Tài chính

Doanh thu quý I thấp, SCIC 'xuống tiền' đầu tư dự án lớn

(VNF) - SCIC đã quyết định đầu tư góp vốn vào dự án nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam và triển khai một loạt các dự án quan trọng như dự án bệnh viện K cơ sở Tân Triều, dự án Tháp truyền hình...

Doanh thu quý I thấp, SCIC 'xuống tiền' đầu tư dự án lớn

Ngày 19/4, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thông báo về kết quả hoạt động kinh doanh quý I/2017. Theo đó, ước tính quý I/2017, doanh thu của SCIC đạt 639 tỷ đồng, bằng 22% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 584 tỷ đồng, bằng 7% kế hoạch năm 2017 và bằng 28% so với cùng kỳ năm trước. Tương ứng, lợi nhuận sau thuế đạt 503 tỷ đồng, bằng 29% so với cùng kỳ năm 2016. 

Như vậy, hoạt động kinh doanh của SCIC trong quý I/2017 đạt khá thấp so với mục tiêu đề ra. Năm 2017, SCIC đặt kế hoạch 11.241 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế 8.330 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 7.343 tỷ đồng.

Về kết quả thực hiện bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quý I/2017, SCIC đã thực hiện bán vốn tại 7 doanh nghiệp với giá vốn là 37 tỷ đồng, thu được là 44 tỷ đồng, bằng 1,2 lần giá vốn.

Trong năm 2016, tổng công ty đã bán vốn thành công tại 73 doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn tại 71 doanh nghiệp) và có 37 doanh nghiệp trong danh sách khó bán, thu về 16.112 tỷ đồng trên giá vốn 3.083 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 5,2 lần, chênh lệch bán vốn năm 2016 ghi nhận là 13.029 tỷ đồng. Với kết quả này, SCIC đã vượt hết các chỉ tiêu đề ra trong năm 2016. 

Về kế hoạch đầu tư năm 2017, SCIC đã quyết định đầu tư góp vốn vào dự án nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam. Đây là dự án mà SCIC đặt nhiều kỳ vọng sẽ có một doanh nghiệp Việt Nam sản xuất thuốc ung thư cho người Việt. Về lộ trình, hiện SCIC đã tiến hành đầu tư, thành lập doanh nghiệp và đang bàn về chuyển giao công nghệ, xây dựng dự án khả thi để xây nhà máy.

Ngoài ra, SCIC cũng đang phối hợp với các nhà đầu tư triển khai một loạt các dự án lớn khác như dự án bệnh viện K cơ sở Tân Triều, dự án tháp truyền hình...

Dự án Trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao do SCIC cùng đầu tư với bệnh viện K dự kiến xây dựng trên khu đất khoảng 9.000 m2 trong khuôn viên Bệnh viện K tại cơ sở 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội với quy mô 500 giường bệnh.

Với đề án xây tháp truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và hai đối tác là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn BRG đã thành lập Công ty cổ phần tháp truyền hình Việt Nam để xây dựng tòa tháp 636m cao nhất thế giới tại khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội). Dự kiến, tháp sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trong 6 năm, thời gian thực hiện chuẩn bị đầu tư hơn 2 năm và sẽ hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2021. 

Skytree Tokyo hiện là tháp truyền hình cao nhất thế giới với độ cao 634m.

Kinh phí đầu tư của dự án theo đề xuất trình Chính phủ là một con số "khổng lồ" từ 1,3 đến 1,5 tỷ USD, trong đó chỉ riêng phần khối tháp là 900 triệu USD. Theo VTV, khoản tiền này là từ nguồn vốn huy động, vốn cổ phần hóa các doanh nghiệp của VTV. Về phía SCIC, được lấy từ nguồn vốn kinh doanh theo quy định tại Nghị định 151/2013/NĐ-CP (từ quỹ đầu tư phát triển của SCIC); về phía BRG là từ nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tại phiên họp thứ 13, Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình Việt Nam hôm 14/2/2017, ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng giám đốc VTV cho biết, sau khi xem xét lại thì nảy sinh khó khăn là nếu VTV và SCIC nắm hơn 60% vốn đầu tư tháp truyền hình sẽ khó làm được. Nguyên nhân là do tháp truyền hình để xây dựng cần có cơ chế rất đặc biệt, nên rất khó có thể dùng tiền của nhà nước để đầu tư vì sẽ phải xin rất nhiều cơ chế đặc thù.

Do đó, xu hướng của VTV là sẽ không dùng tiền bán cổ phần để đầu tư cho tháp truyền hình mà sẽ sử dụng nguồn vốn từ xã hội hóa, VTV chỉ nắm dưới 30% vốn đầu tư vào tháp truyền hình.

Từ đó, VTV tính đến việc sẽ xin Thủ tướng Chính phủ cho phép dùng số tiền thu được sau khi cổ phần hóa các doanh nghiệp để đầu tư sang chuyển mạng phát sóng truyền hình số từ đa tần sang đơn tần. 

Về phía SCIC, mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất nội dung tiền thu được từ cổ phần hóa sẽ nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (Quỹ Trung ương) để tránh tình trạng công ty mẹ lỗ trong sản xuất, kinh doanh dùng chênh lệch do cổ phần hóa để bù lỗ, số còn lại để trích lập các quỹ. Bộ Tài chính sẽ quản lý Quỹ Trung ương và SCIC làm thủ quỹ.

Tin mới lên