Ngân hàng

Eximbank đặt mục tiêu lãi 1.600 tỷ, tăng 57% giữa lúc ‘lùm xùm’ tiền gửi chưa dứt

(VNF) - Eximbank đặt mục tiêu lãi trước thuế 1.600 tỷ đồng năm 2018, tăng tới 57% so với năm 2017.

Eximbank đặt mục tiêu lãi 1.600 tỷ, tăng 57% giữa lúc ‘lùm xùm’ tiền gửi chưa dứt

Eximbank đặt mục tiêu lãi trước thuế 1.600 tỷ đồng năm 2018

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa công bố Nghị quyết thông qua một số chỉ tiêu kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2018.

Theo đó, Eximbank đặt kế hoạch nâng tổng tài sản lên 178.000 tỷ đồng trong năm nay, tăng 19% so với một năm trước đó; huy động vốn kế hoạch tăng 26%, lên 148.000 tỷ đồng; dư nợ tín dụng kế hoạch tăng 12%, lên 113.560 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Đáng chú ý, Eximbank đặt mục tiêu lãi trước thuế 1.600 tỷ đồng năm 2018, tăng tới 57% so với năm 2017.

Trong một diễn biến mới đây, HĐQT Eximbank đã thông qua giao dịch giữa ngân hàng này và Minato Bank (Sumitomo Mitsui Banking Corporation là cổ đông lớn của cả Eximbank và Minato Bank). Theo đó, từ ngày 3/4/2018, Minato Bank phát hành thư bảo lãnh bằng điện Swift để bảo lãnh cho khoản vay của khách hàng tại Eximbank, chi nhánh TP.HCM.

Việc bắt tay với Ngân hàng Nhật nhằm bảo lãnh khoản vay của khách hàng diễn ra trong bối cảnh Eximbank liên tiếp xảy ra các bê bối làm mất tiền khách hàng.

Cụ thể, vụ việc được dư luận chú ý gần đây là trường hợp khách hàng Chu Thị Bình gửi tiền và bị mất hơn 245 tỷ đồng. Theo bà Chu Thị Bình, từ năm 2013 bà mở hàng chục tài khoản tiền gửi tiết kiệm tại Eximbank, chi nhánh TP.HCM với tổng số tiền hơn 301 tỷ đồng nhưng bị ông Lê Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc chi nhánh này làm giả giấy ủy quyền của bà cho người khác rút tiền, chiếm đoạt 245 tỷ đồng của ngân hàng này.

Đến nay, giữa bà Bình và Eximbank đã tiến hành 2 lần gặp gỡ để tìm hướng giải quyết nhưng bất thành. Phía ngân hàng giữ quan điểm là chờ phán quyết của tòa án và tạm ứng 14,8 tỷ đồng chứ không trả lại tiền như kết luận của Cơ quan Cảnh sát Điều tra. Trong khi đó, phía bà Bình cũng không chấp thuận với phương án mà ngân hàng đưa ra.

"Tôi là khách hàng gửi tiền, giờ mất tiền mà còn phải ra tòa chờ xét xử thì thật vô lý hết sức. Tôi vẫn giữ quan điểm yêu cầu Hội đồng Quản trị và Ban Giám đốc Eximbank phải xem xét và quyết định thanh toán ngay cho tôi toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm hơn 245 tỷ đồng gốc (chưa bao gồm lãi)", bà Bình cho biết.

Không chỉ có bà Chu Thị Bình, thời gian gần đây Eximbank cũng liên tục "dính" án làm mất tiền, vàng của khách hàng như vụ làm mất 3 lượng vàng của khách hàng ở Hà Nội, làm mất 50 tỷ đồng của 6 khách hàng ở chi nhánh Đô Lương (Nghệ An). Tuy nhiên, các vụ việc này đều được Eximbank phản hồi là chờ phán quyết của tòa án.

Tin mới lên