Bất động sản

Dự án cầu Đồng Nai mới: Chậm tiến độ 5 năm, đội vốn hơn 1.000 tỷ đồng

(VNF) - Kiểm toán Nhà nước vừa công bố "Báo cáo kiểm toán hoạt động, xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu từ ngã ba Tân Vạn đến điểm cuối tuyến tránh thành phố Biên Hòa theo hình thức hợp đồng BOT" (gọi tắt là Dự án).

Dự án cầu Đồng Nai mới: Chậm tiến độ 5 năm, đội vốn hơn 1.000 tỷ đồng

Cầu vượt ngã tư Vũng Tàu là một trong những hạng mục của dự án cầu Đồng Nai mới.

Đây là dự án do Tổng công ty Xây dựng số 1 – CTCP làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng cầu Đồng Nai.

Theo số liệu từ Kiểm toán Nhà nước, về quy mô đầu tư, giai đoạn 1 – 2 – 3 của Dự án đã ký hợp đồng BOT, gồm các hạng mục: cầu Đồng Nai mới (rộng 20m, dài 461,6m), nút giao Vũng Tàu (cầu vượt thép dài 238,4m, mặt cắt ngang cầu 4 làn xe, tổng bề rộng cầu B = 16m), nút giao Tân Vạn (gồm cầu vượt Tân Vạn, đường tuyến chính Quốc lộ 1 dài 1,3km, đường gom chui dưới cầu Tân Vạn, đường gom dưới dạ cầu Đồng Nai).

Ngoài ra còn bổ sung hạng mục sửa chữa, nâng cấp cầu Đồng Nai cũ; bổ sung hạng mục xây dựng trạm thu phí cầu Đồng Nai; bổ sung hạng mục xây dựng cầu vượt ngã tư Amata; bổ sung hạng mục xây dựng hầm chui dọc nút giao Tam Hiệp.

Giai đoạn 4 của Dự án được bổ sung các hạng mục tuyến nối Quốc lộ 1, Quốc lộ 51 với Quốc lộ 1K và cầu An Hảo. Các hạng mục cụ thể gồm: cầu An Hảo; hầm chui nút giao Vũng Tàu hướng rẽ trái từ Quốc lộ 51 đi TP. HCM; hệ thống thoát nước dọc một số đoạn tuyến Quốc lộ 1 từ nút giao Amata đến nút giao Vũng Tàu.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 – 2 – 3 được điều chỉnh lần cuối là 2.202 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư gồm cả giai đoạn 4 là 3.141 tỷ đồng.

Đội vốn hơn 1.100 tỷ đồng

Theo Kiểm toán Nhà nước, công tác lập, điều chỉnh dự án đầu tư còn tồn tại một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, Dự án đã qua 4 lần điều chỉnh bổ sung hạng mục ngoài hợp đồng đã ký kết ban đầu, hoặc do phát sinh các yếu tố mới làm thay đổi phương án tổ chức giao thông… Các lần điều chỉnh đã làm tăng giá trị đầu tư so với phê duyệt ban đầu tới 56,65% (tăng từ 2.005 tỷ đồng lên 3.141,6 tỷ đồng, tức tăng hơn 1.100 tỷ đồng).

Về công tác thẩm định, phê duyệt dự toán và thiết kế các hạng mục thuộc giai đoạn 4 của dự án, kết quả kiểm toán cho thấy tình trạng còn chưa chính xác trong tính toán khối lượng thiết kế, áp dụng định mức, đơn giá dự toán. Một số hạng mục phát sinh chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

Bên cạnh đó, việc dự toán hạng mục thi công cọc khoan nhồi cầu Đồng Nai mới được lập trên cơ sở đơn giá tạm tính đã làm tăng giá trị dự toán công trình hơn 9 tỷ đồng so với giá trị dự toán được phê duyệt chính thức.

Về tiến độ thực hiện dự án, thời gian dự kiến ban đầu là 24 tháng (hoàn thành tháng 6/2010) tuy nhiên do không giải phóng được mặt bằng và liên tục điều chỉnh, bổ sung hạng mục, đến tận tháng 3/2015, dự án mới hoàn thành các hạng mục chính và đưa vào khai thác, thu phí hoàn vốn. Như vậy, Dự án đã chậm tiến độ 5 năm.

Về quản lý chi phí đầu tư, Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện một số hạng mục công trình nghiệm thu khối lượng còn sai sót, áp dụng định mức, đơn giá một số công việc chưa phù hợp; phát sinh chi phí quản lý dự án nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt với kết quả giảm trừ gần 29 tỷ đồng.

Hàng loạt thiếu sót, hạn chế tính toán, đầu tư

Về công tác lựa chọn nhà đầu tư, ký kết và thực hiện hợp đồng, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ nhà đầu tư không thực hiện nghĩa vụ bảo đảm thực hiện hợp đồng đối với các hạng mục đầu tư giai đoạn 1 – 2 và 4 theo quy định Nghị định 78/2007.

Các hạng mục bổ sung giai đoạn 3 và 4 được triển khai thi công trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh là chưa tuân thủ quy định tại khoản 1, Điều 28 Nghị định 108/2009.

Về công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước, Kiểm toán Nhà nước cho biết Bộ Giao thông vận tải chưa kiểm tra số liệu thu chi định kỳ hàng năm làm căn cứ xác định PATC khi điều chỉnh hợp đồng dự án theo quy định tại điểm k, khoản 2, Điều 9 của Phụ lục hợp đồng 18/PLHĐ.BOT-BGTVT.

Các hạng mục đầu tư thuộc giai đoạn 4 chưa được thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thi công theo quy định Điều 11, Quyết định 2777/QĐ-BGTVT năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Trong việc kiểm tra, đánh giá việc tính toán, xác lập một số chỉ tiêu quan trọng trong PATC, Kiểm toán Nhà nước cho hay Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty Xây dựng số 1 đã ký kết Phụ lục hợp đồng số 18. Trong đó, khi tính toán phương án tài chính, một số chỉ tiêu tài chính chưa chặt chẽ và sát thực tế, dẫn đến việc tính toán thời gian hoàn vốn là 18 năm 4 tháng 10 ngày là chưa phù hợp.

Theo Kiểm toán Nhà nước, các bất cập trong hợp đồng BOT là chưa xây dựng khung định mức chi phí quản lý thu phí để làm cơ sở ký kết hợp đồng BOT gây khó khăn trong quá trình quản lý, kiểm tra cơ sở tính toán để xác định chi phí này.

Một số chi phí như tỷ lệ tính chi phí duy tu, bảo dưỡng tại PATC, lợi nhuận bảo toàn vốn của nhà đầu tư chưa có văn bản quy định cụ thể dẫn đến thiếu cơ sở trong tính toán và ký kết hợp đồng BOT.

Lãi suất trong thời gian khai thác đối với phần vốn nhà đầu tư huy động để thực hiện dự án chưa được cập nhật kịp thời theo lãi suất thực tế để điều chỉnh thời gian thu phí dẫn đến chi phí vốn đầu tư tại PATC chưa phù hợp với thực tế, ảnh hưởng đến thời gian hoàn vốn của dự án.

Các văn bản pháp lý về các dự án đầu tư theo hình thức PPP chưa quy định rõ khung lợi nhuận và thời điểm chia lợi nhuận bảo toàn vốn của nhà đầu tư.

Kiến nghị xử lý tài chính 157 tỷ đồng

Từ các kết quả trên, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính các hạng mục đầu tư giai đoạn 1-2- 3 (Phục lục hợp đồng BOT số 18) số tiền 131 tỷ đồng.

Trong đó, đối với Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng cầu Đồng Nai, điều chỉnh giảm giá trị quyết toán 50,6 tỷ đồng; giảm thuế giá trị gia tăng đầu vào được hoàn 1,7 tỷ đồng; chưa đủ điều kiện thanh toán 16,4 tỷ đồng; giảm chi phí lãi vay từ 8/4/2015 – 30/9/2017 là 13 tỷ đồng; giảm trích trước chi phí chi phí sửa chữa vừa và lớn đến 30/9/2017 là 31,3 tỷ đồng; giảm lợi nhuận bảo toàn vốn cho nhà đầu tư 2009 – 2016 là 4,7 tỷ đồng; giảm lãi tính cho phần sử dụng nguồn thu phí từ 1/1/2009 -30/9/2017 là 5,2 tỷ đồng.

Đối với Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai – chi nhánh thành phố Biên Hòa, giảm giá trị quyết toán và nộp trả nhà đầu tư 1,4 tỷ đồng; nộp trả nguồn kinh phí tạm ứng chưa thực hiện cho nhà đầu tư 641 triệu đồng.

Đối với Ban quản lý dự án thành phố Biên Hòa, nộp trả cho nhà đầu tư 4,2 tỷ đồng.

Đối với Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bình Dương – chi nhánh thị xã Dĩ An, nộp trả nguồn kinh phí tạm ứng chưa thực hiện cho nhà đầu tư 1,37 tỷ đồng.

Đối với Ban quản lý dự án 7 – Bộ Giao thông vận tải, giảm giá trị quyết toán 556 triệu đồng.

Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị xử lý tài chính các hạng mục đầu tư giai đoạn 4 (chưa ký hợp đồng BOT) là 25,7 tỷ đồng. Trong đó, Ban quản lý dự án cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu giảm giá trị thanh toán 5,8 tỷ đồng; giảm thuế VAT được hoàn 436 triệu đồng; chưa đủ điều kiện thanh toán 19,8 tỷ đồng.

Đồng thời yêu cầu các bên hoàn thiện thủ tục, rà soát lại khối lượng phát sinh, điều chỉnh chưa trình Ban quản lý dự án 7 và Bộ Giao thông vận tải chấp thuận theo quy định làm cơ sở thanh toán số tiền 17,9 tỷ đồng; hoàn chỉnh hồ sơ nghiệm thu, rà soát khối lượng công việc phần phụ trợ thi công dầm Sunper T của gói thầu xây dựng cầu An Hảo đúng quy định làm cơ sở thanh toán số tiền 1,8 tỷ đồng…

Tin mới lên