Ngân hàng

Eximbank: Lãi tăng vọt đã phải là tín hiệu vui?

(VNF) - Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2017 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), lợi nhuận trước thuế quý I/2017 của Eximbank đạt 136,4 tỷ đồng, gấp 5,7 lần cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, lãi tăng vọt chưa chắc đã là tín hiệu phản ánh tình hình kinh doanh của nhà băng này đang tốt lên.

Eximbank: Lãi tăng vọt đã phải là tín hiệu vui?

Lợi nhuận trước thuế quý I/2017 của Eximbank đạt 136,4 tỷ đồng, gấp 5,7 lần cùng kỳ năm 2016.

Đầu tiên, mức lợi nhuận 136,4 tỷ đồng của Eximbank trong quý I/2017 dù tăng vọt so với cùng kỳ năm 2016 nhưng so với tổng tài sản bình quân 130.813 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu bình quân 13.522 tỷ đồng, con số này vẫn rất nhỏ, tỷ suất sinh lời lần lượt chỉ 0,1% và 1%.

Thứ hai, mảng kinh doanh cốt lõi là tín dụng – đầu tư của Eximbank đang cho thấy sự chững lại về doanh thu và sự sụt giảm về hiệu suất kinh doanh. Quý I/2017, mảng này đem về 2.103 tỷ đồng thu nhập lãi cho Eximbank, giảm 30 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016, trong khi đó, chi phí lãi lại tăng tới 200 tỷ đồng, đạt mức 1.212 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần của Eximbank theo đó mà giảm mạnh 25,4%, xuống còn 687 tỷ đồng.

Tính chung với các mảng kinh doanh khác, tổng lãi thuần quý I/2017 của Eximbank đã giảm 19%, xuống còn 834 tỷ đồng, là tín hiệu cho thấy tình hình kinh doanh của Eximbank thực chất đang có chiều hướng đi xuống.

Sở dĩ lợi nhuận trước thuế của Eximbank tăng vọt 5,7 lần, trong khi tổng lãi thuần giảm khá mạnh là do nhà băng này đã giảm chi phí hoạt động và đặc biệt là giảm tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro.

Quý I/2017, chi phí hoạt động của Eximbank đã giảm 19,8%, xuống còn 531 tỷ đồng. Trong khi tỷ lệ trích lập dự phòng giảm từ mức 91,8% của quý I/2016 xuống còn 43,9%.

Đi sâu hơn, việc chi phí hoạt động của Eximbank giảm tương đối trong quý I/2017 không phải do ngân hàng này tiết kiệm được chi phí hoạt động, mà là do Eximbank không phải ghi nhận khoản chi phí hoạt động khác bất thường như cùng kỳ năm 2016.

Đối với việc giảm mạnh tỷ lệ trích lập dự phòng, động thái này dù giúp Eximbank gia tăng lợi nhuận so với cùng kỳ nhưng về bản chất lại không mấy liên quan đến hoạt động kinh doanh mà phần nhiều mang tính kỹ thuật.

Ngoài vấn đề liên quan đến lợi nhuận, Eximbank cũng đang cho thấy nhà băng này có sự tính toán nhất định liên quan đến nợ xấu nội bảng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến hết ngày 31/3/2017 của ngân hàng này ở mức 2,996%, cực kỳ sát so với ngưỡng quy định 3% của Ngân hàng Nhà nước.

Với nợ xấu ngoại bảng, Eximbank hiện có 7.017 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt tại VAMC, trong đó đã trích lập dự phòng được 1.376 tỷ đồng. Lượng nợ xấu chưa trích lập dự phòng còn lại là 5.620 tỷ đồng, gấp đôi lượng nợ xấu nội bảng đang được ghi nhận.

Tính đến hết ngày 31/3/2017, tổng tài sản của Eximbank đạt 132.826 tỷ đồng, tăng 3,1% so với hồi đầu năm, trong đó dư nợ tín dụng đạt 86.435 tỷ đồng, giảm 0,52%. Trong khi đó, tiền gửi khách hàng của Eximbank ở mức 110.286 tỷ đồng, tăng 7,8%.

Tin mới lên