Thị trường

Dự án lọc dầu tỷ USD: Ông lớn nhà nước buông, đại gia ngoại thích

Khó khăn về năng lực tài chính khiến các doanh nghiệp Nhà nước dần phải rút khỏi các dự án lọc, hóa dầu tỷ USD.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa bất ngờ đề xuất Chính phủ xin rút khỏi dự án tổ hợp Lọc hoá dầu Nam Vân Phong (Ninh Hoà, Khánh Hoà) để "tập trung nguồn lực thực hiện dự án khác". Tuy nhiên, động thái này đặt ra nhiều dấu hỏi.

Thăng trầm các dự án lọc dầu tỷ USD

Dự án lọc dầu Nam Vân Phong được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư từ đầu năm 2008, với vốn dự kiến 4,4-4,8 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn một năm. Kế hoạch đưa ra ban đầu là nhà máy khởi công năm 2011 và đi vào hoạt động cuối năm 2013 với các sản phẩm như khí hóa lỏng LPG, xăng (RON 92, 95, 98), dầu hỏa, diesel... Song thời gian khởi công liên tục bị lùi.

Khi đó, Chính phủ cũng giao Petrolimex chuẩn bị các bước lập dự án đầu tư, báo cáo khả thi, trong đó lưu ý làm rõ vấn đề đánh giá tác động môi trường, công nghệ, cơ cấu vốn và lựa chọn đối tác, đặc biệt là đối tác cung cấp dầu...


Petrolimex xin rút khỏi dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong

Năm 2014, lọc dầu Nam Vân Phong kêu gọi đầu tư trở lại sau 6 năm có chủ trương đầu tư, nâng quy mô vốn lên 8 tỷ USD. Nam Vân Phong "tái khởi động" trong bối cảnh Việt Nam đã có khá nhiều dự án lọc hóa dầu, chẳng hạn lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), lọc dầu Vũng Rô (Phú Yên), lọc dầu Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu)...

Cũng trong năm này, Petrolimex đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với Tập đoàn JX Nippon Oil & Energy, mở đường cho nhà đầu tư Nhật triển khai dự án lọc dầu Nam Vân Phong. Thời điểm này Petrolimex và Nippon Oil & Energy dự kiến hoàn tất phát hành tăng vốn, thành lập công ty liên doanh đầu tư dự án Tổ hợp hoá lọc dầu Nam Vân Phong để xúc tiến các thủ tục đầu tư giữa năm 2015.

Tuy nhiên ngay cả khi đại gia Nhật mua 8% cổ phần Petrolimex, trở thành nhà đầu tư chiến lược, dự án lọc dầu Nam Vân Phong vẫn chưa đẩy nhanh được tiến độ triển khai.

Về việc liên tục lùi thực hiện dự án, tại cuộc gặp gỡ các nhà đầu tư trước thềm IPO vào tháng 3/2017, nguyên Chủ tịch Petrolimex Bùi Ngọc Bảo nói thời gian quyết định đầu tư tuỳ thuộc vào cơ chế chính sách của Chính phủ. Lãnh đạo Petrolimex thời điểm đó khẳng định tập đoàn không cần ưu đãi đặc thù mà "chỉ cần sự bình đẳng với các dự án lọc dầu tương tự đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam. Nếu chính sách bình đẳng, chúng tôi sẽ khẩn trương đầu tư vào dự án”.

Một dự án hóa dầu tỷ USD khác cũng gặp cảnh tương tự là Tổ hợp hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) với vốn đầu tư 3,7 tỷ USD. Được cấp phép lần đầu năm 2008, dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn trải qua khá nhiều thăng trầm trong việc tìm kiếm nhà đầu tư. Ban đầu, đây là dự án liên doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn SCG (Thái Lan). Sau đó lần lượt các "ông lớn" nhà nước góp vốn dần rút vốn, nhường dự án cho đại gia ngoại.

Năm 2012, Vinachem rút vốn với lý do khó khăn tài chính, nhượng lại cổ phần cho Tập đoàn Qatar Petroleum International (QPI). Đầu tháng 4/2017 QPI cũng quyết định rút toàn bộ vốn tại Tổ hợp hóa dầu Long Sơn và chuyển nhượng phần vốn này cho SCG. Nhờ đó, vốn của SCG tại tổ hợp này nâng từ 46% lên 71%. Tháng 1/2018, PVN cũng tuyên bố "buông" dự án sau 10 năm tham gia đầu tư.

Năng lực tài chính, khó khăn thu xếp vốn... là vướng mắc chung của các doanh nghiệp Nhà nước trong các dự án tỷ USD.

Khi rút khỏi dự án hóa dầu Long Sơn, PVN cho biết tập đoàn không thu xếp được phần vốn góp trong liên doanh. Ngoài ra, thủ tục phê duyệt các gói thầu kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp tiến độ ký hợp đồng EPC và triển khai dự án.

Còn với Petrolimex, nguyên nhân ngắn gọn được tập đoàn này đưa ra trước đề xuất rút khỏi Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong là "để dành nguồn lực cho dự án khác". Tuy nhiên, tại cuộc họp với Tổ công tác Thủ tướng, nhắc lại quá trình thay đổi công suất, thu xếp vốn, xin cơ chế ưu đãi,... của dự án, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, lý do chính khiến tập đoàn muốn dừng dự án nằm ở năng lực tài chính.

Đại gia ngoại nhòm ngó

Số phận của Long Sơn tới giờ đã khá rõ ràng. Ngay sau khi PVN rút vốn, toàn bộ 29% vốn góp của tập đoàn này tại dự án Long Sơn được nhượng lại cho đại gia Thái - SCG, nâng tổng vốn sở hữu của SCG từ 71% lên 100%. Cuối tháng 2/2018, Tập đoàn SCG (Thái Lan) đã khởi công dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn và dự kiến vận hành thương mại năm 2022.

Còn với Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong, hiện vẫn chưa có quyết định cuối cùng sau đề xuất rút lui của Petrolimex. Dù thế, đề xuất này lại nhận được sự đồng thuận từ phía các bộ. Theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính, động thái xin rút lui của Petrolimex cũng phù hợp với quan điểm của Bộ này đưa ra trong các văn bản góp ý về dự án trước đây.

Còn lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư thì cho rằng hiện cả nước đã có 2 nhà máy lọc dầu lớn là Dung Quất và Nghi Sơn (chuẩn bị vận hành thương mại vào cuối năm nay) nên việc có thêm một dự án tương tự cho mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng "không còn cấp thiết".

Do đây là dự án có vốn đầu tư lớn, trong cuộc làm việc của Tổ công tác Thủ tướng tại Petrolimex, ông Nguyễn Cao Lục - Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ phó Tổ công tác đề nghị Bộ Công Thương sớm báo cáo Thủ tướng xem xét, có ý kiến chỉ đạo.

Tin mới lên