Tài chính quốc tế

ECB với gói QE 1.100 tỷ euro có tạo đột phá mới?

(VNF) - Chỉ trong vòng chưa đầy 4 tháng, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã sử dụng các công cụ tài chính có thể coi là "bất thường" nhằm tạo đà thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế của khu vực eurozone, được coi là bước "đột phá" trong việc sử dụng công cụ điều hành kinh tế vĩ mô của ECB khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

ECB với gói QE 1.100 tỷ euro có tạo đột phá mới?

Từ giảm lãi suất và mua ABS…

Ngày 4/9/2014, ECB đã bất ngờ tuyên bố đồng loạt giảm các lãi suất chủ chốt xuống 10 điểm cơ bản, mức thấp kỷ lục, đồng thời công bố chương trình ABS nhằm ngăn chặn nguy cơ giảm phát cũng như khơi thông dòng vốn tín dụng trong khu vực Eurozone.

Theo đó, từ ngày 10/9/2014, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tiền gửi trong Eurozone đã giảm lần lượt xuống còn 0,05% và -0,20%. Đây là quyết định chưa từng có trong lịch sử tài chính của châu Âu.

Giới chuyên gia và không ít nhà hoạch định chính sách lưu ý rằng nếu chính phủ các nước trong khu vực, nhất là các nền kinh tế đầu tàu như Đức, Pháp, Italia, không tìm cách đưa "con thuyền" Eurozone "nổi" trở lại thì đồng euro khó tránh khỏi kết cục không mong muốn.

Tia hy vọng mới lóe lên hồi cuối năm 2013 của kinh tế Eurozone, nay lại vụt tắt, theo số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) công bố hồi tháng 9 năm ngoái khẳng định Eurozone gồm 19 nước thành viên năm 2014 tăng trưởng ở mức gần 0%. Trong khi EU bao gồm 28 nước thành viên cũng chỉ tăng trưởng 0,2%. Tại Eurozone, lạm phát cũng đã giảm xuống 0,3%.

Xét trên phạm vi toàn cầu thì EU là khu vực đáng quan ngại nhất vì đã cận kề suy thoái vào cuối năm 2014 và nay vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan hơn, nhất là nguy cơ đổ vỡ của nền kinh tế thành viên Hi Lạp. Khu vực Eurozone năm 2015 cũng chỉ được dự báo tăng trưởng ở mức 0,8% - 1,8%, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao (11,6%) khiến kinh tế EU khó bề phục hồi trong ngắn hạn.

Đức là nền kinh tế đầu tàu của khu vực thường mang lại động lực tăng trưởng cho cả khối, nay bất ngờ giảm chỉ còn 0,2%, trong khi đà tăng trưởng kinh tế của Pháp (lớn thứ hai Eurozone) cũng chững lại, khiến cho mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách của EU trở nên xa vời và tác động tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trước diễn biến nêu trên, chính phủ các nước Eurozone đã phải hạ dự báo mức tăng trưởng GDP thấp hơn con số trước đó. Trong khi nền kinh tế Eurozone đang ốm yếu thì lại phải nặng "nợ" thêm  với kinh tế Ukraine, buộc EU phải chi 17 tỷ USD để giữ cho Ukraine không bị vỡ nợ và đảm bảo cho nước này gắn chặt hơn với phương Tây.

Một số chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine và việc các bên Mỹ, EU - Nga gia tăng các đòn trừng phạt lẫn nhau đã làm gián đoạn đà phục hồi kinh tế của Eurozone. Có chuyên gia còn ví von rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU nhằm vào Nga chẳng khác gì "lấy đá tự ghè chân mình", vì sự "phản đòn" của Nga đã khiến kinh tế khu vực chao đảo và có nguy cơ mất trắng thành quả khắc phục nợ công và phục hồi kinh tế mới đạt được hồi cuối năm 2013.

Theo thống kê kinh tế mới công bố cho thấy, Slovakia đang quan ngại về các đòn trừng phạt mà EU áp đặt lên Nga. Khiến sản lượng kinh tế của Slovakia đang sa sút nhanh chóng, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) - thước đo về sức khỏe khu vực sản xuất của một nền kinh tế, của nước này trong tháng 8 đã giảm xuống mức 50,7 điểm thấp nhất trong 13 năm qua, từ mức 53,8 điểm trong tháng 7/2014.

Chuyên gia kinh tế cấp cao Rob Dobson thuộc hãng nghiên cứu Markit đánh giá: "Ảnh hưởng tiêu cực từ bất ổn kinh tế và địa chính trị gia tăng đối với các nhà sản xuất đang trở nên rõ ràng hơn".

Nền kinh tế đầu tàu của Eurozone là Đức cũng đang suy giảm tốc độ phát triển; "kinh tế Pháp tiếp tục là một mối lo thực sự; kinh tế Italia thì từ mức tăng trưởng vững sang trì trệ. Đã có những dấu hiệu gần như chắc chắn cho thấy động lực tăng trưởng đang suy giảm nhanh chóng tại các ngành công nghiệp chủ chốt của Eurozone như: Đức, Tây Ban Nha và Hà Lan".

Sau gần 4 tháng triển khai công cụ tài chính được coi là "đột phá" "bất thường" nhưng hiệu quả đã không được như mong muốn. Mặc dù nguy cơ đổ vỡ có giảm bớt nhưng nền kinh tế Eurozone vẫn đang "ốm yếu", khiến ECB buộc phải "ra đòn", "bồi" thêm gói QE với hơn 1 ngàn tỷ euro.

Đến sử dụng công cụ QE…

Sự trì trệ của Eurozone đã gia tăng sức ép buộc ECB phải sớm hành động để ngăn chặn tình trạng lạm phát thấp, kéo dài trở thành nguy cơ giảm phát.

Chủ tịch ECB ông Mario Draghi ngày 22/1/2015 đã phải công bố gói QE phiên bản châu Âu, với mục tiêu tập trung chủ yếu vào trái phiếu chính phủ - loại tài sản lớn nhất và có tính thanh khoản cao nhất trong Eurozone. Các tài sản khác như trái phiếu doanh nghiệp hoặc "nợ siêu quốc gia" được phát hành bởi Ngân hàng Đầu tư châu Âu cũng có thể được bổ sung vào danh mục.

Theo giới nhân tích, ECB sẽ phải đưa ra tiêu chí phân loại chất lượng trái phiếu như: các tài sản được xếp hạng tín nhiệm AAA hoặc ít nhất ở mức BBB- (không bao bao gồm trái phiếu được phát hành bởi hai chính phủ Hy Lạp và Síp), nhất là Hy Lạp, nơi có gói cứu trợ sắp đáo hạn vào cuối tháng 2 này và cuộc bầu cử quốc hội diễn ra ngày 25/1, với chiến thắng thuộc về phe cánh tả phản đối gói cứu trợ.

ECB sẽ tiến hành mua tài sản: cổ phiếu chứng khoán của các chính phủ và tư nhân trong các nước thành viên Eurozone với 60 tỷ euro mỗi tháng, nhằm đáp ứng nhu cầu thúc đẩy tăng trưởng, chống giảm phát và thất nghiệp.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Draghi cho biết quyết định triển khai chương trình mở rộng tài sản của ECB là bước hoàn thiện của các chương trình mua trái phiếu bảo đảm hiện nay. "Phần tăng lên đáng kể trong bảng cân đối kế toán của ECB sẽ giúp ích cho hoạt động cho vay ở eurozone". Lãi suất ở eurozone vẫn được giữ nguyên ở mức thấp kỷ lục (0%-0,25%)

Ngay sau khi ECB công bố quyết định gói QE, chứng khoán Âu và Mỹ đã đồng loạt khởi sắc. Giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán châu Âu nhảy vọt lên 1,6% là mức cao nhất trong 7 năm qua; chỉ số FTSEurofirst 300 lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2008.

Trên thị trường vàng thế giới, theo số liệu thống kê trong 3 tuần đầu tháng 1/2015, giá vàng đã tăng khoảng 10% nhờ nhu cầu đối với các tài sản được xem là an toàn gia tăng, chủ yếu do các bất ổn kinh tế và chính trị tại khu vực Eurozone.

Theo nhận định của giới phân tích, mặc dù có sự hoan nghênh của các giới chức tài chính kinh tế về quyết định tung gói QE vào thời điểm hiện nay của ECB, nhưng vẫn còn tồn tại những hoài nghi về sức mạnh và hiệu quả hoạt động kinh tế của khu vực Eurozone.

Ngay từ hồi tháng 9 năm ngoái Chủ tịch ECB ông Draghi đã cho biết nếu lạm phát duy trì "ở mức quá thấp trong một thời gian quá dài", ECB sẽ tiến hành các biện pháp bất thường để ngăn chặn nguy cơ giảm phát. Vì thế, việc tung ra gói QE lần này được coi là nhằm tăng hiệu quả của biện pháp bất thường mà ECB đã đưa ra trước đó.

Hiệu quả vẫn phải chờ…

Các nhà kinh tế lưu ý rằng, chỉ nỗ lực của ECB là chưa đủ, chính phủ các nước cần đưa ra các giải pháp cụ thể là đẩy nhanh cải cách trong khu vực. Nhà kinh tế Holger Schmieding thuộc ngân hàng Berenberg Bank nói rằng, ECB giờ đây chỉ có thể đóng vai trò hỗ trợ trong việc phục hồi kinh tế, chứ không thể giữ vai trò "nhạc trưởng" để chấm dứt khủng hoảng nợ công đã đeo bám Eurozone từ mấy năm nay. Biện pháp cắt giảm lãi suất và mua trái phiếu chỉ hỗ trợ chứ không thể giải quyết được mọi vấn đề.

Giới phân tích còn nhận định thêm, ECB đang lĩnh trách nhiệm giải cứu Eurozone một lần nữa, nhưng sự chậm trễ của chính phủ các nước trong việc cải cách cơ cấu kinh tế có thể xóa đi những cố gắng của ECB trong thời gian qua.

Chủ tịch ECB vẫn giữ quan điểm sẽ không đưa ra các hành động quyết liệt nào trong việc tạo dòng chảy tiền tệ dễ dàng hơn nếu chính phủ các nước Eurozone không thắt chặt các quy định về chi tiêu ngân sách.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát lại đưa ra quan điểm rằng, động thái bất ngờ của ECB hồi tháng 9/2014 và gói QE được đưa ra ngày 22/1/2015 là nằm trong kế hoạch khai triển một loạt các giải pháp lớn nhằm đưa kinh tế Eurozone phục hồi. Chủ tịch ECB trước đây đã không cổ súy việc nới lỏng các quy định ngân sách thì nay ông đã phải chấp nhận vì hiệu quả của giải pháp hồi tháng 9 năm 2014 đã không được như mong muốn.

Quan điểm của Đức và một số ý kiến chuyên gia cho rằng, với gói QE vừa đưa ra chỉ đủ bù lại số tiền theo chương trình mua ABS hồi tháng 9 năm ngoái nên chưa có khả năng để đưa Eurozone khỏi nguy cơ giảm phát. Theo giới chuyên gia thì "các nước thành viên cần tăng trưởng, hạ tỷ lệ thất nghiệp, chính sách tài chính lành mạnh và quan trọng hơn là cần cải cách cơ cấu".

Dù không dễ thực hiện, song nếu thiếu hành động từ lãnh đạo các nước trong khu vực, đà tăng trưởng của Eurozone khó có thể phục hồi và nguy cơ giảm phát có thể trở thành sự thực. Nhật Bản là một bài học nhãn tiền khi mà nền kinh tế này đã đánh mất đà tăng trưởng trong cả thập kỷ 1990 và đến nay vẫn đang phải vật lộn để đẩy lui "nỗi ám ảnh" này.

Khác với Nhật Bản, châu Âu không phải là một nước. Nếu cảm thấy liên minh tiền tệ không mang lại lợi ích gì ngoài sự trì trệ, thất nghiệp và giảm phát, rất có thể một số nước thành viên sẽ buộc phải xem xét việc rời bỏ đồng euro, bất chấp những cam kết, hứa hẹn trước đó.

Khủng hoảng nợ công có vẻ vẫn như "bóng ma" đeo bám Eurozone, chưa kể nguy cơ Hy Lạp có thể phải đóng cửa nền kinh tế nếu phe cánh tả thắng thế trong cuộc bầu cử đang diễn ra.

Như vậy, với chức năng là ngân hàng trung ương của châu Âu, ECB đã nhiều lần đưa ra các giải pháp tài chính như: lãi suất âm, thắt chặt chi tiêu, kích cầu tiêu dùng, mua tài sản ABS… Tuy nhiên, lần này trước nguy cơ giảm phát của kinh tế khu vực Eurozone,

ECB buộc phải đưa ra giải pháp "bồi" thêm bằng gói QE với hơn 1 ngàn tỷ euro. Vì thế, giới phân tích và dư luận vẫn không mấy lạc quan và cho rằng, hiệu quả của các công cụ tài chính mà ECB sử dụng để thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Eurozone vẫn còn đang ở phía trước.

Tin mới lên