Tài chính quốc tế

ECB hạ lãi suất tiền gửi xuống thấp kỷ lục -0,3%

(VNF) - Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định cắt giảm các lãi suất huy động xuống còn mức thấp kỷ lục -0,3%. Đồng Euro ngay lập tức tăng giá mạnh trong khi chỉ số USD tụt dốc.

ECB hạ lãi suất tiền gửi xuống thấp kỷ lục -0,3%

Theo thông báo được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra sau cuộc họp ngày 3/12, lãi suất tiền gửi giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, theo đó, mức lãi suất tiền gửi mà các ngân hàng thương mại đem gửi tại các ngân hàng trung ương trên toàn khu vực Eurozone sẽ giảm từ mức -0,2% hiện nay xuống còn -0,3%. 

Hội đồng quản trị ECB cũng quyết định giữ lãi suất tái cấp vốn không đổi ở mức 0,05%, trong khi lãi suất cho vay qua đêm được duy trì ở ngưỡng 0.3%.

Động thái được cho là nhằm kích thích khả năng cho vay của các ngân hàng thương mại bằng cách tăng chi phí đối với ngân hàng khi lượng tiền mặt dư thừa quá lớn. 

Phát biểu trong buổi họp báo tại Frankfurt (Đức) ngày 3/12, Chủ tịch ECB, ông Mario Draghi tuyên bố Ngân hàng Trung ương sẽ duy trì quy mô chương trình nới lỏng định lượng (QE) ở mức 60 tỷ Euro (tương đương 63,5 tỷ USD) một tháng để mua trái phiếu chính phủ, thấp hơn mức kỳ vọng 10 tỷ USD trước đó của thị trường. 

Chương trình này sẽ kéo dài ít nhất là đến tháng 3/2017, ông Draghi cho biết. Trong khi trước đó, chương trình này được dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 9/2016.

"Chương trình có thể mở rộng hơn nữa nếu tỷ lệ lạm phát vẫn chưa có dấu hiệu tăng", ông Mario Draghi nói.

Đây cũng là một phần trong nỗ lực của ECB với hy vọng việc bơm tiền trực tiếp này sẽ thúc đẩy lạm phát và vực dậy nền kinh tế khu vực vốn đang rất trì trệ hiện nay ở khu vực Eurozone.

ECB lần đầu tiên tung ra chương trình nới lỏng định lượng (QE) vào tháng 3 năm nay nhằm giúp đẩy lạm phát quay trở lại mức mục tiêu 2% và tăng tính thanh khoản trong khu vực đồng euro 19 quốc gia.

Nhưng bất chấp những nỗ lực đó, lạm phát vẫn ở mức khiêm tốn, nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Eurozone vẫn ì ạch. Tỷ lệ lạm phát thấp hơn mục tiêu 2% của ECB kể từ đầu năm 2013. Hiện nay, lạm phát trong khu vực đồng tiền chung châu Âu đang ở mức 0,1%.

Các chuyên gia kinh tế của ECB kỳ vọng mức lạm phát của Eurozone sẽ ở mức 1% năm 2016 và 1,6% trong năm 2017. 

Một trong những nguyên nhân khiến lạm phát khu vực này vẫn ở mức thấp là do giá năng lượng thấp và sự tăng trưởng chậm hơn ở các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc. Điều đó có thể đem lại lợi ích cho người tiêu dùng khu vực đồng Euro. 

Tuy nhiên, quan điểm của ECB là mức lạm phát thấp sẽ là mối đe dọa lâu dài cho nền kinh tế khu vực này vì sẽ gây khó khăn cho cả chính phủ, các hộ gia đình và các công ty trong việc giảm các khoản nợ.

ECB cũng lo ngại rằng mức lạm phát thấp có thể khiến nền kinh tế bị "đóng băng" và dẫn đến tình trạng giảm phát. Khi giá cả giảm, các công ty sẽ ngày càng trì hoãn đầu tư và các hộ gia đình hoãn lại quyết định chi tiêu với hy vọng nhận được một thỏa thuận tốt hơn, dẫn đến giảm sản lượng sản xuất.

Ngay sau thông báo này, đồng Euro đã leo dốc ấn tượng 2% so với đồng USD và giao dịch ở mức 1,08 USD/EUR, tăng mạnh so với ở mức thấp 1,0525 USD/EUR trước đó. Euro đã phục hồi mạnh khi giảm khoảng 4,1% trong tháng 11/2015.

Diễn biến tỷ giá USD/EUR ngày 3/12 sau thông báo giảm lãi suất của ECB. Nguồn: CNNMoney

Chỉ số đồng USD đã giảm mạnh 1,4% sau tin tức ECB cắt lãi suất xuống còn 98,61 điểm.

Động thái này là tín hiệu đầu tiên cho thấy sự trái ngược trong chính sách được thông qua bởi hai ngân hàng trung ương lớn nhất trên thế giới. Giữa tháng này, Cục Dự trữ liên bang Mỹ dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất ngắn hạn từ mức gần 0% được duy trì trong 7 năm qua.

Tin mới lên