Doanh nghiệp

SCIC bị đề nghị xử lý vì tự rút khỏi dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Ban quản lý dự án ATGT vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị áp dụng chế tài xử lý Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC) trong việc tự ý rút khỏi liên danh nhà đầu tư Dự án đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.

SCIC bị đề nghị xử lý vì tự rút khỏi dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Lễ khởi công dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn hồi tháng 7/2015

Đề xuất này được đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra trong văn bản đề nghị Bộ GTVT chấp thuận việc điều chỉnh kết quả chỉ định nhà thầu tư. Cụ thể, điều chỉnh Liên danh BOT Bắc Giang – Lạng Sơn bao gồm 6 thành viên: Công ty cổ phần Đầu tư UDIC; Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC; Công ty CP Đầu tư và XDGT Phương Thành; Công ty CP Giao thông xây dựng số 1; Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà thành: Liên danh BOT Bắc Giang – Lạng Sơn bao gồm 5 thành viên: Công ty CP Đầu tư UDIC; Công ty CP Đầu tư và XDGT Phương Thành; Công ty CP Giao thông xây dựng số 1; Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà.

Trước đó, chỉ sau 1 tháng khởi công (tháng 7/2015), SIC – Công ty thành viên thuộc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước đã xin rút khỏi Dự án đầu tư tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn đoạn Bắc Giang – Lạng Sơn theo hình thức Hợp đồng BOT với lý do "xuất hiện một số yếu tố khách quan, khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý có thể làm ảnh hưởng đến việc triển khai Dự án".

Theo Quyết định số 1531/QĐ – BGTVT của Bộ GTVT, Dự án do Liên danh các nhà đầu tư được chỉ định thực hiện gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư UDIC, Công ty TNHH một thành viên đầu tư SCIC, Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành, Công ty Cổ phần đầu tư 468, Công ty Cổ phần Giao thông xây dựng số 1 và Công ty TNHH xây dựng Mỹ Đà.

Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án ATGT, việc xử lý này nhằm răn đe các trường hợp có thể xảy ra, cũng như xem xét khả năng không cho SIC tham gia các dự án khác.

Dự án đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn có  tổng mức đầu tư gần 13.000 tỷ đồng theo hình thức BOT (xây dựng- kinh doanh- chuyển giao).
Tuyến cao tốc này có điểm đầu tại km45+100 (nút giao với Quốc lộ 1 xã Mai Sao, Chi Lăng, Lạng Sơn), điểm cuối tại km 108+500 (nút giao Quốc lộ 3 tiếp giáp với dự án đầu tư xây dựng cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 Hà Nội-Bắc Giang).

Tổng chiều dài đối với tuyến cao tốc khoảng 63,5km; quy mô 4 làn xe cơ giới chiều rộng từ 25-33m; trên tuyến xây dựng 4 nút giao liên thông và 4 nút trực thông; 20 cầu cầu vượt dòng chảy và địa hình, 5 cầu đường ngang vượt đường cao tốc, 69 cống chui dân sinh…

Đối với đoạn tăng cường trên Quốc lộ 1 Bắc Giang- Lạng Sơn có điểm đầu tại km1+800 (thị trấn Đồng Đăng, TP Lạng Sơn), điểm cuối km112+000 (xã Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang) với chiều dài khoảng 110km.

Nhằm thu hồi vốn cho dự án, Ban QLDA An toàn giao thông đề xuất xây dựng 5 trạm thu phí tại các nút giao liên thông trên đường cao tốc và xây dựng bổ sung thêm 2 trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 1. Dự kiến dự án có thời gian hoàn vốn sau 21 năm.

Dự án đã được chính thức khởi công vào tháng 7/2015 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018.

Theo Chủ tịch HĐQT Cty CP đầu tư xây dựng Phương Thành – Phạm Văn Khôi, đại diện chủ đầu tư, tuyến đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội khu vực phía Bắc, nằm trong tổng thể quy hoạch của đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn nối từ TP.Hà Nội tới cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn.

Dự án hoàn thành sẽ cải thiện điều kiện khai thác, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội- Bắc Giang, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực nói chung cũng như 2 tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang.

Tin mới lên