Doanh nghiệp

Từ Nokia đến Microsoft

(VNF) - ​Những câu chuyện mới kể về hành trình thương hiệu Nokia vào Việt Nam và cú lột xác từ Nokia Việt Nam sang Microsoft Mobile.

Từ Nokia đến Microsoft

Anh minh họa

Hoạt động từ tháng 6/2013, Nokia Việt Nam cũng không tránh khỏi bị tác động với những thăng trầm của công tymej. Sau khi Bộ phận thiết bị và dịch vụ của tập đoàn Nokia (bao gồm cả Nokia Việt Nam) chính thức thuộc về Tập đoàn Microsoft vào tháng 4/2014, cuối năm 2014 Nokia Việt Nam cũng rời bỏ cái tên gắn với người khổng lồ Nokia để đổi tên thành Công ty TNHH Microsoft Mobile Việt Nam, mở ra một chương mới của hãng này ở Việt Nam.

Cuộc đấu trí

Nokia Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 11/2011 và đi vào hoạt động từ tháng 6/2013. Vốn được mệnh danh là "gã khổng lồ trong lĩnh vực điện thoại", cho nên khi Tập đoàn Nokia ngỏ ý đầu tư vào Việt Nam, dư luận trong nước đã đổ dồn sự chú ý vào dự án này.

Theo kế hoạch được Nokia trình với tỉnh Bắc Ninh và Chính phủ Việt Nam, dự án nhà máy sản xuất thiết bị điện thoại di động của Công ty TNHH Nokia Việt Nam sẽ được thực hiện tại Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore ở Bắc Ninh.

Tổng vốn đầu tư của dự án là 302 triệu USD. Mục tiêu của dự án là sản xuất, gia công, lắp ráp thiết bị điện tử điện thoại di động; nghiên cứu và phát triển các sản phẩm điện thoại di động, xuất khẩu các sản phẩm này.

Song, để thuyết phục "ông lớn" khó tính này xuống tiền đầu tư là câu chuyện không hề dễ dàng bởi những đòi hỏi ưu đãi không nhỏ của Nokia. Nổi lên là việc Nokia đòi được đăng ký là doanh nghiệp công nghệ cao và đề nghị hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cụ thể miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm kể từ năm đầu tiên khi Nokia có thu nhập chịu thuế, được giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp sau khi hết 4 năm miễn thuế, chịu thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong vòng 30 năm kể từ năm đầu tiên đi vào hoạt động…

Vào tháng 5/2011 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi đó là ông Võ Hồng Phúc đã có văn bản để nói rõ những vấn đề xung quanh dự án của Nokia, đặc biệt là các ưu đãi cho dự án này.

Theo đó, Nokia là thương hiệu hàng đầu thế giới về sản xuất điện thoại di động. Nếu thu hút được dự án này sẽ không chỉ tăng uy tín của Việt Nam nói chung với các nhà đầu tư, mà còn giúp Bắc Ninh trở thành địa bàn tập trung các dự án công nghệ hiện đại, tiên tiến.

Đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động Việc thực hiện thành công dự án của Công ty TNHH Nokia Việt Nam tạo ra cơ hội và triển vọng phát triển ngành sản xuất sản phẩm công nghệ tiên tiến, hiện đại trong lĩnh vực điện tử viễn thông.

Về chủ trương, Bộ Kế hoạch và đầu ủng hộ thực hiện dự án này đầu tư tại Bắc Ninh. Thế nhưng, cơ quan quản lý về đầu tư này vẫn có điều "lăn tăn". Theo sơ đồ quy trình xuất nhập khẩu của Nokia Việt Nam, mọi giao dịch chứng từ hóa đơn với các nhà cung cấp nguyên liệu và khách hàng tiêu thụ sản phẩm trong nước/nước ngoài đều xuất và nhập trực tiếp với Nokia Phần Lan.

Nokia Việt Nam chỉ nhận nguyên liệu hàng hóa hoặc giao sản phẩm trực tiếp cho các nhà cung cấp và khách hàng trong nước/nước ngoài. Kết thúc quá trình sản xuất, Nokia Việt Nam sẽ gửi hóa đơn phí gia công sản phẩm cho Công ty Nokia ở Phần Lan.

Công ty Nokia Phần Lan sẽ bán sản phẩm cho khách hàng thương mại và Nokia Việt Nam giao hàng trực tiếp cho các khách hàng thương mại nước ngoài và trong nước của Nokia Phần Lan.

Với quy trình như vậy theo Bộ Kế hoạch và đầu tư là chưa có tiền lệ ở Việt Nam và có thể nhận thấy Nokia Việt Nam chỉ đóng vai trò là đơn vị gia công thuần túy cho Nokia Phần Lan, phần mà phía Việt Nam nhận được chỉ là phí gia công sản phẩm, chiếm tỷ lệ không đáng kể so với doanh thu và lợi nhuận mà công ty mẹ ở Phần Lan nhận được.

Quy trình xuất hóa đơn như vậy cũng làm phía Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý về mặt tài chính, thu thuế vì cũng không loại trừ hiện tượng chuyển giá xảy ra mà không kiểm tra được.

Về tỷ lệ nội địa hóa, mặc dù nhà đầu tư dự kiến đến năm 2015 tỷ lệ nội địa hóa là 40% (dựa trên số nhà cung cấp 10-12) tuy nhiên, chủ đầu tư không cam kết và cũng không có đảm bảo nào cho thấy nhà đầu tư sẽ bắt buộc phải thực hiện. Trong khi đó, đối với dự án của Samsung, nhà đầu tư bắt buộc phải ký cam kết thỏa thuận phát triển dự án (MDA) về tỷ lệ nội địa hóa, lộ trình thực hiện và báo cáo việc thực hiện tỷ lệ này.

Trong cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và đầu tư ngày 3/5/2011, Nokia đã giải thích một số vấn đề băn khoăn trên của cơ quan này. Nokia cho rằng mô hình kinh doanh mà công ty áp dụng là mô hình phổ biến được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam như điện tử, hóa chất và may mặc.

Trong các văn bản pháp quy của Việt Nam, gia công hàng xuất khẩu nhận phí gia công được gọi là gia công cho thương nhân/doanh nghiệp nước ngoài và mô hình này được công nhận trong nhiều văn bản khác nhau. Nokia khẳng định rằng không có yêu cầu nào đặc biệt hay đề nghị ưu đãi riêng nào cho Nokia ngoài những quy định hiện hành của Việt Nam.

Công ty cũng dẫn chứng hình thức gia công xuất khẩu được chấp thuận và áp dụng ở các nước như Úc, Nhật, Malaysia… và khẳng định rằng mô hình hoạt động như trên đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định thành lập nhà máy tại Việt Nam của Tập đoàn Nokia.

Trước băn khoăn việc chuyển giá, Nokia khẳng định cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất về đạo đức kinh doanh và tuân thủ đầy đủ pháp luật hiện hành của từng quốc gia và luật quốc tế.

Thỏa thuận nhưng không dễ dãi

Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư thấy rằng yêu cầu được áp dụng mô hình hoạt động gia công hàng xuất khẩu nhận phí gia công và công nhận doanh nghiệp công nghệ cao là hai điều kiện quan trọng quyết định việc đầu tư của Tập đoàn Nokia vào Việt Nam.

Vì thế, Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét các kiến nghị của Nokia trên cơ sở phù hợp quy định của pháp luật hiện hành, các cam kết quốc tế của Việt Nam, đảm bảo sự công bằng, minh bạch.

Việc áp dụng ưu đãi đầu tư cho dự án của Nokia Việt Nam thực hiện theo chế độ hậu kiểm, chỉ cho phép doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu… nếu doanh nghiệp đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chí đặt ra theo quy định hiện hành về công nghệ cao, doanh nghiệp chế xuất.

Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh có quyền điều chỉnh ưu đãi nếu trong quá trình sản xuất kinh doanh mà dự án của công ty không thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các cam kết này.

"Không xem xét giải quyết kiến nghị ưu đãi vượt khung quy định của pháp luật hiện hành, tránh tạo tiền lệ không tốt đối với môi trường đầu tư chung", Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã mạnh mẽ kiến nghị trong văn bản.

Ngoài ra, đối với việc công nhận doanh nghiệp công nghệ cao, sau khi cân nhắc giữa lợi ích mang lại của Nokia, Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị cho phép Nokia Việt Nam đăng ký là doanh nghiệp công nghệ cao, nhưng ưu đãi đầu tư áp dụng cho dự án này sẽ thực hiện theo chế độ hậu kiểm.

Trong quá trình thực hiện, nếu dự án không đáp ứng đủ tiêu chí điều kiện theo quy định thì doanh nghiệp sẽ bị thu hồi các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho dự án công nghệ cao, đồng thời các ưu đãi đầu tư sẽ được điều chỉnh tương ứng…

Cuối cùng, Bản thỏa thuận phát triển dự án được coi là phần không tách rời của Giấy chứng nhận đầu tư, trong đó đề nghị Nokia phải thực hiện các cam kết đối với dự án, về mục tiêu, quy mô tổng vốn đầu tư, thời hạn và tiến độ, bảo vệ môi trường, chính sách tiền lương…

UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đồng ý với quan điểm này của Bộ Kế hoạch và đầu tư. Trước sức hút của một tập đoàn lớn như Nokia, sau khi cân nhắc giữa lợi ích mang lại của Nokia, UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép Nokia Việt Nam đăng ký là doanh nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên ưu đãi đầu tư áp dụng cho dự án sẽ thực hiện theo chế độ hậu kiểm, đồng thời công nhận Nokia là doanh nghiệp ưu tiên. Để đảm bảo triển khai thực hiện dự án hiệu quả, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp ghi các chế tài cụ thể trong Giấy chứng nhận đầu tư để kiểm tra, giám sát và điều chỉnh các ưu đãi mà nhà đầu tư được hưởng.

Trong suốt quá trình hoạt động của Nokia thời gian qua, Bộ Kế hoạch và đầu tư không quên nhắc nhở Nokia thực hiện những cam kết này. Đầu năm 2015, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã có văn bản đề nghị Công ty TNHH Nokia Việt Nam (tên mới là Công ty TNHH Microsoft Mobile Việt Nam) báo cáo việc thực hiện các cam kết để có căn cứ xem xét về ưu đãi đầu tư áp dụng cho công ty.

Cú lột xác bất ngờ với tên mới

Hoạt động chưa được bao lâu, những biến động ở công ty mẹ tại Phần Lan đã khiến Nokia Việt Nam phải đổi chủ. Từ ngày 18/12/2014 Công ty TNHH Nokia Việt Nam chính thức đổi tên thành Công ty TNHH Microsoft Mobile Việt Nam. Tên giao dịch tiếng Anh là Microsoft Mobile (Viet Nam) Limited Liability Company.

Sở dĩ Nokia Việt Nam phải đổi tên vì trước đó, ngày 25/4/2014, bộ phận thiết bị và dịch vụ của Tập đoàn Nokia (bao gồm cả Nokia Việt Nam) chính thức thuộc về Tập đoàn Microsoft.

Tiếp sau đó, ngày 17/7/2014, lãnh đạo Tập đoàn Microsoft đã thông báo thay đổi chiến lược cho toàn bộ tập đoàn. Kết quả của sự thay đổi chiến lược này đã đưa nhà máy Nokia Việt Nam trở thành nhà máy đóng vai trò chủ lực trong việc sản xuất thiết bị điện thoại di động.

Tập này cũng thừa nhận rằng sự thay đổi lớn trong chiến lược có tác động lớn tới một số nhà máy lớn trên thế giới, song đây lại là một cơ hội lớn của nhà máy Microsoft tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện thoại di động.

Theo đó, Microsoft sẽ tiến hành đóng cửa toàn bộ các nhà máy sản xuất tại Komarom (Hungary) và một phần hoạt động của các nhà máy tại Bắc Kinh và Đông Quản (thuộc Quảng Đông, Trung Quốc), đồng thời nhà máy tại Reynosa (Mexico) sẽ được chuyển thành trung tâm sửa chữa.

Thay vào đó, nhà máy tại Bắc Ninh (Việt Nam) sẽ được tập trung phát triển cả về mặt quy mô cũng như mức độ phức tạp của sản phẩm được sản xuất tại đây.

Với định hướng này của Microsoft, số lượng dây chuyền sản xuất của nhà máy tại Bắc Ninh được tăng từ 6 dây chuyền trong năm 2013 lên tới 39 dây chuyền tính đến cuối năm 2014.

Sản lượng hàng tháng tăng hơn gấp 3 lần so với cuối năm 2013. Sản lượng cũng như độ phức tạp của sản phẩm sẽ tiếp tục gia tăng trong giai đoạn 2 được tiến hành vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015.

Cùng với định hướng kinh doanh mới, Microsoft cũng sẽ gia tăng ít nhất 50% so với lượng lao động hiện nay. Số lượng kỹ sư chuyên môn dự kiến tăng gấp 2 lần cùng với sự gia tăng đáng kể đối với số lượng kỹ thuật viên và sinh viên mới ra trường được tuyển dụng mới.

Với kế hoạch mới này, vốn đầu tư của tập đoàn này tại Việt Nam sẽ tăng thêm 220 triệu USD, giá trị xuất khẩu dự kiến đạt 1,86 tỷ USD, sản lượng đạt 76,4 triệu sản phẩm/năm.

Tại thời điểm này, trước nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng như các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để triển khai thực hiện Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN.

Đồng thời cũng để tạo thuận lợi cho Microsoft chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại Nokia từ các nước về Việt Nam, Chính phủ đã chỉ đạo tạm dừng việc triển khai Thông tư 20 của Bộ KHCN, bởi theo thông tư này, từ 1/9/2014, các dây chuyền công nghệ phải còn giá trị sử dụng từ 80% trở lên, đã sử dụng không quá 5 năm mới được nhập vào Việt Nam.

Trong một lần làm việc với Tổng cục Hải quan, bà Pat Flynn Cherenzia- Giám đốc cao cấp phụ trách kho vận toàn cầu của Tập đoàn Microsoft cho biết, tháng 7/2014, việc chuyển giao hãng điện thoại Nokia (Phần Lan) cho Tập đoàn Microsoft được hoàn tất. Sau khi có chủ sở hữu mới, hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Nokia Việt Nam trước đây đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Nếu trước đây, sản lượng chỉ đạt khoảng 4 triệu sản phẩm/tháng, đến tháng 9/2014 con số được tăng lên 9,3 triệu sản phẩm/tháng. Cuối năm 2014, tập đoàn nâng công suất ở nhà máy Bắc Ninh lên 12 triệu sản phẩm/tháng và sang giữa năm 2015 là khoảng 16 triệu sản phẩm/tháng.

Theo bà Pat Flynn Cherenzia, hiện nay có 5 nhà máy sản xuất điện thoại Nokia trên toàn cầu và nếu trường hợp hoạt động tại Việt Nam thuận lợi, Tập đoàn Microsoft sẽ chỉ duy trì và đầu tư phát triển một nhà máy sản xuất điện thoại duy nhất của tập đoàn tại Việt Nam.

Tin mới lên