Thị trường

Dự án bị loại khỏi kế hoạch sử dụng đất, doanh nghiệp khai thác titan ‘cầu cứu’ Phó Thủ tướng

(VNF) – Việc không được đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2018 của thành phố Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) đã khiến dự án khai thác titan của Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Cát Tường không thể triển khai.

Dự án bị loại khỏi kế hoạch sử dụng đất, doanh nghiệp khai thác titan ‘cầu cứu’ Phó Thủ tướng

Ảnh có tính chất minh họa

Công ty Cát Tường mới đây đã có tờ trình gửi lên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công Thương nhằm kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc để doanh nghiệp được khai thác titan tại Mũi Đá 1, tỉnh Bình Thuận.

Theo tờ tình, Công ty Cát Tường có Giấy phép khai thác số 2274/GP-BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trương cấp ngày 4/10/2016, diện tích 224ha tại khu vực Mũi Đá 1, phường Phú Hải, thành phố Phan Thiết, thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận; được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tại Quyết định 1546/QĐ-TTg ngày 3/9/2013. Cụm mỏ này thuộc khu vực không đấu giá khai thác được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định 203/QĐ-TTg ngày 27/1/2014.

Mỏ titan tại khu vực Mũi Đá được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận điều chỉnh diện tích và vị trí theo nội dung công văn số 1136/STNMT-TNKS ngày 4/6/2010 đã được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận thống nhất chủ trương thăm dò tại công văn số 2819/UBND-KT ngày 21/6/2010.

Dựa trên những cơ sở pháp lý này, Công ty Cát Tường đã đầu tư thăm dò, phê duyệt trữ lượng và nộp hồ sơ xin cấp phép khai thác ngày 4/10/2016. Mỏ titan sa khoáng Mũi Đá 1 của công ty được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác số 2274/GP-BTNMT.

Công ty Cát Tường khẳng định dự án của công ty đủ điều kiện để thực hiện, xét trên cả 4 phương diện là vị trí, môi trường, nguồn nước và đất đai.

Cụ thể, về vị trí, khu vực Mũi Đá 1, phường Phú Hải, thành phố Phan Thiết, thị trấn Phú Long là khu vực khai thác có hiệu quả và không gây ảnh hưởng lớn đến cảnh quan - môi trường vì là khu đất trống, cách khu du lịch hơn 1km, cách xa sân bay Phan Thiết 10km, cách mặt đường Võ Nguyên Giáp 500m không có dân cư sống xung quanh.

Về môi trường, công ty cũng đã làm báo cáo đánh giá tác động môi trường và đã được hội đồng đánh giá tác động môi trường phê duyệt Quyết định số 362/QĐ.BTNMT ngày 12/2/2015. Công ty khẳng định trong quá trình khai thác chỉ sử dụng nước để truyền quặng mà không sử dụng một loại hóa chất nào để gây ô nhiễm về môi trường và cảnh quan thiên nhiên.

Về nguồn nước, công ty Cát Tường nhấn mạnh địa điểm mỏ của công ty nếu được khai thác sẽ không ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Trường hợp UBND tỉnh không cho sử dụng nước ngầm thì công ty sẽ kéo nước từ giếng Chanh, giếng Triền, sông Cái về sử dụng. Công ty khẳng định việc sử dụng nguồn nước để khai thác không gây ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm tại chỗ cho việc sản xuất kinh doanh các ngành nghề xung quanh.

Về đất đai, công ty cho biết dự án đã được HĐND tỉnh thông qua danh mục dự án phải thu hồi đất tại Nghị quyết số 88/2015/NQ-HĐND ngày 14/12/2015 và có trong kế hoạch sử dụng đất năm 2016 của UBND huyện Hàm Thuận đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 632/QĐ-UBND ngày 8/3/2016 của UBND thành phố Phan Thiết được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt tại Quyết định 738/QĐ-UBND ngày 22/3/2017 của kế hoạch sử dụng đất năm 2017.

Tuy nhiên, điều bất ngờ là đến năm 2018, công ty lại không được đưa vào kế hoạch sử dụng của thành phố Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Bắc. Vì vậy, công ty không thể làm những bước tiếp theo về thủ tục thu hồi đất theo quy định tại điểm đ, khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai 2013 (có kèm theo quyết định phê duyệt sử dụng đất số 738/QĐ-UBND và nghị quyết số 88/2015/NQ-HĐND tỉnh).

Bà Đỗ Thị Mỹ Phượng Giám đốc Công ty Cát Tường nhấn mạnh: Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp được bảo hộ quyền hợp pháp theo Luật Đầu tư. Ngoài ra, doanh nghiệp đã được cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản chỉ bị thu hồi khi doanh nghiệp có vi phạm các quy định nhà nước về khoáng sản, bảo vệ môi trường.

“Formosa và Vedan từng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng nhà nước đã có cách giải quyết tháo gỡ, tạo điều kiện cho khắc phục hậu quả, được tiếp tục hoạt động. Còn công ty chúng tôi hiện nay chưa được khai thác, đã làm báo cáo đánh giá tác động môi trường và các thủ pháp lý khác để đủ điều kiện khai thác hợp pháp. Vậy mà không hiểu vì lý do gì UBND tỉnh Bình Thuận không tạo điều kiện cho công ty chúng tôi đi vào hoạt động khai thác, lại có nhiều báo cáo gửi Chính phủ nêu ra những lý do không phù hợp với tình hình thực tế tại khu mỏ…”, bà Phương nêu vấn đề.

Vị Giám đốc này tha thiết: “Chúng tôi tha thiết khẩn cầu Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và quý Bộ xem xét giải quyết thấu tình đạt lý cho công ty chúng tôi được phép khai thác sa khoáng titan theo giấy phép 2274/GP-BTNMT cấp ngày 4/10/2016. Dự án này đã kéo dài hơn 11 năm qua và trong 11 năm qua, tôi đã bán hết tài sản đất khai thác, vay mượn khắp nơi để theo đuổi dự án này trong sự chờ đợi mòn mỏi…”

Hiện, chưa rõ hồi đáp từ Phó Thủ tướng và 2 Bộ: Tài nguyên & Môi trường, Công Thương đối với kiến nghị của Công ty Cát Tường.

Tin mới lên