tới ngày 30/9/2015, tổng tài sản của SCG đạt 317.041 tỷ đồng, trong đó tổng giá trị tài sản của SCG trong khu vực Đông Nam Á (trừ Thái Lan) đạt 63.755 tỷ đồng, chiếm 20% tổng giá trị tài sản hợp nhất của SCG.

SCG bắt đầu mở rộng hoạt động sang Việt Nam như một quốc gia chiến lược từ năm 1992. Mặc dù mới thâm nhập vào thị trường Việt được 23 năm, tập đoàn này cũng đã có trong tay hơn 20 thương vụ mua bán, sáp nhập, trong đó, có những vụ mua bán với giá trị lên tới cả vài trăm triệu USD. Một trong những thương vụ lớn nhất phải kế đến vụ thâu tóm Prime Group.

Hiện tại, SCG hiện có 22 công ty đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam với tổng giá trị tài sản hơn 716 triệu USD, và hơn 6.500 nhân viên Việt Nam.

Thông tin từ SCG cho biết, hiện tập đoàn này đang tiếp tục thực hiện kế hoạch đầu tư ở Đông Nam Á như xây dựng nhà máy xi măng tại Campuchia vận hành giai đoạn II các nhà máy xi măng tại Myanmar và Lào dự kiến hoạt động vào năm 2016 và 2017. SCG cũng tiếp tục theo đuổi chiến lược phát triển các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng cao tuổi.

Tin mới lên