Doanh nghiệp

Việt Nam – Myanmar gia tăng hợp tác đầu tư

(VNF) - Với dân số 51,4 triệu người, hơn 80% hàng hóa phải nhập khẩu và khoảng 75% dân số sống bằng nghề nông, Myanmar đang là thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp thế giới trong đó có Việt Nam.

Việt Nam – Myanmar gia tăng hợp tác đầu tư

TP Yangon - Myanmar (Ảnh dulichvietnam.com.vn)

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar (AVIM) kiêm Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV, cho biết trong 4 năm qua, đã có hơn 80 đoàn với khoảng 3.000 doanh nhân Việt đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Theo đại diện Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam, việc đầu tư vào Myanmar thuận lợi bởi từ 1/4/2012, Chính phủ Myanmar đã thực hiện chính sách tỷ giá thả nổi có kiểm soát. Động thái này được xem là bước tiến quan trọng của Myanmar nhằm loại bỏ rào cản lớn đối với hoạt động đầu tư nước ngoài.

Mặt khác, Chính phủ Myanmar khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực còn tiềm năng lớn như chế biến lâm sản, nuôi trồng và chế biến thủy sản, sản xuất hàng gia dụng, dệt may, thăm dò khai thác dầu khí… Doanh nghiệp Việt có thế mạnh ở hầu hết lĩnh vực này.

Tổng vụ Đầu tư và Quản lý công ty - Bộ Kế hoạch quốc gia và Phát triển kinh tế Myanmar cho hay, quốc gia này có nhiều chính sách miễn, giảm thuế để thu hút đầu tư nước ngoài, như: miễn thuế thu nhập 5 năm, quyền khấu trừ sụt giá, thuế thu nhập 50% với lợi nhuận xuất khẩu, miễn hoặc giảm thuế thương mại với hàng xuất khẩu…

Những trở ngại

Tuy vậy, đầu tư vào Myanmar còn gặp nhiều trở ngại buộc doanh nghiệp Việt phải vượt qua. Ở góc độ vĩ mô, Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam cho biết hệ thống luật pháp tại Myanmar còn thiếu, chưa đồng bộ và hoàn chỉnh nên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Cụ thể, Myanmar hoạt động theo chế độ liên bang. Chính quyền các bang có quy định, quyền hạn và độc lập nhất định nên việc triển khai các hoạt động đầu tư tại mỗi bang sẽ có ít nhiều khó khăn.

Vấn đề khá quan trọng là Myanmar chưa cho mở ngân hàng Việt tại đây nên doanh nghiệp Việt sẽ gặp khó khi phải thực hiện thanh toán thương mại qua một số cơ chế tài chính trung gian (chỉ đến đầu tháng 10 vừa qua Chính phủ Myanmar mới cấp phép đầu tiên cho 9 ngân hàng nước ngoài được hoạt động tại nước này, nhưng không có ngân hàng nào của Việt Nam).

Thậm chí, Luật Đầu tư nước ngoài mới được Chính phủ Myanmar ban hành nhưng chưa có tính đột phá nhằm thu hút đầu tư.

Còn theo Trung tâm nghiên cứu BIDV, đầu tư sang Myanmar sẽ gặp nhiều trở ngại bởi rủi ro trong thanh toán và đầu tư, phi phí cao, người lao động yếu tay nghề, thủ tục xin cấp phép đầu tư còn nhiều bất cập, các chính sách miễn giảm thuế chưa rõ ràng.

Đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp còn ở mức cao so với khu vực (30% so với 25% của Việt Nam, 17,5% của Singapore).

Cơ sở hạ tầng yếu kém cũng là thách thức lớn khi Myanmar thiếu điện, nước, đường sá, cảng cạn và cảng nước sâu; các ngân hàng Myanmar chưa thực hiện tài trợ thương mại và dự án, chưa có thị trường tiền tệ và thanh toán liên ngân hàng; hệ thống thủy lợi kém, sản lượng nông nghiệp thấp, khí hậu khắc nghiệt, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm khá lớn, độ ẩm thấp ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Dù nhu cầu hàng hóa tại Myanmar còn rất cao, nhưng hàng Việt vào Myanmar sẽ gặp khó do thời gian vận chuyển dài (khoảng 12 ngày bằng đường biển) và chi phí vận chuyển cao (trung chuyển qua Singapore).

Trong khi đó, do có đường biên giới giáp với Trung Quốc và Thái Lan nên hàng hóa của hai quốc gia này sẽ thuận lợi hơn. Tuy vậy, với chất lượng sản phẩm khá cao, hàng Việt nếu tiếp cận đúng cách sẽ thuyết phục được người dân bản xứ.

Cải cách để hấp dẫn đầu tư

Đầu tháng 9/2014, trong chương trình thăm chính thức Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Myanmar Thura U Shwe Mann khẳng định, quốc gia này đang đặt trọng tâm vào việc cải cách thể chế, mở cửa thị trường để phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của người dân.

Ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch AVIM cho biết, AVIM sẽ tư vấn, hỗ trợ và hướng các nhà đầu tư vào đầu tư các dự án mà Việt Nam có thế mạnh như nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, tài chính ngân hàng, sản xuất cơ khí...

Theo ông Hà, AVIM đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ Myanmar tiếp tục xây dựng khung pháp lý theo hướng mở cửa, thiết lập và hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài, xác nhận quyền sở hữu tài sản đầu tư tại Myanmar cho các doanh nghiệp Việt Nam.

AVIM cũng mong muốn Myanmar đẩy nhanh tiến độ cấp phép các dự án của Việt Nam trong lĩnh vực dệt may, nông nghiệp, y tế, năng lượng, sản xuất vật liệu xây dựng, tài chính, ngân hàng…

Cụ thể, với một số dự án trọng điểm, AVIM mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi để sớm thành lập ngân hàng BIDV tại Myanmar; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty PVEP tiến hành khoan thăm dò và tiến tới khai thác dầu khí trên đất liền.

Cùng với việc VietnamAirlines tăng 10 chuyến/tuần thì AVIM đề nghị Chính phủ Myanmar cho phép Vietnam Airlines tiến hành nghiên cứu khả thi liên doanh với Myanmar để mở các chuyến bay nội địa.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, AVIM cũng đề nghị phía Myanmar có những chính sách ưu đãi cho Việt Nam làm thủ tục đăng ký giống mới, nhập khẩu giống, cơ chế khuyến khích trong sản xuất cánh đồng lúa mẫu lớn và chế biến gạo xuất khẩu; thúc đẩy các dự án trồng cây công nghiệp; trồng lúa và chế biến gạo xuất khẩu, xay xát, chế biến lương thực, trồng và chế biến nông sản xuất khẩu, nuôi trồng thủy hải sản, chăn nuôi bò phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến sữa...

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Myanmar tiếp tục tăng trưởng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2014 với 134 triệu USD, gần bằng với kim ngạch cả năm 2013. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là sắt thép, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, hàng dệt may. Từ tháng 3/2014, cơ cấu mặt hàng được bổ sung thêm nhóm kim loại, bánh kẹo, các sản phẩm từ ngũ cốc, chất dẻo.

 

Tin mới lên