Thị trường

Doanh nhân Việt nói gì về kinh doanh không TPP?

(VNF) - Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, nếu không có TPP, Việt Nam vẫn phải mở cửa và phát triển thương mại.

Doanh nhân Việt nói gì về kinh doanh không TPP?

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT trả lời phỏng vấn bên lề Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN Bloomberg 2016.

Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN Bloomberg 2016 đã dành riêng một phiên để thảo luận về chủ nghĩa dân tuý (quan điểm bảo hộ thị trường nội địa) trong bối cảnh chủ nghĩa này đang nổi lên tại các nước lớn, nhất là sau khi ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ.

Giống như nhiều nước ASEAN, nền kinh tế của Việt Nam được giới chuyên gia nhìn nhận là có thể gặp nhiều tác động ít thuận lợi hơn nếu ông Donald Trump theo đuổi xu hướng bảo hộ thương mại và tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thảo luận về "mối đe doạ" từ chính quyền mới của Mỹ, ông Roger Lee (CEO TAL Apparel) nói: "Chưa ai biết ông Trump sẽ làm gì ngoài việc ông ý nói muốn mang công việc trở lại Mỹ. Chính quyền Mỹ đề xuất việc xem xét đầu tư tại Mỹ nhưng liệu có tìm được lực lượng lao động tại Mỹ hay không lại không phụ thuộc vào mong muốn của chính phủ Mỹ".

"TPP không phải là quá cần và liệu có phải là "cú giáng" của Việt Nam nếu nó không được thông qua không? TPP với một quốc gia như Việt Nam khi mà chi phí lao động đang tăng thì sẽ có thêm lợi ích là miễn thuế tuy nhiên với một công ty như chúng tôi, hiện không có TPP thì đã có đủ sức cạnh tranh rồi. Việc không có TPP do đó sẽ không làm chậm quá trình chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam", Roger Lee nói.

Ông này cũng cho biết, hiện nay TAL Apparel đang làm việc với Chính phủ Việt Nam vì chính phủ đang tạo điều kiện thuận lợi, việc xin giấy phép khá dễ dàng. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất. Dự kiến công ty này sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD cho dù có TPP hay không.

Về phía doanh nghiệp Việt Nam, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT nói: "Việt Nam đã tham gia đàm phán TPP ngay từ những ngày đầu. Nhưng nếu không có TPP, Việt Nam vẫn phải mở cửa và phát triển thương mại. Đó là xu thế không ai không theo nhưng có thể chậm lại trong trường hợp TPP không được thông qua".

Ông Phạm Văn Thinh (CEO Deloitte Việt Nam) cho rằng, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ nên xét về số lượng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi TPP không nhiều. Không có TPP, Việt Nam sẽ "kiếm" thỏa thuận song phương, đa phương khác thay thế.

Chia sẻ với về lo lắng chủ nghĩa bảo hộ sẽ quay trở lại, ông Phạm Văn Thinh cho rằng điều này sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam, song còn phụ thuộc chuyện tân Tổng thống Mỹ - Donald Trump có thực hiện đúng những gì đã cam kết trong chiến dịch tranh cử hay không.

Chủ tịch Tập đoàn FLC (FLC Group) Trịnh Văn Quyết thì cho rằng: "Nếu nói TPP không ảnh hưởng đến bất động sản Việt Nam thì không đúng nhưng ảnh hưởng không nhiều. Việt Nam tham gia bất động sản hội nhập với quốc tế chưa phải sâu rộng. Nếu có ảnh hưởng, chủ yếu các doanh nghiệp lĩnh vực hạ tầng, logistic, hạ tầng công nghiệp. Họ bị ảnh hưởng đáng kể, do ảnh hưởng đến luồng vốn, sự đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam".

"Tôi khẳng định rằng, với những chính sách và chủ trương đúng của nhà nước và đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế và am hiểu thị trường, thị trường bất động sản thương mại và đặc biệt là nghỉ dưỡng sẽ bùng nổ. Với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, có thể nói đây chỉ là giai đoạn bắt đầu và FLC là một trong những tập đoàn dẫn đầu xu thế đó", Chủ tịch FLC nói.

Tin mới lên