Ngân hàng

Đối tác ngoại rút chân khỏi ngân hàng vì room hạn chế

"Room" hạn chế được xem là lý do chính khiến các đối tác chiến lược nước ngoài của ngân hàng trong nước rút lui.

Đối tác ngoại rút chân khỏi ngân hàng vì room hạn chế

Đối tác ngoại rút chân khỏi ngân hàng vì room hạn chế. Ảnh minh họa

Nhiều thương vụ đối tác ngoại thoái vốn

Đầu năm 2018, cổ đông ngoại là Tập đoàn BNP Paribas đã thoái toàn bộ vốn góp khỏi Ngân hàng OCB. Tuy nhiên, thông tin về bên nhận chuyển nhượng hơn 74 triệu cổ phiếu của BNP Paribas chưa được công bố.

BNP Paribas là nhà đầu tư chiến lược, đầu tư 10% vốn vào OCB kể từ năm 2007 và tăng dần tỷ lệ sở hữu lên 20% vốn điều lệ kể từ năm 2011. Việc BNP Paribas thoái vốn khỏi OCB là một thông tin khá bất ngờ với thị trường, nhất là trong xu thế nhiều nhà đầu tư ngoại đang muốn nhảy vào lĩnh vực này của Việt Nam.

Trước đó, Tập đoàn Fullerton Financials Holding (FFH) cũng thoái 20% vốn khỏi Ngân hàng MeKong Bank trước khi nhà băng này phải về với Ngân hàng Maritime Bank.

Theo một nguồn tin đáng tin cậy, sở dĩ FFH rút lui khỏi MeKong Bank là do cổ đông này không muốn về chung một nhà với ngân hàng mới. Thế nhưng, đến nay, nhà đầu tư ngoại nói trên vẫn chưa rót vốn vào nhà băng khác của Việt Nam.

Trong năm 2017, HSBC cũng thoái vốn khỏi Ngân hàng Techcombank.

Cần nới "room" để thu hút đối tác chiến lược nước ngoài?

Theo nhìn nhận của ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn Vina Capital, với tỷ lệ 20%, các cổ đông ngoại rất khó có thể nắm được quyền chi phối trong các quyết định về chiến lược đầu tư và phát triển của ngân hàng. Vì thế, việc nâng thêm "room" cho nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam là cần thiết.

Thực tế cho thấy, các cuộc chia tay giữa đối tác ngoại và ngân hàng nội thời gian qua cũng có nhiều lý do. Chẳng hạn, đầu năm 2012, ANZ rút gần 10% vốn khỏi Sacombank và chuyển nhượng lại cho Eximbank trước khi Sacombank rơi vào nhóm cổ đông lớn. Có ý kiến cho rằng, việc ANZ thoái vốn khỏi Sacombank là do 2 bên không tìm được tiếng nói chung. 

Trong khi đó, có chuyên gia nhận định, ANZ đã thành lập ngân hàng con 100% vốn ngoại tại Việt Nam, nên không muốn hợp tác với Sacombank nữa. Cũng có người cho rằng, ANZ rút vốn khỏi Sacombank là do đã đạt được kỳ vọng về tỷ suất lợi nhuận của khoản đầu tư này khi chuyển nhượng lại cho Eximbank.

Tương tự, Oversea Chinese Banking Corporation Limited (OCBC) là đối tác chiến lược nước ngoài của VPBank đã rút vốn khỏi nhà băng này kể từ cuối năm 2013. Có nhiều thông tin trái chiều về việc rút lui của OCBC. Tuy nhiên, với thương vụ này, lãnh đạo VPBank cho rằng, đối tác ngoại thường có lý do riêng khi bỏ vốn vào bất cứ đâu, có khi là vì mục tiêu lợi nhuận hoặc nhằm củng cố hình ảnh, hay xem đây là cách thức thâm nhập một thị trường mới… 

Nhưng nhìn chung, đến thời điểm này, hầu như các đối tác chiến lược nước ngoài chưa thể hiện hết được vai trò và đạt được kỳ vọng mong muốn. Vì thế, cổ đông ngoại cần có thêm "room" để có thể tăng tiếng nói trong việc đưa ra chiến lược phát triển ngân hàng.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối nghiên cứu của Dragon Capital, cho rằng một trong những lý do khiến nhà đầu tư nước ngoài còn e ngại tham gia lĩnh vực ngân hàng Việt Nam hoặc buộc thoái vốn sau một thời gian đầu tư là "room" còn hạn chế. 

Nếu Việt Nam cho phép nới lên trên tỷ lệ tối đa hiện nay thì đây là điều kiện tốt cho nhà đầu tư. Còn khi tỷ lệ này vẫn dưới 50%, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn khó để có tiếng nói quyết định cùng Hội đồng quản trị của các nhà băng trong việc đưa ra chiến lược kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động của ngân hàng.

"Để các nhà đầu tư nước ngoài bỏ một khoản tiền rất lớn, hàng trăm triệu USD vào một ngân hàng Việt Nam mà tỷ lệ nắm giữ chỉ 20 - 30%, không thể kiểm soát và chi phối được thì sẽ rất khó thu hút họ tham gia. Kinh nghiệm cho thấy, phần lớn các thương vụ mua - bán cổ phần ngân hàng với tỷ lệ 20% trước đây đều khó dẫn đến thành công và không ít đối tác nước ngoài đã rút lui", ông Tuấn nói.

Tin mới lên